Con đường đi qua, cuộc sống đổi thay
Tháng 5/1959, tại làng Ho (Quảng Bình), tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn bổ nhát cuốc đầu tiên mở con đường vận chuyển vật lực, khí tài từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam (đường 559). Đó là điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nối từ Km0 ở thị trấn Lạt (Tân Kỳ, Nghệ An) đến huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Quốc lộ N2 xuyên qua vùng phèn chua nước mặn ngày xưa và trở thành con đường trù phú hôm nay
Nay, từ điểm cuối Chơn Thành đó, đường N2 đã hình thành, nối dài đến Mũi Cà Mau, tiếp nối con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Những ngày này đi trên đường N2 từ Bình Phước, xuyên qua Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang tới Cà Mau, về Năm Căn rồi Đất Mũi, vùng đất phèn chua nước mặn của ngày xưa đã không còn nữa. Thay vào đó là những nhà máy, xí nghiệp, nhà cửa khang trang mọc hai bên đường.
Chúng tôi dừng lại ở Long An, địa phương có đoạn Quốc lộ N2 dài 100km trên tổng số 440km của con đường này. Năm 2007, đoạn Quốc lộ N2 qua địa bàn tỉnh Long An hoàn thành đưa vào sử dụng, điểm đầu là huyện Đức Hòa, điểm cuối huyện Tân Thạnh tiếp giáp huyện Tháp Mười (Đồng Tháp).
Đức Hòa vốn là một thị trấn nhỏ, bây giờ đã đổi khác. Nhiều khu công nghiệp mọc lên trên những cánh đồng lúa ngày xưa. Mỗi sáng và chiều, công nhân từ các nhà máy, xí nghiệp tràn ra đầy đường.
Xe tải, xe container chở hàng hóa ngược xuôi. Ông Vỹ Nguyên, một người dân cố cựu nơi đây chia sẻ: “Ai đi xa 10 năm giờ quay lại, chắc không biết đường về nhà!”.
Huyện Đức Hòa giáp ranh huyện Củ Chi (TP.HCM). So với Củ Chi thì Đức Hòa bây giờ nhộn nhịp hơn nhiều. Giá đất cũng cao hơn và 3 năm trở lại đây, giá đất biến động hàng tuần.
Giá đất biến động trước đây là do tỉnh Long An có chủ trương thu hút các doanh nghiệp đầu tư về khu công nghiệp Đức Hòa. Ông Võ Văn Thân, giám đốc một công ty cơ khí trước có nhà xưởng ở Củ Chi, sau đó đã chuyển về Đức Hòa, do Long An có chính sách miễn thuế 10 năm cho các doanh nghiệp. Đó cũng là lý do nơi đây thu hút nhiều doanh nghiệp và lao động.
Ở xã Hòa Khánh, dọc hai bên tuyến đường là nhiều dãy nhà phố mọc lên dày đặc với nhiều kiểu dáng sang trọng, hiện đại. Đặc biệt, giá đất ở đây tăng lên chóng mặt. Vài năm trước một lô nền chỉ khoảng 200 - 300 triệu đồng, nay tăng lên từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng, tùy vị trí.
Xuôi theo tuyến Quốc lộ N2 về miên Tây, đoạn xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức trước đây là cánh đồng khóm, mía lớn nhất của tỉnh, nay là những bãi tập kết hàng hóa, kho chứa nông sản rộng hàng chục hécta.
Anh Nguyễn Văn Thông, nông dân ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức cho biết, xưa kia vùng này đất bị nhiễm phèn nặng, người dân chỉ có thể trồng các loại cây như: Tràm, khóm, mía, chanh… Tuy nhiên, do điều kiện đi lại khó khăn, chủ yếu bằng đường thủy nên mỗi khi đến mùa thu hoạch thường bị ép giá. Giờ có tuyến đường N2, nông dân chỉ cần đưa nông sản ra bãi tập kết là có thương lái đến mua.
Ông Lê Thành Út, Phó chủ tịch UBND huyện Bến Lức cho biết, hiện nay dọc hai bên tuyến đường qua địa bàn đang hình thành các dịch vụ, cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân.
Trong tương lai, Quốc lộ N2 sẽ được mở rộng lên 4 làn xe, nối vào đường Vành đai 4 đi qua và đường Lương Hoa (Bến Lức) - Bình Chánh (TP.HCM) đi cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), kết nối vùng với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Điểm sáng phát triển
Khu công nghiệp Việt Phát 1.383ha nằm cạnh Quốc lộ N2 đang mời gọi doanh nghiệp vào sản xuất
Ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa (Long An) cho biết, từ khi có đường N2, việc thu hút các nhà đầu tư về địa phương cũng có nhiều khởi sắc.
Hiện, huyện có 2 khu công nghiệp lớn được các nhà đầu tư triển khai. Trong đó, dự án Việt Phát với diện tích gần 1.383ha đã hoàn thiện san lấp mặt bằng, đang mời gọi các doanh nghiệp; dự án Môi Trường Xanh tại xã Tân Thành có tổng diện tích khoảng 1.760ha, nhà đầu tư đang thi công 2 cầu và đường dẫn vào dự án.
Ngoài ra, khu thương mại và dịch vụ đã hình thành, thu hút hàng trăm hộ tiểu thương vào mua bán rất nhộn nhịp tại xã Tân Long. Huyện đang quy hoạch 2 cụm công nghiệp dọc tuyến Quốc lộ N2, mỗi cụm 75ha ở 2 xã Long Thuận và Long Thạnh.
Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An cho biết, tuyến Quốc lộ N2 đưa vào sử dụng những năm gần đây đã góp phần vực dậy nền kinh tế nông nghiệp ở khu vực Đồng Tháp Mười (gồm Long An và Đồng Tháp), giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 1, kết nối khu vực này với vùng kinh tế Đông Nam bộ, nhất là TP.HCM.
Tỉnh cũng đang khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường kết nối với Quốc lộ N2 như đường tỉnh 817, 816, 819… để tạo sự phát triển toàn diện trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, những năm gần đây lưu lượng phương tiện tăng cao, Quốc lộ N2 và đoạn chồng lấn Quốc lộ 62 đang bị quá tải, nhất là những ngày lễ, Tết, giao thông ùn ứ liên tục.
Vì vậy, nếu cả hai tuyến đường cùng được đầu tư nâng cấp, mở rộng sẽ giảm áp lực, tăng tốc độ lưu thông.
Đồng thời, rút ngắn thời gian đi lại của người dân các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang với TP.HCM, tạo hành lang kết nối không gian Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, Long An với các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam và vùng kinh tế trọng điểm của Campuchia.
Qua đó, tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối hiệu quả với các trung tâm đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và hệ thống cảng, logistics trên địa bàn tỉnh Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận với khu vực Đồng Tháp Mười.
Từ đó, tăng thêm tính hấp dẫn, mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị… cho cả vùng.
Quốc lộ N2 là đoạn đường bắt đầu từ tỉnh Bình Phước, xuyên qua các tỉnh: Bình Phước - Tây Ninh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau. Điểm tại Bình Phước chính là điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cũng là điểm cuối tuyến đường ống vận chuyển xăng dầu.
Đây là tuyến đường ống bí mật, chôn trong lòng đất, chạy song song với đường Trường Sơn để cung cấp xăng dầu chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau 1975, những đoạn ống đã bị tháo dỡ và hiện nay ở tỉnh Bình Phước chỉ còn bia di tích lịch sử.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn cho biết, đường Hồ Chí Minh là huyền thoại thì đường ống vận chuyển xăng dầu từ Bắc vào Nam trong những năm chống Mỹ chính là huyền thoại trong huyền thoại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận