Hội thảo “CPTPP – Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam” diễn ra sáng nay 27/4 tại Hà Nội.
CPTPP là động lực mở rộng đường sang Châu Mỹ
Phát biểu tại Hội thảo “CPTPP – Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây và nếu tận dụng tốt các cơ chế liên kết kinh tế và ưu đãi thương mại này, DN Việt Nam hoàn toàn có thể tìm thấy những cơ hội kinh doanh thuận lợi.
Cụ thể, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ đạt gần 111,5 tỷ USD, tăng 16 % so với năm 2019; Trong đó xuất khẩu đạt 89,7 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam.
Sau hai năm CPTPP đi vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu sang hai quốc gia đã phê chuẩn CPTPP là Canada và Mexico đã tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD, tăng 45% và 3,17 tỷ USD tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018.
Các nước còn lại dù chưa phê chuẩn hiệp định nhưng cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất nhanh (Chile 30%, Peru 21% so với năm 2018).
"Những con số này khẳng định CPTPP đã và đang trở thành động lực mở rộng đường cho hàng Việt sang thị trường các nước châu Mỹ, vốn còn rất mới mẻ và tiềm năng", Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cộng đồng DN Việt Nam và các đối tác trong CPTPP và khu vực châu Mỹ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh.
Trong đó, khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ, và việc thiếu thông tin cập nhật về tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, các DN cũng đang gặp một số khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ, vấn đề chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường...
Quy tắc xuất xứ quá khó!
Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada Đỗ Thị Thu Hương cho biết, Canada, Peru, Mexico là những nước lần đầu tiên Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng nghiên cứu cho thấy phần lớn DN sử dụng FTA cũ thay vì sử dụng FTA mới phức tạp.
Theo bà Hương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng 1,5 lần so với năm 2018. "Điều này cho thấy tác động trực tiếp có nhưng không phải toàn bộ" bởi tỷ lệ sử dụng thuế ưu đãi CPTPP thấp, chỉ chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu...
Hơn nữa, mặc dù Mỹ không phải thành viên nhưng xuất khẩu sang thị trường này cao hơn nhiều. Do đó, CPTPP không phải yếu tố quyết định toàn bộ việc DN Canada biết đến Việt Nam mà là nhờ sự tin tưởng chất lượng hàng Việt Nam nhiều hơn từ mối liên hệ giữa các DN.
Đưa ra lý do cho việc này, bà Hương cho rằng, quy tắc xuất xứ của Việt Nam quá khó nên chưa tận dụng và tiếp cận được ưu đãi.
Vì vậy, vị này khẳng định, DN phải cần chủ động nắm bắt ưu đãi để đàm phán với người mua hàng các cơ chế ưu đã thuế quan. Đặc biệt, quy tắc xuất xứ của CPTPP rất mới so với trước đây nên cần tìm hiểu.
Cơ quan quản lý cũng cần xây dựng tra cứu trực tuyến bất cứ lúc nào, ở đâu và có hướng dẫn chuyên sâu...
Tương tự, nói về cơ hội xuất khẩu sang Châu Mỹ từ CPTPP và USMCA (Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico – Canada), Ông Dustin Daugherty, giám đốc Phát triển kinh doanh Bắc Mỹ Dezan Shira & Associates cũng cho rằng, quy tắc xuất xứ là vấn đề quan trọng nhất trong Hiệp định này mà các DN cần hiểu khi phần lớn các quốc gia Châu Mỹ tiêu thụ tới 70% hàng hóa của Mỹ.
Theo vị này, Mỹ không phải là thành viên CPTPP, nên sẽ không dễ cho DN Việt Nam tận dụng lợi thế FTA khi buôn bán sang thị trường Mỹ.
"Các công ty Việt Nam không thể chỉ đơn giản là chuyển hàng qua Canada hoặc Mexico rồi tái xuất sang Mỹ và hưởng lợi từ các điều khoản USMCA nhờ các yêu cầu của Quy tắc xuất xứ và Hàm lượng giá trị khu vực (RVC).
Tuy nhiên, nếu các DN Việt Nam ở Canada hoặc Mexico thực hiện việc gia công đáng kể (bằng cách đầu tư trực tiếp hoặc hợp đồng phụ), thì họ có thể đáp ứng các ngưỡng Hàm lượng Giá trị Khu vực và do đó được hưởng lợi từ các điều khoản USMCA khi tái xuất sang Hoa Kỳ.
Vì thế, mỗi dòng sản phẩm nên được tiếp cận theo từng trường hợp cụ thể với việc nghiên cứu kỹ các quy định và tháo gỡ "nút thắt" quy tắc xuất xứ mới hưởng lợi được ưu đãi của CPTPP...
Hiệp định CPTPP chính thức được phê chuẩn vào 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019, được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác nói chung và các nước châu Mỹ nói riêng.
Trong số 11 quốc gia thành viên tham gia CPTPP, có bốn nước thuộc khu vực châu Mỹ là Canada, Mexico, Chile và Peru; Và trong số này, Canada, Mexico và Peru là ba nước mà lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA. Đây cũng là những quốc gia có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan rất cao cho hàng hóa Việt Nam ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, như Chile (95%), Canada (94,9%), Peru (81%) và Mexico (77%).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận