Gần 20 ngày trôi qua, đã có không biết bao nhiêu đoàn người phải trèo đèo, lội suối chỉ mong được một lần vào thăm bản. Ở đó không phải là điểm du lịch mà chính là nơi cơn lũ kinh hoàng đi qua đã cuốn trôi nhiều người và biết bao ngôi nhà.
Nỗi đau bên dòng suối Son
Trở lại Sa Ná sau gần 20 ngày kể từ khi trận lũ kinh hoàng đi qua, hình ảnh tang thương bao trùm lên bản nghèo của huyện miền núi biên giới Quan Sơn. Suối Son những ngày này đã chảy hiền hòa trở lại nhưng vẫn ngổn ngang những cây gỗ, cột nhà, đá tảng... Và đây đó, những cụ ông, cụ bà và trẻ nhỏ vẫn đang còn loanh quanh kiếm tìm trong những đống đổ nát.
Ngồi thơ thẩn bên nền nhà, anh Hà Văn Vân (SN 1990, trú bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) ngơ ngác: Toàn bộ 6 người trong gia đình của tôi đã bị lũ cuốn đi rồi. Cả 6 người nhưng mới tìm thấy thi thể của vợ, con gái và chị gái, còn bố mẹ và đứa con trai của tôi vẫn chưa được tìm thấy. Đêm nào tôi cũng thức trắng, sáng dậy lại mò mẫm đi tìm người thân. Những ngóc ngách, khe đá bên bờ suối, dọc sông Luồng tôi đều tìm nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín.
Đã có 460 đoàn gồm các cấp, ngành T.Ư, địa phương và các nhóm thiện nguyện ở khắp nơi về ủng hộ, cứu trợ bà con. Trong đó chủ yếu là bản Sa Ná với số tiền ước tính trên 10 tỷ đồng (chưa tính các phần quà, quần áo, lương thực vì hiện chưa thống kê đầy đủ do đang tập trung khắc phục hậu quả).
Ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo
“Mất mát lớn quá, đau quá. Tôi không biết sau này sẽ sống như thế nào. Hơn nửa tháng trôi qua, nhiều người cũng đã đến thăm hỏi động viên. Địa phương bảo sẽ bố trí căn nhà mới ở khu tái định cư và công việc cho tôi. Nhưng ở và làm việc mà không có vợ con, có người thân thì buồn lắm. Trước mắt số tiền mà người ta ủng hộ tôi gửi vào ngân hàng, công việc thì tôi chưa nghĩ tới vì phải tìm thấy bố mẹ và con tôi”, anh Vân nghẹn ngào.
Trong trận lũ vừa qua, anh Vân là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhà cửa bị cuốn trôi, 6 người gồm ông Hà Văn Tiệu (55 tuổi, bố đẻ); bà Hà Thị Thắm (51 tuổi, mẹ đẻ); Hà Thị Vững (31 tuổi, chị gái); Vi Thị Sống (29 tuổi, vợ) và con Hà Văn Quỳnh (10 tuổi); Hà Văn Chấn (7 tuổi) chết và mất tích. Ngày nào người ta cũng thấy anh thơ thẩn bên bờ suối Son, chốc chốc lại thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gò má xanh xao.
Cạnh đó không xa, cụ Phạm Thị Nít (70 tuổi) đang ngồi bên bờ sông thắp nén nhang gào khóc gọi tìm các con và cháu nội đang còn mất tích. Cụ Nít kể, vợ chồng người con trai đầu là Ngân Văn Kiêm và Vi Thị Ọi có hai cháu nhỏ. Khi lũ đến, anh Kiêm bế cháu nhỏ (3 tuổi) nhờ người đưa lên vị trí cao tránh lũ, sau đó quay về để đưa vợ và người con còn lại chạy lũ nhưng không kịp.
“Lũ cuốn trôi vợ chồng nó và đứa con 6 tuổi. Đứa con sau khi trôi trên dòng lũ gần 4km thì được cứu vớt. Còn 2 vợ chồng nó đến nay vẫn chưa tìm thấy. Gia đình chúng tôi mong sớm tìm thấy được thi thể của các con, kẻo tội lắm”, cụ Nít bùi ngùi.
Không chỉ riêng nhà anh Vân, cụ Nít mà ở bản Sa Ná vẫn còn nhiều hoàn cảnh tương tự. Cả bản Sa Ná hiện đã tìm thấy 7 thi thể, còn 6 người vẫn đang mất tích chưa được tìm thấy. Mất nhà và tài sản có thể làm lại nhưng nỗi đau mất đi những người thân có lẽ sẽ chẳng có thứ gì bù đắp được.
Thiếu thốn trăm bề
Để vào được bản Sa Ná, chính quyền địa phương đã rải xuống lòng sông Luồng hàng chục cống bê tông ly tâm sau đó dùng lưới thép rọ đá dải đất lên trên làm thành lối đi. Đi đến đâu mở đường tới đó để phục vụ công tác ứng cứu nên chung quanh bản Sa Ná đến giờ vẫn còn ngổn ngang nào gỗ, rác thải, bùn đất nhầy nhụa.
Sa Ná gần 20 ngày vẫn chưa có điện. Ven con đường nhỏ, những cây cột điện gãy ngả nghiêng cùng hàng nghìn mét dây điện bị đứt. Để phục vụ cuộc sống hàng ngày, người dân chủ yếu nấu cơm bằng việc nhóm củi hay dùng bếp ga. Ban đêm nếu không có việc gì thì ngủ sớm còn không phải dùng nến hoặc đèn cày. Để có được nguồn nước sử dụng tạm thời, huyện Quan Sơn đã kéo một đường ống dài 3km từ mó nước cao dẫn xuyên qua bản cho người dân sử dụng.
Chị Vi Thị Hòa (29 tuổi, bản Sa Ná) cho hay: “Cuộc sống của bà con chúng tôi bị xáo trộn hoàn toàn, thiếu thốn trăm bề. Điện, nước mất giờ phải sống lay lắt qua ngày. Biết rằng hiện nay các cấp chính quyền đang nỗ lực khắc phục và tìm kiếm người mất tích nên chúng tôi cũng hiểu và chia sẻ không đòi hỏi gì nhiều. Chỉ mong rằng Nhà nước sau này quan tâm giúp đỡ cho dân bản tôi có một cuộc sống ổn định, không lo mưa lũ tàn phá nữa”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Điện Lực Quan Sơn cho hay: Đợt mưa lũ vừa qua đã làm 71 cây cột trung áp, 58 cột hạ áp, 2 trạm biến áp và hơn 20.000m dây điện bị lũ cuốn trôi gây thiệt hại trên 7 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại còn 4 bản của 2 xã (bản Sa Ná, bản Son, bản Ché Lầu của xã Na Mèo và bản Muống của xã Sơn Thủy) với 315 khách hàng chưa có điện dùng. “Chúng tôi đang cố gắng tập trung dựng cột, đấu dây để điện được đóng sớm nhất cho bản Sa Ná vào tuần tới”, ông Tùng cho biết thêm.
Sa Ná gượng dậy sau lũ dữ
Bản Sa Ná hiện có 74 hộ dân sinh sống bên dòng suối Son chảy từ thượng Lào về rồi hòa vào sông Luồng. Dân cư ở bản Sa Ná chủ yếu là dân tộc Thái. Vùng đất tuy giao thông đi lại khó khăn nhưng lại được bao phủ bởi núi rừng xanh mướt, không khí mát mẻ, nguồn nước dồi dào thuận lợi phát triển nông nghiệp. Người dân nơi đây bao đời sống bằng nghề trồng lúa, đi rừng làm nan thanh.
Trong trận lũ kinh hoàng xảy ra hôm 3/8 vừa qua đã là 27 hộ dân bị trôi hoàn toàn, 11 hộ bị sập và trôi tài sản, 44 hộ bị ảnh hưởng. Những hộ dân bị cuốn trôi đều nằm dọc ven bờ suối Son với chiều dài khoảng 300m.
Những ngày cuối tháng 8, hàng nghìn người từ các tổ chức thiện nguyện (chưa kể đến sự quan tâm của các cấp Bộ, ngành TƯ và địa phương) ở khắp mọi miền đất nước tích góp những phần quà mang lên tận nơi để hỗ trợ bà con nhân dân bản Sa Ná chỉ với mong muốn an ủi một phần nào về sự mất mát của dân bản. Có thể nói, hình ảnh của bản Sa Ná sau gần 20 ngày kể từ khi lũ dữ đi qua với nhiều màu sắc, thăng trầm. Đầu bản các tổ chức từ thiện trao quà hỗ trợ, bên dòng sông tiếng máy khoan chát chúa phá đá khơi thông dòng chảy và tìm người, trên đồi về phía thượng nguồn là tiếng xẻ cửa làm khu tái định cư, tiếng xe cộ ầm ĩ chở hàng nghìn tấn xi măng, gạch đá , trang thiết bị tập kết vào trong bản…
Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Đến thời điểm hiện nay, công tác tìm kiếm người mất tích vẫn đang được triển khai quyết liệt do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương tìm kiếm 6 người mất tích, đồng thời hỗ trợ nước bạn Lào tìm kiếm 7 nạn nhân do lũ cuốn trôi. Tiếp tục cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu đảm bảo đời sống cho người dân đến khi chủ động được lương thực.
“Khu tái định cư được mở rộng 5,2ha để phục vụ xây nhà cho 51 hộ dân bị ảnh hưởng tại bản Sa Ná. Bên cạnh đó, chúng tôi đã khắc phục khẩn cấp tuyến giao thông tạm thời, nhất là đường vượt sông đưa phương tiện, thiết bị, vật tư, vật liệu vào thi công khu tái định cư nhằm đảm bảo tiến độ đến 31/11/2019 người dân có nhà ở mới. Đồng thời, đã xây dựng Kế hoạch khắc phục thiên tai, ổn định sinh kế trên toàn địa bàn huyện Quan Sơn”, ông Đạt nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận