Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã ra công điện gửi các đơn vị trực thuộc, các sở GTVT địa phương chủ động các biện pháp ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng:
Bố trí lực lượng theo phương châm "bốn tại chỗ"
Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư/ban quản lý dự án chủ động nắm bắt thông tin và diễn biến của cơn bão số 3 để triển khai thực hiện công tác phòng chống bão lũ trên công trường.
Căn cứ diễn biến của bão, chủ đầu tư/ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu di chuyển máy móc thiết bị vật tư đến nơi an toàn; có giải pháp giằng, chống, neo đối với các thiết bị máy móc, vật tư không thể di chuyển được; khơi thông các dòng chảy, các công trình thoát nước đảm bảo luôn thông thoát; bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu, biển cảnh báo, lực lượng ứng trực tại chỗ theo phương châm "bốn tại chỗ" đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, hạng mục công trình đang xây dựng.
Trong đó, phải đặc biệt chú ý đối với các công trình, hạng mục thi công dưới nước, ven biển, các công trình ở miền núi hay có lũ quét.
Chủ đầu tư/ban quản lý dự án phối hợp với các lực lượng của địa phương trong công tác ứng trực, phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt, kịp thời khắc phục hậu quả, sự cố trong mọi tình huống.
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam:
Hạn chế tàu chạy qua khu vực bị ảnh hưởng
Cục Đường sắt đã yêu cầu Tổng công Đường sắt VN và các đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm tra các công trình, các vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn do mưa, lũ gây ra và gia cố đảm bảo an toàn chạy tàu.
Thực hiện nghiêm túc chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, hầm, đường yếu, dễ bị ngập nước, các công trình thông tin tín hiệu đường sắt nhằm đảm bảo thông tin thông suốt; các khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt...
Về tổ chức chạy tàu, khai thác vận tải, khi xảy ra thiên tai, Tổng công ty Đường sắt VN chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh kế hoạch khai thác, chạy tàu để giảm số lượng các chuyến tàu chạy qua hoặc dừng đỗ ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Cùng đó, xây dựng phương án bảo quản hàng hóa, vận chuyển vật tư dự phòng, chuyển tải hành khách, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng y tế trong trường hợp phải ngừng tàu do mưa lũ.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:
Ảnh hưởng đến đâu, dừng tàu ở đấy
Trong công tác tổ chức chạy tàu, trước đây mỗi khi có bão là dừng toàn bộ hoạt động chạy tàu qua khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy sẽ ảnh hưởng lớn về vận tải.
Hiện nay, đơn vị vẫn tổ chức chạy tàu bình hường, nhưng sẽ theo dõi chặt chẽ, bám sát đường đi của bão, ảnh hưởng đến đâu sẽ dừng tàu ở đấy. Đồng thời các đơn vị vận tải đường sắt chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm phục vụ hành khách; sẵn sàng huy động ô tô chuyển tải khi cần.
Trường hợp xảy ra sự cố hạ tầng, tàu phải dừng dọc đường, sẽ sẵn sàng phương tiện chuyển tải qua khu vực sự cố, tiếp tục vận chuyển bằng tàu.
Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng Phòng Quản lý, tổ chức giao thông đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam:
Đảm bảo giao thông trong tình huống xấu nhất
Trong trường hợp xấu nhất xảy ra thảm họa lớn, gây hậu quả đứt đường, các nguồn vật tư, vật lực đã cơ bản sẵn sàng để khắc phục kịp thời.
Sau khi có công điện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN đã xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện, trong đó yêu cầu các khu quản lý đường bộ, các sở GTVT lập các đoàn kiểm tra tại các khu vực từ Bình Định trở ra.
Trong đó có 2 đoàn tập trung kiểm tra các công trình đường bộ, công trình xung yếu như bến phà, cầu phao, công trình neo đậu; phương án tổ chức giao thông, điều tiết kịp thời khi xảy ra sạt lở, ngập sâu gây tắc đường.
Chúng tôi đã lên phương án đảm bảo an toàn cho máy móc, thiết bị phục vụ vận hành tuyến đường, nhất là đường cao tốc, hệ thống thu phí không dừng, tránh ùn tắc nếu phải thu thủ công.
Với các tuyến đường bị ngập, có phương án tổ chức, đảm bảo giao thông an toàn bằng việc tổ chức trực chốt, cảnh báo và có phương án phân luồng.
Bắt đầu từ 5/9, tất cả các đơn vị phải trực 24/24h. Tổ công tác thường trực được đặt tại Cục Đường bộ VN để chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống.
Ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam:
Kiểm đếm, báo cáo lượng tàu thuyền 2 lần mỗi ngày
Hiện Cục Hàng hải VN đã lập 3 đoàn công tác do các lãnh đạo Cục làm trưởng đoàn, trực tiếp tới các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa để cùng các cảng vụ hàng hải triển khai công tác ứng phó bão.
Chúng tôi cũng yêu cầu các cảng vụ hàng hải khu vực thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của cơn bão số 3 để hướng dẫn cho tàu thuyền tránh đi vào khu vực nguy hiểm.
Với những địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng của bão, Cục đã yêu cầu các cảng vụ hàng hải tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, báo cáo về Cục số lượng tàu thuyền neo đậu trong khu vực quản lý định kỳ 2 lần mỗi ngày.
Ông Hoàng Minh Toàn, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam:
Thực hiện nghiêm phương châm "bốn tại chỗ"
Ngay khi có thông tin bão số 3 có sức gió rất lớn, nguy hiểm, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, đề nghị các sở GTVT liên quan, các đơn vị quản lý bảo trì đường thủy nội địa từ Bình Định trở ra chủ động trong công tác phòng chống.
Các cảng vụ không cho phương tiện xuất bến; trạm quản lý đường thủy thu hồi các phao tiêu, báo hiệu, tránh thiệt hại; trạm điều tiết chống va trôi ứng trực 100% để điều tiết phương tiện qua lại an toàn.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã thành lập đoàn công tác phòng chống cơn bão số 3 tại các tỉnh ven biển phía Bắc do phó cục trưởng làm trưởng đoàn, trực tiếp kiểm tra hiện trường, đôn đốc tại các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh.
Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị bố trí nhân lực, phương tiện, vật tư sẵn sàng bảo đảm giao thông khi có sự cố gây ách tắc trên luồng, tham gia ứng cứu khi cần thiết.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài:
Chằng néo xong tàu bay trước khi có mưa to, gió lớn
Mỗi ngày, CHK quốc tế Nội Bài đón trung bình khoảng 500 chuyến bay và hơn 80.000 lượt hành khách. Cảng đã yêu cầu các đơn vị bố trí nhân lực kiểm tra những khu vực trọng yếu, kịp thời khơi thông cống rãnh, mương thoát nước để tránh ngập úng cục bộ.
Các đơn vị phải có phương án chằng néo tàu bay, phương tiện trang thiết bị phục vụ mặt đất trước khi có mưa to, gió lớn để bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Cảng đã yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án tiếp nhận, bố trí vị trí đỗ tàu bay từ các sân bay bị ảnh hưởng do bão số 3 về sân bay Nội Bài hạ cánh; chủ động phương án điều hành bay, kịp thời giải đáp thông tin cho hành khách các chuyến bay đi/đến sân bay Nội Bài do ảnh hưởng của bão số 3.
Hiện lực lượng từng đơn vị đã túc trực tại vị trí 24/24h và theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của cơn bão, sẵn sàng "bốn tại chỗ".
Ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc điều hành cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng:
Ngày đêm tăng tốc đắp đất nền đường
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban điều hành dự án cùng tư vấn, nhà thầu đã đi rà soát tất cả các vị trí sông, suối, những vị trí đã thi công cống thoát lũ để nắm bắt tình hình, kịp thời khơi thông, bảo đảm an toàn cho công địa thi công trong trường hợp mưa bão đổ bộ. Máy móc thiết bị cũng đã hoạch định sẵn các vị trí tập kết.
Xác định thời tiết bất lợi, công tác thi công đất đắp nền đường sẽ gặp khó, các nhà thầu đang được yêu cầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, dồn lực thi công ngày đêm, hoàn thiện khối lượng đất đắp còn lại để nâng cao độ, bảo đảm sau khi mưa kết thúc khoảng 1 - 2 ngày, việc thi công nền đường có thể khởi động lại ngay.
Ông Hoàng Chiến Thắng, Giám đốc điều hành dự án cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi:
Vật liệu về đến đâu, hoàn thiện ngay đến đó
Cho đến nay, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 63% giá trị hợp đồng, vượt 2% so với kế hoạch. Đáp ứng yêu cầu về ứng phó với cơn bão số 3, khoảng 1.000 kỹ sư và công nhân kỹ thuật đang dồn lực bứt tốc tất cả các hạng mục.
Chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu khơi thông toàn bộ hệ thống cống, tưới tiêu, thoát lũ trên tuyến; Dọn dẹp các bãi đất thải không thích hợp, tránh trôi xuống làm tắc cống rãnh khi mưa xuống.
Hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng của mưa bão, các nhà thầu đã được chỉ đạo tăng tốc, những ngày này vật liệu đất về công trường đến đâu phải hoàn thiện ngay đến đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận