Xuyên đêm ngóng tin con gái
22h00 ngày 9/9, PV Báo Giao thông có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) phía bên đầu cầu Tam Nông. Khi này gia đình có nạn nhân là cháu Nguyễn Hà Chi (SN 2005, trú tại Đắk Nông) vẫn đang túc trực tại quán nước ngay cạnh đầu cầu để đợi tin tức.
Bà Đinh Thị Mai (trú tại Tân Sơn, Phú Thọ), dì ruột của cháu Chi cho biết: "Tôi đã đợi ở đây từ lúc 11h trưa, hiện vẫn chưa tìm được cháu. Cháu tôi mới về quê chơi được vài ba ngày, khi đang trên đường đi tới TP Việt Trì để hôm sau về Đà Nẵng học tập thì không may gặp tai nạn tại đây.
Cũng trong tâm trạng nặng trĩu, anh Hà Mạnh Ngọc, người nhà của nạn nhân chia sẻ: "Em Chi đi cùng một người bạn trên chiếc xe Vision màu đỏ mận, tôi đã xem đi xem lại camera hành trình, dù muốn phủ nhận, nhưng tôi biết chắc đó là em gái mình. Theo dữ liệu từ camera, khi này em đã đi gần hết cây cầu, giá như đi nhanh chỉ khoảng 30 giây nữa thôi là có thể đi qua tới đầu cầu bên kia và đã không xảy ra sự cố. Nhưng sự thật không phải giá như...".
Ngồi chia sẻ cùng gia đình nạn nhân khoảng chừng 45 phút, khi này một người phụ nữ với sắc mặt thất thần đi vào. Người nhà phải xúm lại dìu chị vì chị đã gần như không bước nổi nữa. Ngồi vào ghế, vẻ mặt chị bần thần, cổ họng nghẹn ứ nói không ra câu. Được biết, đó là chị Đinh Thị Thịnh mẹ của nạn nhân Chi, tới 19h chị mới có chuyến bay từ Tây Nguyên để về nơi con gái mình gặp nạn.
Anh Nguyễn Văn Phương, bố của cháu Chi liên tục châm thuốc, đóm thuốc cứ đỏ rồi lại tàn, khuôn mặt càng trở nên trầm mặc khi trời càng về khuya. Những tiếng chuông điện thoại cứ vang lên không dứt, anh chỉ buồn bã trả lời: "Không còn hy vọng gì nữa rồi".
Dù bản thân anh nói vậy, nhưng những lon cafe, những chai tăng lực liên tục được mở nắp, để tiếp sức cho những người thân đã mòn mỏi chờ đợi cả ngày. Dù có như thế nào, cả nhà cũng mong vào kỳ tích xảy ra. Anh Ngọc, người anh họ của Chi bộc bạch: "Tôi chỉ mong có phép màu".
Bộ GTVT ra công điện khẩn về khắc phục sự cố
Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị các đơn vị trực thuộc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và 24 Sở GTVT địa phương tập trung khắc phục sự cố cầu Phong Châu (Km18+300, QL32C), tỉnh Phú Thọ và ứng phó với tình hình mưa lũ sau bão số 3.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ VN phối hợp với Sở GTVT Phú Thọ và các cơ quan liên quan khẩn trương điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tham gia khắc phục sự cố, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, phân luồng đảm bảo giao thông và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
"Cục Đường thủy nội địa VN khẩn trương thực hiện việc thông báo, công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa theo quy định, tổ chức điều tiết đảm bảo giao thông thủy tại khu vực", Bộ GTVT chỉ đạo.
Về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 3, Bộ GTVT đề nghị các đơn vị tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất, mưa lũ, sập cầu, tìm kiếm người mất tích, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn.
Cục CSGT điều 33 cán bộ chiến sĩ tham gia cứu hộ
Cục Cảnh sát giao thông đã điều 33 cán bộ chiến sĩ cùng nhiều phương tiện gồm ô tô, xuồng máy, cano tuần tra tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ).
Các cán bộ chiến sĩ Cục CSGT tham gia cứu nạn, cứu hộ vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ).
Ngoài ra, CSGT ứng trực phân luồng giao thông tại ngã 3 quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh, không để người dân đi lại, tụ tập đông người tại hai đầu cầu thuộc huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao.
Phối hợp, phân luồng giao thông tại hai đầu cầu Trung Hà sau khi có lệnh cấm phương tiện lưu thông.
Gia đình nạn nhân mất tích chờ phép màu
Ngay sau khi biết tin cầu Phong Châu sập, bà Dương Thị Hoa đã có mặt tại hiện trường. Được biết, bà Hoa có một người em trai tên là Cường 44 tuổi, làm nghề tài xế. Theo bà Hoa, hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy chiếc xe của em trai bà đã rơi xuống cầu.
"Chiếc xe ben chở vật liệu xây dựng mà camera hành trình ô tô ghi lại là xe của em trai tôi. Chắn chắn là nó đã rơi xuống cầu rồi. Định vị của xe cũng ở dưới cầu. Chỉ không biết được bây giờ em tôi đang ở đâu", bà Hoa khóc nấc thành tiếng.
Bà Hoa nghẹn ngào kể lại việc em trai mình mất tích.
"Anh em, họ hàng đã tập trung ở đây đủ cả, chỉ duy có vợ nó ở trung tâm y tế gần nhà. Vừa xem video vợ nó đã khóc rồi ngất. Giờ chúng tôi cũng chỉ biết ngồi đây mong ngóng có phép màu xảy ra, dù biết tỷ lệ là rất thấp", bà Hoa nghẹn ngào.
Cũng mòn mỏi đợi tin cháu gái mình trong vụ sập cầu Phong Châu, bà Đinh Thị Mai (trú tại Tân Sơn, Phú Thọ) đã khản cả giọng vì đau xót cảnh cháu gái mất tích.
Cháu gái bà Mai là Nguyễn Hà Chi (SN2005) trú tại Đắk Nông, mới về quê nội (Phú Thọ) được vài ba hôm. Khoảng 9h sáng nay, cháu có chở theo một người bạn ở huyện Tam Nông để về TP Việt Trì, bắt xe khách vào Đà Nẵng để trở lại trường lớp.
"Sau khi cháu nhà tôi rời nhà được khoảng 1 tiếng thì tôi nhận được tin cầu Phong Châu bị sập. Dự cảm chẳng lành, tôi ngay lập tức gọi điện cho cháu thì không liên lạc được, bạn của cháu tôi cũng chẳng thể nào liên lạc.
Ngay sau đó tôi đã ngay lập tức đến vị trí sập cầu, xem camera trích xuất từ công an, gần như thời điểm cầu sập là lúc cháu tôi đi qua. Lúc này lòng tôi thắt lại, nhưng vẫn hy vọng có phép màu xảy ra với cháu. Mẹ cháu cũng đang bay ra, khi biết tin, cả gia đình rất sốc", bà nói.
Tương tự, chị Đỗ Thị Hồng (trú tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng đang mong ngóng thông tin về chị dâu Nguyễn Thị Yến.
Cục Đường bộ báo cáo thiệt hại ban đầu
Cục Đường bộ VN vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT thông tin về sự cố cầu Phong Châu trên QL32C thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Theo báo cáo, do mực nước sông lớn, dòng chảy xiết nên chưa thống kê, đánh giá cụ thể các thiệt hại. Theo thông tin sơ bộ ban đầu, có 9 phương tiện (ô tô và xe máy) đang tham gia giao thông trên cầu tại thời điểm xảy ra sự cố.
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin sự cố cầu Phong Châu, Cục đã cử đoàn công tác đến hiện trường để phối hợp với Sở GTVT Phú Thọ, chính quyền địa phương, các lực lượng thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm giao thông, tổ chức phân luồng giao thông.
Cục cũng gửi công điện đề nghị Sở GTVT Phú Thọ, Khu QLĐB I triển khai các công việc khắc phục sự cố, tổ chức phân luồng để bảo đảm giao thông và các công việc cần thiết khác.
Theo Cục Đường bộ VN, thời gian qua, thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Cục đã ban hành nhiều công điện và văn bản, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT.
Trong đó, các đơn vị được đề nghị thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng cầu nằm trong vùng ảnh hưởng của bão.
Đến thời điểm xảy ra sự cố cầu Phong Châu, Cục Đường bộ VN không nhận được báo cáo về dấu hiệu không bảo đảm an toàn đối với công trình cầu.
Ngày 7/9, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cũng đã tổ chức họp trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa Cục, các Khu Quản lý đường bộ và các Sở GTVT nằm trong phạm vi chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 về công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra.
Công an Phú Thọ thông báo tìm kiếm nạn nhân
Công an tỉnh Phú Thọ đã thành lập Tổ tiếp nhận thông tin khẩn cấp về các nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu tại 3 địa chỉ sau:
1. Công ty Quản lý đường bộ tỉnh Phú Thọ, số 115, khu 22, xã Vạn Xuân. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0913282825 trung tá Trần Phương.
2. Trạm xăng dầu Công ty TNHH Huy Hoàng, địa chỉ: khu 5, xã Phùng Nguyên. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0989246129 đại úy Nguyễn Mạnh Hưng.
3. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, số 216 đường Trần Phú, phường Tân Dân (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0919333689 thiếu tá Nguyễn Xuân Kha.
Phó thủ tướng chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa, điều trị kịp thời cho nạn nhân
Tại cuộc họp chỉ đạo công các cứu hộ, khắc phục sự cố sau khi kiểm tra hiện trường, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo phải nắm lại chính xác số lượng phương tiện rơi xuống sông.
Theo báo cáo chưa đầy đủ, có khoảng 5 ô tô, 2 xe máy, khoảng hơn 10 người rơi xuống sông, trong đó có 3 người dã được cứu.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu tỉnh Phú Thọ và các bộ ban ngành tập trung một số vấn đề.
Tổ chức cấm đường, trực gác khu vực nguy hiểm; Làm biển cảnh báo và chỉ dẫn đường tránh cho các phương tiện lưu thông trên đường có lộ trình phù hợp, an toàn. Thông tin rộng rãi để cho người dân nắm được lộ trình này.
Về tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, Phó thủ tướng chỉ đạo, rà soát bên bờ và phía hạ lưu của cầu, thấy người là ứng cứu ngay. Khi điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn, huy động toàn bộ phương tiện, thiết bị triển khai tìm kiếm trên toàn diện rộng.
Về đảm bảo lưu thông tuyến đường, đề nghị các cơ quan chức năng triển khai ngay, làm cầu phao hay phà thì phải đảm bảo an toàn trên hết. Bộ GTVT triển khai lập dự án và các thủ tục đầu tư để sớm có thể triển khai thi công cầu cứng, vì để xây dựng 1 cầu cứng, cần rất nhiều thời gian. Cùng với đó, là đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân khiến cây cầu bị sập.
Phó thủ tướng yêu cầu HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Phú Thọ cùng với các đoàn thể, tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị thương đang điều trị và thân nhân, gia đình có nạn nhân gặp nạn. Triển khai sơ tán, di dời ngay những gia đình nằm trong vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ lụt.
Các y, bác sĩ tập trung mọi nguồn lực, thiết bị cứu chữa, điều trị kịp thời cho các nạn nhân bị thương trong vụ sập cầu.
500 chiến sỹ sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn, làm cầu phao
Thiếu tướng Trần Văn Bắc - Phó Tư lệnh Quân khu 2, Bộ Quốc phòng cho biết: Ngay khi nhận được tin báo, Quân khu 2 đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng có mặt tại hiện trường, hợp đồng, phối hợp với các lực lượng khác, và cùng với người dân triển khai ngay công tác tìm kiếm, cứu nạn những người không may rơi xuống cầu.
Đặc biệt là huy động tàu xuồng xuống khu vực các bến tại Hà Linh để phối hợp tìm kiếm. Còn về phương án tổ chức giao thông tạm, quân khu sẽ triển khai thi công cầu phao ngay khi Bộ Quốc phòng cho phép.
Thân nhân khóc nghẹn, ngóng tin người thân mất tích
14h, tại khu vực xung quanh cầu Phong Châu, lực lượng chức năng vẫn đang phong tỏa khu vực cầu để đảm bảo an toàn cho người dân. Các lực lượng túc trực để thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn.
Một phụ nữ khóc nghẹn cho biết, trong lúc cầu sập, người nhà đã di chuyển qua cầu, đến nay chưa có thông tin.
Hiện nhiều người dân đã đến hiện trường trình báo người thân mất tích và chờ đợi tìm kiếm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang báo cáo phương án cứu nạn, xây cầu mới
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh đồng ý với phương án của tỉnh Phú Thọ, trước mắt đảm bảo vấn đề an toàn tìm kiếm cứu hộ. Chỉ khi điều kiện thời tiết cho phép thì có mới thể triển khai tìm kiếm cứu nạn.
Về phương án đảm bảo giao thông, trước mắt có 2 phương án là sử dụng phà, hoặc là cầu phao. Tuyến đường sông này ít phương tiện thuỷ qua lại nên chúng tôi đề xuất làm cầu phao cố định. Về lâu dài, chắc chắn phải làm cầu mới, không thể sửa chữa cầu cũ. Cầu Phong Châu là cầu huyết mạch, cần xây cầu mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con.
Cũng theo Thứ trưởng Sang, hiện nay người tham gia giao thông phần đông sử dụng Google maps để dẫn đường. Vì vậy, bên cạnh phân luồng giao thông, chúng ta cần phải cập nhật ngay thông tin trên hệ thống các phần mềm dẫn đường.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đến hiện trường, họp khẩn về cứu hộ, khắc phục hậu quả
Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đến hiện trường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu hộ cứu nạn đối với những nạn nhân vụ sập cầu.
Theo báo cáo bước đầu, có khoảng 10 nạn nhân của vụ sập cầu, cụ thể có 1 xe đầu kéo, 3 xe con, 4 xe máy rơi xuống sông.
Mời xem khoảnh khắc cầu đổ sập ô tô bị nuốt chửng
Tính toán đóng cửa cầu cống yếu tại Phú Thọ, dùng flycam tìm người
Giám đốc công an tỉnh Phú Thọ, đại tá Phạm Minh Tuấn cho biết, đang thống kê đối soát nhân thân các nạn nhân, khi có thông tin chính xác sẽ thông báo sau.
Các lực lượng công an quân đội, giao thông đã tập hợp phương tiện đầy đủ nhưng do nước đang chảy xiết, lưu lượng quá mạnh chưa triển khai được, đang phối hợp với các địa phương dọc hạ lưu để tuần tra, tìm kiếm nạn nhân.
Chúng tôi dùng flycam bay dọc tuyến để tìm kiếm người mất tích. Hiện đã tuyên truyền cho bà con hai bên hạ lưu sông đặc biệt lưu ý phương án đảm bảo người và của.
Các cơ quan chức năng đã phân luồng từ xa, yêu cầu các Sở trên địa bàn rà soát đánh giá lại cầu cống yếu để tính toán đóng cửa phân luồng trong tình huống nước dâng và chảy xiết như hiện nay.
Đã cứu được 3 người
Hiện tại, lực lượng chức năng đã cứu được 3 người may mắn rơi và bám được ở thành cầu.
Đến 12h trưa, ngành chức năng xác định có 6 xe ô tô, 3 xe máy rơi xuống sông ở thời điểm sập cầu Phong Châu.
Hiện, lãnh đạo Quân khu 2 và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, lực lượng công an, quân đội với hàng trăm người đã có mặt tại khu vực này, sẵn sàng cứu hộ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, đang cùng đoàn công tác của Bộ GTVT và Ủy ban ATGT quốc gia lên điểm cầu sập.
Bộ đã chỉ đạo ngay Cục đường thuỷ nội địa điều phối lưu thông, hướng dẫn các phương tiện thuỷ không đi vào khu vực cầu sập. Các đơn vị của Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương triển khai các phương án tìm kiếm các nạn nhân và xử lý sự cố.
Hiện ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch chuyên trách UBATGT quốc gia, lãnh đạo Cục Đường thuỷ nội địa VN, Cục Đường bộ VN cùng đoàn của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang trên đường tới hiện trường.
Cục Đường bộ ra công điện khẩn
Ngay sáng nay, Cục Đường bộ Việt Nam Cục ĐBVN đã ra công điện yêu cầu Sở GTVT Phú Thọ khẩn cấp điều động nhân lực, thiết bị tham gia khắc phục các sự cố và tìm kiếm cứu nạn (nếu có); bảo vệ công trình và các công việc cần thiết khác; Khẩn trương có phương án phân luồng giao thông; bảo đảm chất lượng, an toàn công trình cầu, đường.
Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để các phương tiện và nguời tham gia giao thông tránh khu vực cầu Phong Châu.
Đề xuất sử dụng vật tư dự phòng tại Khu QLÐB I và các cơ quan, đơn vị để khắc phục sự cổ hu hòng công trình; Đồng thời, phối hợp với chính quyền và lực lượng chức năng bảo đảm an toàn, an ninh trật tự khu vực.
Nạn nhân được cứu nói gì?
“Khi tôi đang đi thì nghe thấy tiếng động lớn phía sau, cứ nghĩ là xe tải trọng nặng đang chạy. Chưa kịp phản xạ quay lại thì cả người và xe rơi xuống nước. Tôi cố hết sức ngoi lên khỏi mặt nước nhưng vẫn không nghĩ mình sống sót được. Sau đó tôi vớ được một cây chuối bám vào trước khi được ứng cứu”, anh Phan Trường Sơn, một người dân may mắn sống sót kể lại giây phút sập cầu.
Tại bệnh viện, anh Sơn vẫn không thể quên khoảnh khắc khủng khiếp ấy và cho rằng mình quá may mắn khi còn sống.
Video khoảnh khắc sập cầu Phong Châu từ camera an ninh của nhà dân.
Nước cuồn cuộn, bất ngờ sập, đứt gãy hai nhịp cầu Phong Châu
Sáng 9/9, Chủ tịch UBND xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) cho biết, cầu Phong Châu bất ngờ bị sập, đứt gãy hai nhịp. Cụ thể, vào khoảng 10h sáng nay (9/9), 2 nhịp cầu thuộc phía đầu Tam Nông bất ngờ đứt gãy.
PV Báo Giao thông dân trực tiếp từ hiện trường vụ sập cầu.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng địa phương đang phân luồng, điều tiết giao thông và thống kê thiệt hại về người.
Đại diện ngành GTVT địa phương đánh giá bước đầu sập cầu do ảnh hưởng của mưa lũ. Các lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng giao thông đảm bảo an toàn cho người dân, chặn hai đầu cầu không để người dân tự ý vào khu vực cầu sập để tìm kiếm người thân, quay phim, chụp ảnh. Các đơn vị đang thống kê hiện trạng và sẽ có báo cáo cụ thể.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, sau thời điểm cầu sập chừng nửa tiếng, nhiều người vẫn đang đứng tại phần cầu còn lại. Điều này rất nguy hiểm, cần có lực lượng chức năng rào chắn hai đầu cầu, không để người dân tự ý di chuyển vào cầu.
Thông tin từ một người dân livestream tại hiện trường cho biết, thời điểm cầu sập, trên cầu có phương tiện đang di chuyển, trong đó có 1 xe tải, nhiều xe máy. Anh này khẳng định, anh cùng bác đi qua cầu, vừa đi qua thì phía sau sập.
Cầu Phong Châu là cây cầu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ.
Cầu có lý trình tại Km 18+300 quốc lộ 32C, kết nối xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông.
Cầu Phong Châu được xây dựng theo công nghệ cũ với kết cấu dàn thép, có chiều dài 375,36m. Công trình được khánh thành vào ngày 28/7/1995.
Video ghi nhận tình trạng cầu Phong Châu bị sập do người dân cung cấp.
Báo Giao thông tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận