Giá thuê đồng loạt tăng
Vừa trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, em Đào Minh Nguyệt, sinh viên năm thứ 2 Học viện Ngoại giao (đang trọ tại số 36/38 đường Láng, Đống Đa, Hà Nội) hoang mang khi nhận thông báo của chủ nhà trọ về việc tăng giá phòng. Theo đó, tiền phòng bắt đầu từ năm học mới sẽ là 3,6 triệu đồng/tháng, thay vì giá 3 triệu đồng như trước.
Phòng trọ giá 2 triệu đồng của Trần Vy, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Nguyệt cho biết, mỗi tháng em được gia đình chu cấp 5 triệu đồng. Vì muốn trọ ở gần trường tiện cho học tập, không phải đi lại nhiều, em đã bấm bụng chi phần hơn số tiền chu cấp để thuê phòng. Trước thông báo của chủ nhà, em cũng chưa biết xoay xở thế nào.
"Em thắc mắc với chủ nhà về việc đột ngột tăng giá thuê phòng tới 20%. Chủ nhà bảo, giá mặt bằng chung tăng nên phải tăng. Thuê tiếp hay không thì tùy", Nguyệt nói.
Trần Vy, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa học vừa làm thêm kiếm được khoảng 3 triệu đồng. Để giảm tiền trọ, em ở ghép cùng một người bạn trong phòng trọ nhỏ giá 2 triệu đồng/tháng.
Đầu năm học mới, chủ nhà trọ đã tăng giá tiền phòng lên 2,5 triệu đồng/tháng. Đồng thời, chủ nhà yêu cầu đóng tiền theo quý, không thu theo tháng như trước. "Trước sức ép tăng giá và đóng tiền, tôi quyết định tìm nơi trọ mới. Thế nhưng, 2 tháng nay chưa tìm được phòng trọ như ý", Vy cho hay.
Trúng tuyển vào trường Đại học Ngoại ngữ, Kim Xuyến (Mỹ Đức, Hà Nội) cùng hai người bạn đi tìm nhà trọ. Xuyến cho biết rất mong tìm được phòng ba người, khép kín với giá 1,5 triệu đồng/ người, gồm điện và nước. Theo tính toán, Xuyến có thể trang trải tiền thuê nhà và một phần phí sinh hoạt với thù lao 2 triệu đồng từ việc trợ giảng online.
"Nhưng đến nay, xem 20 phòng ở khu Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Hà đều nhận báo giá tối thiểu 4,5 triệu/tháng, chưa tính tiền điện 4.000 đồng/số, nước 100.000 đồng/người, wifi, vệ sinh", Xuyến nói.
Giá nhà trọ tăng theo… gạo, muối
Khảo sát của PV, các nhà trọ ở Đống Đa, quận trung tâm Hà Nội và gần các trường đại học lớn như Bách khoa, Xây dựng, Y, Học viện Ngân hàng, Thuỷ lợi, Công đoàn… thu hút nhiều sự quan tâm của nhiều sinh viên. Giá thuê nhà trọ ở khu vực này tăng từ 500 nghìn – 1 triệu đồng, dao động từ 3 - 4,5triệu đồng/tháng.
Trong vai khách hàng cần thuê nhà, PV được chị Hà Mỹ Loan, chủ nhà trọ 42, ngõ 286 đường Trần Cung (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho hay, chị vừa sửa chữa nâng cấp, lắp thêm các thiết bị an toàn và nâng cấp chất lượng phòng, cộng với mặt bằng cho thuê chung tăng nên giá phòng trọ tăng.
"Bây giờ mọi thứ đều tăng, giá nhà tăng, gạo tăng, mắm muối tăng, phòng trọ tăng như thế còn thấp. Em cân đối được thì đặt cọc 1 tháng tiền thuê phòng, thanh toán hàng tháng. Em cứ tham khảo đi", chị Loan nói.
Một chủ trọ khác ở đường Đê La Thành (Đống Đa) cũng cho hay nhiều năm qua, ông vẫn giữ nguyên giá thuê, chưa từng tăng. Tuy nhiên thời gian gần đây, "vật giá leo thang nên khó giữ được giá như trước".
Nguồn cung khan hiếm
Theo dữ liệu về bất động sản cho thuê của Công ty Cổ phần Property Guru Việt Nam vừa công bố, nhu cầu tìm thuê bất động sản trên toàn quốc đã tăng 13%, trong khi lượng tin đăng cho thuê nhà tăng 2% so với hồi tháng 6.
Nhà trọ chính là loại hình dẫn đầu đà tăng trưởng khi mức độ quan tâm (cầu) tăng tới 33% và lượng tin đăng (cung) tăng chỉ 12%, bằng 1/3 lượng cầu.
Nhiều chuyên gia dự báo, nguồn cung nhà trọ thấp sẽ tiếp tục đẩy giá nhà trọ tăng. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Property Guru Việt Nam cho rằng, nhu cầu tìm kiếm trên trang thông tin bất động sản doanh nghiệp này sở hữu thường đạt đỉnh trong tháng 7-8, đặc biệt là lượng tìm kiếm nhà trọ, phòng trọ trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.
Gần đây, giá cho thuê phòng trọ khu vực ở Hà Nội tăng, thậm chí có khu vực tăng đột biến như: Bách khoa (Hai Bà Trưng) trong vòng một năm qua, mặt bằng giá cho thuê đã tăng 150%; khu vực Yên Hòa (Cầu Giấy) tăng khoảng 50%.
Bà Phạm Thị Miền, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam phân tích, vào đầu năm học mới, nhu cầu thuê trọ tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế đẩy giá thuê trọ lên cao, nhiều sinh viên khó khăn trong chi trả chi phí phục vụ học tập. Do đó, rất cần những cơ chế chính sách hỗ trợ việc tăng quỹ nhà cho sinh viên thuê.
Theo bà Miền, thực tế Hà Nội cũng đã triển khai các dự án tăng quỹ nhà nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Bởi những dự án này ở vị trí khá xa, khiến sinh viên khó tiếp cận.
"Hà Nội và các thành phố lớn cần phải xem xét phát triển dự án dành riêng cho đối tượng thuê là sinh viên, để thế hệ trẻ thuận lợi học tập", bà Miền nói.
Theo Bộ GD&ĐT, số thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 năm 2024 trên hệ thống là 673.586 em, tăng 58.116 thí sinh so với năm 2023. Số thí sinh xác nhận nhập học 551.479, chiếm 81,87% tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1.
Về số nhà trọ, Hà Nội hiện có khoảng 30.300 cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ; 385 chung cư mini. TP.HCM cũng có khoảng 60.470 cá nhân, hộ gia đình đã đầu tư xây dựng khu nhà trọ, với nhiều phòng cho thuê hoặc nhà ngăn phòng cho thuê, với tổng số khoảng 560.200 phòng trọ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận