Ảnh minh họa. |
Dự thảo Quy chế quản lý taxi lần thứ 4 vừa được Sở GTVT Hà Nội lấy ý kiến rộng rãi đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhất là từ phía các doanh nghiệp taxi. Báo Giao thông đã trao đổi với Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang về vấn đề này.
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, Quy chế quản lý taxi là gây khó và tốn kém cho doanh nghiệp. Vậy, Sở GTVT căn cứ vào đâu để đưa ra dự thảo này?
Trên địa bàn Hà Nội có 19.265 xe taxi của 77 doanh nghiệp. Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh vận tải taxi phát sinh nhiều tồn tại như: Lái xe taxi vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải, dừng, đỗ đón trả khách sai quy định, gây mất TTATGT và mỹ quan đô thị; phát sinh vi phạm của taxi ngoại tỉnh, taxi dù và có chiều hướng gia tăng; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành của các đơn vị vận tải còn hạn chế, chưa theo kịp với nhu cầu phát triển của các loại hình vận tải khác; tỷ lệ xe chạy rỗng còn nhiều dẫn đến việc gia tăng giá cước vận tải; chưa điều tiết được số lượng xe taxi hoạt động theo vùng, dẫn đến việc một số khu vực tập trung quá nhiều taxi (dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông), khu vực có ít xe taxi hoạt động chưa đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của người dân…
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và Nghị quyết số 04/2017-HĐND ngày 4/7/2017 của HĐND thành phố, Sở GTVT đã phối hợp với Công an thành phố và các sở, ngành liên quan thống nhất đề xuất dự thảo để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp và hiệp hội với mục tiêu đưa ra các định hướng, lộ trình thực hiện, từng bước giải quyết các tồn tại, bất cập nêu trên nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, hạn chế ùn tắc giao thông tại các khu vực và phù hợp với sự phát triển GTVT của thành phố.
Việc phân vùng taxi nội, ngoại thành đang gây nhiều tranh cãi. Với Quy chế này, xe ngoại thành có được vào nội thành, thưa ông?
Theo dự thảo Quy chế, xe taxi được phép đón, trả khách tại những nơi không có biển cấm dừng, đỗ và tại các vị trí điểm dừng, đỗ do thành phố quy định. Như vậy, xe taxi đăng ký hoạt động theo các vùng, khu vực khác nhau vẫn được phép hoạt động dừng, đỗ đón trả khách tại những nơi không cấm dừng, đỗ.
Mục tiêu của việc phân vùng nhằm điều tiết số lượng xe taxi hoạt động theo từng vùng quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Việc đăng ký theo vùng hoạt động không áp đặt đơn vị vận tải phải hoạt động theo vùng cụ thể nào đó, vì một đơn vị có thể đăng ký nhiều khu vực hoạt động trong một vùng hoạt động.
Dự thảo Quy chế cũng quy định áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi nhằm thể hiện nét văn minh đô thị. Để không làm phát sinh chi phí khi thực hiện quy định này, dự thảo đã đưa ra lộ trình thực hiện đến năm 2025 (nghĩa là còn 8 năm nữa, phù hợp với niên hạn sử dụng của xe taxi). Như vậy, đối với xe taxi đang hoạt động sẽ không phải thay đổi màu sơn, do đó không làm phát sinh chi phí của doanh nghiệp.
Khi các taxi nội, ngoại thành phân vùng, taxi “mặc chung màu áo” liệu có quản chặt hơn hoạt động taxi, thưa ông?
Quản lý, điều hành taxi sẽ được quản lý bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ thông qua Trung tâm điều hành giao thông chung. Dự thảo đã nêu rõ, đơn vị kinh doanh vận tải taxi phải xây dựng phần mềm quản lý, điều hành kết nối với dữ liệu GPS của xe taxi. Dữ liệu này sẽ được kết nối với dữ liệu phần mềm của Trung tâm điều hành giao thông chung của thành phố nhằm phục vụ công tác tổ chức giao thông, điều tiết số lượng phương tiện hoạt động từng vùng; kịp thời cảnh báo các khu vực, tuyến đường tập trung đông phương tiện, dễ xảy ra ùn tắc giao thông để lái xe, người dân và đơn vị vận tải biết.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận