Chưa thể tính hết lao động bị ảnh hưởng
Sáng nay, 24/4, Tổng cục Thống kê thông tin về tình hình lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm.
Kết quả điều tra 131 nghìn DN và các tập đoàn cho thấy diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động đến tình hình lao động việc làm tại hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh.
Cụ thể tính đến giữa tháng 4 năm 2020 có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó lao động trong ngành công nghiệp chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu lao động), tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn bán lẻ (hơn 1,1 triệu lao động) và lao động ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (740 nghìn lao động).
Khoảng 54% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, 46% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc trong các DN và HTX. Trong đó, 70% lao động bị ảnh hưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện đang làm việc trong các DN và HTX; Đa số lao động bị ảnh hưởng các ngành bán buôn bá lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh cá thể tương ứng là 74% và 73%.
Tuy nhiên, theo bà Vũ Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê lao động, con số 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch hiện vẫn chưa đầy đủ. “Số liệu thống kê mới được tính từ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, bao gồm cả lao động có hợp đồng và lao động không có hợp đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn đang thiếu số lao động làm việc trong hộ sản xuất nông nghiệp và một số ngành nghề khác như xe ôm. Bộ LĐTB-XH đang xây dựng hướng dẫn địa phương thống kê lao động tự do”, bà Thủy lý giải.
Trong 4 tháng đầu năm 84,8% DN được khảo sát đang gặp khó khăn. DN quy mô lớn và vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Khoảng 67% DN đã thực hiện các giải pháp tác động tiêu cực tới người lao động như: Cắt giảm lao động; Cho người lao động nghỉ việc luân phiên; Cho lao động nghỉ việc không lương: Giảm lương người lao động.
Đáng chú ý, cả nước vẫn còn 35,9% lao động làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động (tương đương 9,4 triệu người); 81,9% trong đó làm việc theo hình thức thỏa thuận miệng và 18,1% còn lại là người làm việc không có bất kỳ hợp đồng hay thỏa thuận nào với chủ sử dụng lao động.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhóm lao động không ký hợp đồng là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi người sử dụng lao động thực hiện chính sách cắt, giảm lao động”, bà Thủy nói.
Dư âm khó khăn còn lan sang hết quý II
Trong quý I/2020, cả nước có khoảng 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng hơn 26 nghìn người so với quý trước và tăng 26,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, số lượng thanh niên thất nghiệp chiếm hơn 44% (gần 493 nghìn người).
Theo thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2020 đạt 6,2 triệu đồng, tăng 353 nghìn đồng so với quý trước và tăng 473 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý I/2020 đạt 7,4 triệu đồng, tăng 616 nghìn đồng so với quý trước và tăng 476 nghìn đồng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên tốc độ tăng thu nhập của người lao động quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước thấp hơn so với tốc độ tăng thu nhập của năm trước (tương ứng 8,3% so với 19,4%).
“Sở dĩ thu nhập của người lao động trong quý I/2020 tăng so với quý trước là bởi biên độ điều tra được tính trong vòng 15 ngày đầu tháng 3 trở về 1/1/2020. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 lại được đánh giá từ cuối tháng 3 trở lại đây. Mặt khác, trong quý I có tháng Tết, người lao động được hưởng phần thu nhập tăng lên, tuy nhiên dù có tăng nhưng mức tăng lại thấp hơn so với cùng kỳ 2019 ”, bà Thủy lý giải.
Dự báo tình hình việc làm trong thời gian tiếp theo, bà Thủy cho hay: Mặc dù tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam được đánh giá tốt, tạo niềm tin cho DN và người lao động, nhưng chắc chắn trong quý II vẫn còn dư âm ảnh hưởng.
“Trong quý II/2020 tình hình kinh tế trong nước vẫn còn khó khăn. Dịch bệnh tại Việt Nam đã được khống chế nhưng các đối tác thương mại của chúng ta vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề do đó hoạt động trao đổi thương mại sẽ gặp khó khăn. Trong bối cảnh này, người lao động sẽ cần thêm nhiều kỹ năng mới, tăng sự thích nghi để đáp ứng nhu cầu của chủ sử dụng lao động”, bà Thủy phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận