Quản lý

Sớm nhất năm 2021 mới thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM

31/07/2019, 20:09

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM nói như vậy trong cuộc họp giao ban báo chí Trung ương tại TP.HCM tổ chức hôm nay (31/7).

img
34 cổng thu phí được xây trên các tuyến đường: Hoàng Sa - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Đồ họa: Nguyễn Tường

Ngày 31/7, dự cuộc họp giao ban báo chí Trung ương tại TP.HCM, ông Lâm cho biết, hiện dự án thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM mới chỉ ở bước đề xuất, xin chủ trương nghiên cứu. Nếu UBND TP đồng ý bố trí vốn, Sở sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công để trình HĐND TP thẩm định, xem xét. Trường hợp HĐND TP thông qua chủ trương, đơn vị được giao làm chủ đầu tư sẽ đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực tiến hành khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định.

Cũng theo ông Lâm, kết quả nghiên cứu phải làm rõ các vấn đề về phạm vi, mức thu, thời gian thu, công nghệ, các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng…

“Song song với việc nghiên cứu đề án thu phí ôtô vào trung tâm, TP.HCM cũng thực hiện các giải pháp khác trong Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giai đoạn 2016-2020, gồm: khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; phát triển đồng bộ kết nối hạ tầng giao thông (xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm chui, khép kín đường Vành đai 2, metro, các bãi đỗ xe ngầm); phát triển hoạt động xe buýt, đầu tư bến bãi, BRT... Dự kiến đến năm 2021, khi đường Vành đai 2, tuyến metro Số 1 và tuyến BRT số 1 đi vào hoạt động, các công trình giao thông lớn hoàn thành, phát triển vận tải hành khách công cộng... mới có thể thực hiện đề án thu phí ôtô vào trung tâm”, ông Lâm nói.

img
Xe ô tô trên đường Lê Hồng Phong, giáp Lý Thái Tổ, quận 10 khu vực Sở GTVT sẽ đề xuất lắp trạm thu phí ô tô. Ảnh: Đỗ Loan

Theo ông Lâm, Viện nghiên cứu giao thông đã tính toán, so với xe buýt, ôtô chiếm mặt đường gấp 8,5 lần còn xe máy chiếm gấp 5 lần. Nếu thông qua bề mặt cắt ngang chạy trên làn đường thì xe máy tương đương với xe buýt - chiếm khoảng 14.000 lượt người mỗi giờ; còn ôtô chỉ có 2.000 lượt người mỗi giờ. Như vậy, ôtô chiếm dụng mặt đường nhiều và khả năng lưu thông kém nhất. Nếu 10% người dân sử dụng ôtô chuyển sang giao thông công cộng là đã thành công, giảm bớt ùn tắc...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.