Vận tải

Sửa Luật để quản chặt xe đưa đón học sinh

24/05/2022, 10:08

Quản lý hoạt động đưa, đón học sinh bằng ô tô tại Việt Nam hiện chưa có bất kỳ quy định nào mà chỉ đơn giản là một hình thức vận tải hợp đồng...

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ vừa được Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nhiều quy định chặt chẽ, trong đó có gắn trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đào tạo trong hoạt động đưa, đón học sinh bằng ô tô.

img

Khu vực cổng trường Quốc tế Marie Curie (Hà Nội) liên tục ùn tắc, lái xe vô tư dừng, đỗ tại biển cấm

Nhan nhản xe đưa đón “tự cấp phép”

Ngày 21/5/2022, chỉ trong 1 tiếng đồng hồ từ 6h40 - 7h40, tại khu vực cổng trường Marie Curie (đường Hoàng Trọng Mậu, Hà Nội) có gần trăm chiếc ô tô loại từ 16 - 45 chỗ ngồi chở học sinh nối đuôi nhau cả km.

Lượng xe rất đông trong khi chỉ có một bảo vệ hướng dẫn, điều tiết khiến khung cảnh trước cổng trường trở nên nhốn nháo, mất ATGT.

Quan sát của PV Báo Giao thông, tại vị trí này đã được Sở GTVT Hà Nội cắm biển cấm dừng, đỗ trong các khung giờ từ 6 - 9h và từ 16 - 19h, nhưng những chiếc xe đưa, đón học sinh vẫn vô tư dừng đỗ đón, trả học sinh.

Xe đưa, đón học sinh cần trở thành phương tiện công cộng để nhận được những ưu tiên về quyền đi lại và có những quy định quản lý chặt chẽ.
Ngoài quy định về phương tiện, để tránh những tai nạn đau lòng cũng cần quy định trên xe đưa, đón học sinh, ngoài lái xe cần có thêm người quản lý, giám sát trẻ trên xe.

TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn
cao cấp dự án JICA


Đáng chú ý, khoảng 6h10 cùng ngày, trên đường Tố Hữu (Hà Đông), PV còn bắt gặp xe BKS 29B - 052.24 chở học sinh trường Tiểu học Vietschool và trường quốc tế Alexandre Yersin dán một tờ giấy cấp phép từ một xe khác có BKS 29B - 0522 có thời hạn chở học sinh từ ngày 20/1/2016 - 28/1/2016 (?!).

Tìm hiểu của PV, chỉ cần chủ doanh nghiệp có xe, được nhà trường đồng ý là có thể đưa, đón học sinh.

Trong vai chủ xe có nhu cầu nhận đưa, đón học sinh, PV được một lái xe cho biết: “Thủ tục rất đơn giản, không cần phải xin phép cơ quan chức năng, chỉ cần làm việc với nhà trường nếu trường có nhu cầu sẽ được nhận ngay”.

Lái xe này cho biết thêm, hàng ngày, phải đi qua hơn chục điểm để đón học sinh do nhà trường yêu cầu đưa, đón tận cửa. Hôm nào bị ùn tắc nhiều điểm, học sinh đến lớp muộn là chuyện thường, vì lý do bất khả kháng nên nhà trường cũng phải chấp nhận.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, hiện nay, việc quản lý xe đưa, đón học sinh đang rất lộn xộn, phân tán, không có quy hoạch.

Các xe đưa, đón học sinh chủ yếu là xe hợp đồng, do tư nhân quản lý, xe chạy tự do, đưa đón học sinh không theo một quy định cụ thể nào gây ra những vụ việc đau xót.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, thời gian qua, hoạt động đưa, đón học sinh bằng xe ô tô xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc.

Nguyên nhân là do các cơ quan chức năng chưa quản lý chặt chẽ hành trình đưa, đón học sinh của các trường.

Một chuyên gia giao thông cũng cho rằng, trẻ em là đối tượng cần được ưu tiên do đó cần đảm bảo cho trẻ môi trường tham gia giao thông một cách an toàn hơn so với các đối tượng khác.

Tuy nhiên, hiện nay, quản lý hoạt động đưa, đón học sinh bằng ô tô tại Việt Nam chưa có bất kỳ quy định nào mà chỉ đơn giản là một hình thức vận tải hợp đồng thông thường.

Không những vậy, tại các tỉnh, địa phương, nhiều trường hợp xe chở học sinh có chất lượng thấp, cũ kỹ do kinh doanh vận tải không hấp dẫn nên chuyển đổi sang hình thức đưa, đón học sinh ở cự ly gần.

“Quy định phải có người quản lý học sinh trên xe cũng chưa có, học sinh hiện được đối xử không khác những hành khách thông thường.

Phương tiện chở học sinh cũng chưa được trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn chuyên dụng cho trẻ mà chỉ dừng ở mức có gì dùng lấy”, vị chuyên gia này cho hay.

Quy định chặt chẽ cả về phương tiện và người lái

Khắc phục các bất cập nêu trên, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ vừa được Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nhiều quy định để đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón, đồng thời gắn trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo trong tổ chức hoạt động và đảm bảo ATGT khi đưa, đón học sinh.

Trách nhiệm sẽ cụ thể

Dự thảo Luật quy định chi tiết về phương tiện có nhận diện như màu sơn riêng; có chữ xe đưa, đón học sinh để dễ nhận biết có ghế ngồi phù hợp với độ tuổi.
Bên cạnh đó là quy định về các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật phương tiện, tiêu chuẩn người lái xe. Đối với xe chở các em ở độ tuổi mẫu giáo phải có người đi kèm giám sát. Trường hợp sử dụng xe ô tô có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô.
Nếu trường học thuê xe của đơn vị kinh doanh vận tải, hợp đồng hay xe buýt thì các doanh nghiệp vận chuyển cũng phải chấp hành quy định đặc thù của xe. Nếu nhà trường tự đứng ra tổ chức phải được cấp giấy phép đủ điều kiện đưa đón học sinh.
Trách nhiệm của doanh nghiệp, lái xe, nhà trường cũng sẽ được quy định cụ thể trong dự thảo Luật. Khi xảy ra vụ việc có người chịu trách nhiệm.

Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN


Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Công Thủy cho hay, với quy định về hoạt động vận tải đưa, đón học sinh bằng xe ô tô, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (Luật GTĐB) đã giải quyết được mối quan tâm của dư luận xã hội trong bảo vệ đối tượng yếu thế là trẻ em tham gia giao thông.

Dự thảo Luật quy định chặt chẽ về phương tiện và người lái xe như: Xe ô tô đưa đón học sinh phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo và đăng ký màu sơn riêng để nhận diện. Lái xe ô tô đưa, đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách.

Cùng đó, xe ô tô sử dụng để đưa, đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.

“Đặc biệt, dự thảo Luật quy định chặt trách nhiệm của cơ sở giáo dục, đào tạo trong việc xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa, đón học sinh. Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình đảm bảo ATGT”, ông Thủy nói.

Lý giải về tính khả thi của các quy định trên, ông Thủy cho hay, các tài liệu khuyến cáo của nhiều chuyên gia ATGT và của Liên hợp quốc đều khẳng định đây là nhóm cần được ưu tiên bảo đảm an toàn trong quá trình tham gia giao thông.

“Với điều kiện hiện nay, sẽ phải nghiên cứu lộ trình triển khai cho phù hợp với khả năng nguồn lực. Trước hết, cần hoàn thiện quy định quản lý hoạt động xe buýt trường học. Sau đó là nhận diện và ưu tiên về quy tắc giao thông, rồi quy chuẩn tiêu chuẩn kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông, tiếp đến là phương tiện”, ông Thủy nói.

Cũng theo ông Thủy, để đảm bảo việc tổ chức dịch vụ đưa, đón học sinh an toàn, hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền và doanh nghiệp trong việc tổ chức những điểm đón trả hợp lý, an toàn.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra để bảo đảm chất lượng và độ tin cậy của dịch vụ đưa, đón học sinh, tăng cường công tác truyền thông với phụ huynh, có sự phối hợp của nhà trường.

“Tổng cục Đường bộ kỳ vọng những quy định pháp luật về xe buýt trường học được đưa vào dự thảo trong Luật GTĐB sửa đổi lần này sẽ là khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện”, ông Đỗ Công Thủy cho hay.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, những quy định về loại hình vận tải đưa, đón học sinh trong dự thảo Luật sẽ tăng cường công tác quản lý đối với loại phương tiện này. Đồng thời, việc quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, lái xe và người giám sát sẽ góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Cần có xí nghiệp vận tải xe đưa đón học sinh

Chia sẻ thêm về công tác vận chuyển học sinh hiện nay, chuyên gia giao thông Lại Xuân Thủy cho rằng, cần phải có xí nghiệp vận tải, chịu sự quản lý của Sở GTVT thực hiện việc chuyên chở học sinh. Mô hình này đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, có thể xem đây là một loại hình vận tải, chỉ đưa đón học sinh, có chế tài phù hợp, đảm bảo các tiêu chí vận chuyển học sinh.

Lái xe và người quản lý giám sát học sinh trên xe cần phải được đào tạo bài bản về giao tiếp, ứng xử văn minh, đạo đức với trẻ. Lái xe nên có từ 4 - 5 năm kinh nghiệm thay vì 2 năm, đảm bảo an toàn cho đối tượng “yếu thế” là học sinh.

Cùng đó, việc quy định màu sơn riêng dành cho loại hình xe vận tải đưa, đón học sinh là cần thiết, tuy nhiên, nên bổ sung những ưu tiên về quyền đi lại với màu sơn đó, chẳng hạn trong điều kiện ùn tắc giao thông sẽ được nhường đường di chuyển giúp học sinh kịp đến trường đúng giờ.

Lo ngại việc nhiều chủ xe mong muốn sử dụng phương tiện thực hiện thêm các hợp đồng kinh doanh vận tải ngoài thời gian đưa, đón học sinh sẽ gặp khó khi quy định màu sơn, TS. Thuỷ cho biết, nên quy định không hạn chế việc kinh doanh ngoài của xe này. Tuy nhiên, nên hạn chế việc chở song song học sinh và khách bên ngoài để đảm bảo phương tiện luôn trong điều kiện tốt nhất. Muốn như thế, các cơ sở giáo dục nên có cơ chế tốt tạo doanh thu ổn định, hợp lý cho các xe này.

Lý giải về đề xuất này, đại diện Tổng cục Đường bộ cho rằng, quy định xe đưa, đón học sinh thành loại hình và có thêm các điều kiện kinh doanh riêng, xe có kích thước ghế nhỏ hơn và chỉ phục vụ để chở học sinh trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, tạo thêm khó khăn cho các đơn vị kinh doanh.

Mặt khác, việc loại xe này không thể phục vụ vận chuyển các hành khách khác do có kết cấu đặc biệt chỉ phù hợp với lứa tuổi nhỏ nên xe chỉ có thể hoạt động 2 chuyến/ngày và với cự ly ngắn do đó sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế. Điều này có thể dẫn đến việc sẽ không có đơn vị đầu tư, làm thiếu hụt phương tiện đưa, đón học sinh.

Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi bổ sung các quy định về ưu tiên, nhường đường cho xe đưa đón học sinh, quy định về theo dõi đảm bảo ATGT, trách nhiệm của lái xe phải kiểm tra đảm bảo toàn bộ hành khách đã rời khỏi xe sau khi kết thúc hành trình.

“Tổng cục sẽ tiếp tục nghiên cứu để quy định tiêu chuẩn của xe đưa đón học sinh và bổ sung thêm quy định khi hoạt động đưa, đón học sinh, trên xe phải có nhân viên phục vụ hoặc người đi kèm để theo dõi, hướng dẫn, quản lý học sinh. Bên cạnh đó cũng quy định đơn vị tổ chức đưa, đón học sinh phải xây dựng và phổ biến cho lái xe, người đi kèm về quy trình kiểm soát và đưa, đón học sinh để đảm bảo an toàn trong suốt chuyến đi”, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay.

Những vụ TNGT đau lòng liên quan xe đưa đón học sinh

Cuối năm 2019, cháu L.H.L (6 tuổi), là học sinh lớp 1 Trường quốc tế Gateway có trụ sở tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội được phát hiện tử vong trên ô tô đưa, đón của nhà trường. Vụ việc đã tạo làn sóng dư luận mạnh mẽ, khi cơ quan chức năng vào cuộc đã phát hiện chiếc xe đưa, đón cháu L. chưa có giấy phép kinh doanh vận tải và cũng chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh.

Ngay sau đó, lại xảy ra vụ việc bỏ quên học sinh trên xe tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Rất may, em học sinh lớp 3 khi phát hiện bị bỏ quên trên xe, học sinh đã tự tìm cách mở cửa xe để vào lớp.

Không chỉ sự bất cẩn của người lớn khiến xảy ra những vụ việc đau lòng như trên mà tính an toàn của phương tiện cũng gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng cho các em.

Năm 2021, liên tiếp xảy ra những vụ học sinh bị văng khỏi xe đưa, đón gây hậu quả thương tâm tại Sơn La và Đắk Lắk khiến 2 học sinh tử vong. Hay vụ cháy nổ trên xe đưa, đón học sinh của trường Tiểu học An Phú (Bình Dương)... là những minh chứng rõ nhất về hệ lụy liên quan đến các phương tiện đưa, đón học sinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.