Được xây dựng trong hành trình “dài hơi” lượm nhặt giai thoại từ những nhân chứng sống, bài viết “55 năm cung đường Hạnh Phúc trên núi đá Hà Giang” tái hiện sinh động kỳ tích phá núi mở đường trong gian khó, xóa bỏ sự cô lập về giao thông kết nối, mang đến sự ấm no cho người dân trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Đây cũng chính là tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi Báo chí viết về ngành GTVT lần thứ nhất.
Sự quả cảm của những thanh niên xung phong
Những ngày cuối tháng 8/2020, trò chuyện với PV Báo Giao thông về quá trình triển khai bài viết “55 năm cung đường Hạnh Phúc trên núi đá Hà Giang”, nhà báo Nguyễn Đức Bình (thành viên trong nhóm tác giả) chia sẻ, ý tưởng viết về cung đường Hạnh Phúc được anh cùng đồng nghiệp thực hiện từ 5 năm trước.
Bên cạnh tác phẩm “55 năm cung đường Hạnh Phúc trên núi đá Hà Giang”của nhóm tác giả Lê Đức Dục - Đức Bình - Nam Trần - Ngọc Quang (Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh) đoạt giải Nhất trị giá 30 triệu đồng, Ban tổ chức cuộc thi Báo chí viết về ngành GTVT lần thứ Nhất cũng trao 2 giải Nhì, mỗi giải 15 triệu đồng; 5 giải Ba, mỗi giải 10 triệu đồng; 15 giải Khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng và 3 giải Tập thể, mỗi giải 10 triệu đồng. Dự kiến, lễ trao giải sẽ được tổ chức vào dịp Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2020).
Theo anh Bình, khoảng đầu tháng 3/2015, anh và người đồng nghiệp Lê Đức Dục (trong nhóm tác giả) đi tiền trạm để tổ chức Chương trình tháng 3 Biên giới của cơ quan. Thời điểm đó, tỉnh Hà Giang đang rốt ráo chuẩn bị một sự kiện đặc biệt với quy mô khá lớn, đó là gặp mặt cựu TNXP 8 tỉnh phía Bắc - những người từng tham gia chiến dịch mở con đường Hạnh Phúc.
“Trước khi đi tiền trạm, tôi và anh Dục đã nhiều lần di chuyển qua cung đường này. Chúng tôi còn biết, Hạnh Phúc chính là tên Bác Hồ đặt cho con đường với kỳ vọng xóa thế cô lập của 4 huyện vùng cao (Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc) của tỉnh Hà Giang. Nhưng chỉ đến khi chứng kiến hình ảnh những cựu TNXP tay bắt mặt mừng, rưng rưng ôn lại kỷ niệm sau hơn nửa thập kỷ hoàn thành tuyến đường, chúng tôi mới thấy được cốt lõi giá trị con đường mang tên Hạnh Phúc”, anh Bình nói.
“Qua chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Thùy, Phó chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Hà Giang, Trưởng ban liên lạc hội cựu TNXP tham gia mở đường Hạnh Phúc, chúng tôi mới biết chuyện có một liệt sĩ tên Giàng Mí Nô không có thân nhân đến nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công. Chuyện anh Đào Ngọc Phẩm quên mình cứu hai bố con người Mông khi thấy một tảng đá rơi xuống trong khi tuyến đường chỉ còn vài ngày là hoàn thành… Tất cả sự việc đó thôi thúc chúng tôi phải ngồi lại, nhanh chóng cho ra những bài đầu tiên về con đường Hạnh Phúc”, anh Bình nhớ lại.
Cũng theo nhà báo Nguyễn Đức Bình, 4 năm sau, khi xảy ra sự kiện khách sạn Panorama xây trên đỉnh Mã Pì Lèng, nhân một chuyến công tác, anh và đồng nghiệp đã lên kế hoạch làm một phóng sự ảnh phản ánh sự tàn phá cảnh quan thiên nhiên ở cung đường này.
“Song, khi tìm hiểu, nhận thấy một số vấn đề chưa rõ ràng, dự định làm phóng sự ảnh “đổ bể”. Lúc đó, chúng tôi mới nhận ra dọc con đường Hạnh Phúc, kinh tế đang phát triển rất tốt khi cả chính quyền và người dân đều dần biết làm du lịch, đúng như mong muốn của Bác Hồ là làm con đường đưa người dân đến ấm no, hạnh phúc. Thêm vào đó, những năm trở lại đây, dù khách du lịch và các bạn trẻ đi phượt trên Mã Pì Lèng rất nhiều nhưng lịch sử về gần 2.000 lượt TNXP ròng rã gần 6 năm trời treo mình trên đá đục đẽo bằng tay làm nên hình hài con đường Hạnh Phúc gần như chưa ai hiểu hết”, anh Bình kể.
Sau đó, quyết định chuyển hướng làm một bài vừa gợi mở về sự “thay da đổi thịt” của nhân dân dọc con đường Hạnh Phúc, vừa tri ân, gợi nhớ về kỳ tích làm nên con đường trên đỉnh Mã Pì Lèng được thống nhất.
Bốn anh em, hai người viết, một người chụp ảnh, một người quay để cùng nhau làm nên bài viết “55 năm cung đường Hạnh Phúc trên núi đá Hà Giang” xâu chuỗi, lượm nhặt lại toàn bộ các câu chuyện lịch sử và hiện trạng phát triển vùng đất ven đường Hạnh Phúc chân thực và sinh động nhất.
Bức tranh về con đường Hạnh Phúc “ngày ấy - bây giờ” đã nhanh chóng được hoàn thành và đăng tải, nhưng đối với Nhà báo Lê Đức Dục, một trong những người chắp bút, vẫn không quên được câu chuyện những cựu TNXP, những nhân chứng sống kể lại về những ngày cheo leo đục núi Mã Pì Lèng, khơi thông đoạn tuyến 20km cuối cùng trên cung đường Hạnh Phúc dài 185km.
“Theo lời kể, thi công ở Mã Pì Lèng là chỗ khó khăn nhất. Tại đây, những TNXP đội Cơ Dũng phải thay nhau, một người giữ và điều khiển dây ở trên, một người treo mình dùng tròng đục đá bằng tay, tạo ra khoảng trống để nhồi mìn tách những tảng đá lớn. Đặc thù làm việc nguy hiểm, sự sống lúc nào cũng “ngàn cân treo sợi tóc”.
Đó cũng là lý do trước mỗi ngày đi làm, những TNXP đều được truy điệu sống, được ăn no hơn, ngon hơn, sẵn sàng đối mặt với cái chết bất kỳ lúc nào. Ám ảnh hơn, Ban chỉ huy công trường khi ấy còn chuẩn bị sẵn 11 chiếc quan tài đặt cách nơi làm việc chừng hai cây số để chuẩn bị cho những sự ra đi đột ngột, Nhà báo Lê Đức Dục nói.
“Mạch máu giao thông” đến đâu, người dân ấm no đến đó
Nhà báo Nguyễn Đức Bình cho rằng, hơn 50 năm kể từ ngày hoàn thành, mục tiêu con đường Hạnh Phúc mà lãnh đạo Trung ương thời kỳ trước đặt ra là đưa người dân đến ấm no, hạnh phúc thì đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
“Sau nhiều năm trải nghiệm, lên đến các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc hay Yên Minh, tôi đều cảm nhận được sự thay da đổi thịt mỗi ngày. Mèo Vạc, Đồng Văn vốn là nơi rất xa, song từ khi có đường Hạnh Phúc, khách du lịch lên Đồng Văn, Mèo Vạc cũng nhiều hơn. Nền tảng đó đã cho ra đời nhiều mô hình để giới thiệu văn hóa vùng miền cũng như tạo nguồn thu nhập cho nhân dân.
Hiện tại, người dân cũng đã biết làm kinh tế từ trồng hoa tam giác mạch ven đường để thu hút du khách, chính quyền địa phương đã bám đường tổ chức làm những khu sinh thái, phát huy được giá trị thế hệ đi trước tạo ra”, anh Bình nói.
Từ cung đường Hạnh Phúc xương sống, một tuyến đường tránh kết nối từ huyện Quản Bạ đến huyện Yên Minh cũng đã được làm, rút ngắn quãng đường kết nối hai địa phương chỉ còn 24km, thay vì 50km trước kia.
Đường sá mở rộng và ngày càng được nâng cấp, hàng hóa nông sản giữa vùng với vùng, giữa miền ngược với miền xuôi lại càng thuận lợi.
“Chứng kiến sự phát triển của mảnh đất Hà Giang gần 20 năm qua và quá trình tìm hiểu về lịch sử con đường Hạnh Phúc, chứng kiến sự lột xác của những vùng xa xôi nhờ những tuyến đường kết nối, chúng tôi mới hiểu được giá trị của chủ trương đưa giao thông đi trước mở đường. Tôi lại càng cảm phục, trân trọng hơn quyết định của lãnh đạo, của những TNXP anh dũng, thay vì lựa chọn phương án hình thành con đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc sát biên giới, có lộ trình ngắn hơn theo tư vấn nước ngoài, họ đã chấp nhận hiểm nguy để mở một con đường tiến sâu vào đất liền, đi qua những vùng dân cư để nhân dân được hưởng lợi và phát triển”, nhà báo Nguyễn Đức Bình chia sẻ.
Còn theo Nhà báo Lê Đức Dục, con đường Hạnh Phúc đã biến Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh từ chỗ là nơi heo hút, chỉ có một nơi nghỉ trọ duy nhất là nhà khách Ủy ban huyện thì giờ đây, vào mùa cao điểm, hàng vạn người đến mỗi ngày, hạ tầng lưu trú vẫn có thể được đáp ứng, đó là một chỉ dấu cho thấy sự thay đổi.
“Không có con đường mở ra tuyến giao thông kết nối, hạ tầng cũng sẽ không có điều kiện nâng cấp. “Giao thông đi trước một bước” là một câu thần chú với phát triển KT-XH, nếu ở miền xuôi, mệnh đề đó đúng 100% thì với miền núi, mệnh đề đó đúng đến 200% và cung đường Hạnh Phúc là một minh chứng rõ nét nhất”, nhà báo Lê Đức Dục nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận