Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV (đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV)
Đại diện cho tiếng nói của cuộc sống, của lòng dân
Chủ nhật ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Những ngày này, các ứng viên đang có những chương trình tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV (ĐBQH khóa XI, XII, XIII, XIV) cho rằng, mục đích của cuộc bầu cử là bầu ra được những người đại diện xứng đáng cho nhân dân, thay mặt cho nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước. Thông qua đại biểu dân cử, nhân dân sử dụng quyền lực của mình để định đoạt các vấn đề quan trọng của đất nước.
"ĐBQH có một địa vị pháp lý đặc biệt, vừa là đại biểu nhân dân, vừa là thành viên của cơ quan quyền lực tối cao. Đại biểu dân cử là cầu nối giữa nhân dân với chính quyền nhà nước, kết nối các lợi ích trong xã hội, mối quan hệ giữa đại biểu dân cử đối với cử tri và nhân dân có thể được coi như một sự gắn bó máu thịt, một sợi dây liên kết bền chặt, gắn kết", ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, để đảm nhận được trọng trách thiêng liêng đó đại biểu dân cử phải là những người có năng lực trí tuệ và đạo đức xứng đáng. Chất lượng của ĐBQH và đại biểu HĐND phụ thuộc vào khâu lựa chọn đại biểu, chính là bầu cử. Và ở đây, vai trò lựa chọn của cử tri có tính quyết định rất cao.
"Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần. Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp", ông Lợi nói.
Đại biểu dân cử phải có tâm, tầm và tài
Ông Nguyễn Xuân Mùi, Trưởng ban Thời sự, CLB Thăng Long thì cho rằng, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn của ĐBQH cũng như tiêu chuẩn của đại biểu HĐND.
Đó là, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu vì công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mục tiêu chung của đất nước; Có phẩm chất đạo đức tốt và lối sống gương mẫu, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật.
Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân; Gần gũi, liên hệ mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; Có các điều kiện cần thiết để tham gia các hoạt động của Quốc hội cũng như của HĐND.
"Tiêu chuẩn của ĐBQH hoặc đại biểu HĐND theo luật định là cái chung nhất. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn mới của cách mạng, thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng và toàn diện, yêu cầu người đại biểu dân cử cần phải có những phẩm chất vượt trội hơn cả yêu cầu chung đó", ông Mùi nói.
Theo ông Mùi, phẩm chất vượt trội của đại biểu dân cử phải có tâm, tầm và tài. Cái tâm là phẩm chất đạo đức trong sáng, hết lòng tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không vun vén cá nhân, không mưu cầu địa vị, bổng lộc.
Cái tầm là những phẩm chất vượt trội về chính trị, đạo đức, lối sống, về trình độ, năng lực và bản lĩnh để tự khẳng định vai trò của mình trong công tác. Còn cái tài là những khả năng, kiến thức và trình độ chuyên môn để có thể đảm đương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri đã gửi gắm.
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII
Theo đuổi đến cùng những vấn đề người dân quan tâm
Cùng cùng quan điểm, bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, cho rằng, người đại biểu của nhân dân trước hết phải rèn luyện đạo đức, khi được nhân dân bầu rồi thì trách nhiệm ngày càng cao hơn, sự rèn luyện phải thường xuyên hơn.
"ĐBQH phải nhiệt tình và có niềm tin sắt đá rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực thật sự để đóng góp ý kiến vào sự phát triển của đất nước, lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ trên giấy tờ", bà An nói.
Theo bà Bùi Thị An, người ĐBQH phải có kiến thức, cố gắng tìm hiểu thêm tâm tư nguyện vọng của người dân. Khi nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân, những chủ trương chính sách của nhà nước, thì phải dũng cảm để đưa ra thảo luận tại diễn đàn Quốc hội để đóng góp, xây dựng những chủ trương chính sách có lợi nhất cho người dân, đất nước.
"Một điều quan trọng nữa đó là phải kiên trì, đeo bám ý kiến đồng bào cử tri, quan tâm đến nguyện vọng của đồng bào cử tri và từ đó đưa đến diễn đàn Quốc hội để phản ánh. Không phải 1 kỳ họp là đạt được sự đồng thuận, có khi phải 2 kỳ, 3 kỳ họp", bà An nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận