![]() |
Tổ công tác Ban ATGT huyện Đồng Hỷ nhắc nhở, tuyên truyền để người dân không vi phạm vỉa hè, hành lang giao thông. |
Kiểm tra liên tục, nhắc nhở thường xuyên
Những ngày đầu tháng 7, tổ công tác của Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên và Ban ATGT huyện Đồng Hỷ đi dọc tuyến tỉnh lộ 269 để kiểm tra hành lang giao thông. Khi thấy một đống cát và gạch đổ trên vỉa hè một căn nhà, một biển hiệu quảng cáo đặt trên vỉa hè, vài chiếc xe máy dựng lấn chiếm hết phần vỉa hè, tổ công tác đã dừng lại, yêu cầu chủ hộ khẩn trương khắc phục vi phạm, nếu tái phạm sẽ xử lý.
Chị Vũ Thị Lý, chủ một căn nhà mặt đường tỉnh lộ 269 đang xây dựng cho hay, do xe chở vật liệu vừa giao hàng đến, nên chị để cát, gạch tạm trên vỉa hè, định cho thợ dùng dần đến cuối ngày cho vơi bớt thì dọn. “Nay cơ quan chức năng nhắc nhở làm như vậy khiến người đi bộ không thể đi trên vỉa hè, phải đi dưới lòng đường mất ATGT, tôi lập tức cho thợ dọn vật liệu vào trong căn nhà đang xây để trả lại vỉa hè cho người đi bộ”.
Theo ông Phạm Quang Huấn, Phó chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT tỉnh đang phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ trên toàn tỉnh và các địa phương tổ chức đợt cao điểm giải tỏa hành lang giao thông. Xác định ý thức, sự đồng thuận của người dân đóng vai trò then chốt trong việc chấp hành nghiêm quy định an toàn hành lang đường bộ, từ tháng 5, Ban ATGT tỉnh đã triển khai đợt tuyên truyền, vận động người dân. Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền ATGT sân khấu hóa kèm triển lãm ảnh, clip về tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông; Tuyên truyền lưu động trên các tuyến giao thông; Tuyên truyền bằng hệ thống băng rôn, panô, áp phích, phát tờ rơi: Xây dựng các pano, băng rôn; Đến từng hộ gia đình phát tờ rơi, tuyên truyền...
“Nhờ tuyên truyền tốt, đợt cao điểm giải tỏa vi phạm hành lang giao thông lần này được sự đồng thuận cao của người dân. Hầu hết người dân tự giác tháo dỡ công trình, cây cối, biển quảng cáo vi phạm lấn chiếm hành lang giao thông. Lực lượng chức năng cơ bản chỉ tuyên truyền, hỗ trợ tháo dỡ vi phạm”, ông Huấn cho hay.
"Hành lang ATGT là phần đất quan trọng nằm trong phạm vi kết cấu hạ tầng đường giao thông, nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Đồng thời, cũng nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân. Do vậy, mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ với Nhà nước và phối hợp với các cấp chính quyền chấp hành nghiêm quy định về hành lang ATGT”. Ông Phạm Quang Huấn, Phó chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên |
Chống tái lấn chiếm là giải pháp dài lâu
Dù đợt giải tỏa hành lang giao thông trên toàn địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn đang được triển khai, nhưng những ngày này, có thể ghi nhận rất nhiều vỉa hè, lòng đường ở Thái Nguyên đã thoáng đãng, an toàn hơn. Tuy nhiên, ông Ngô Mạnh Cường, Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Thái Nguyên cho biết, thực tế việc giải tỏa ở giai đoạn tiếp với phạm vi rộng hơn sẽ gặp khó bởi nhiều hộ dân lấn chiếm đã xây dựng công trình kiên cố. Và quan trọng hơn, phải duy trì được công tác kiểm tra, xử lý sau khi giải tỏa, chống tái lấn chiếm.
“Để chống tái lấn chiếm vi phạm hành lang giao thông, cơ quan quản lý đường bộ, chính quyền địa phương phải có sự kiểm tra, quản lý chặt chẽ, xử nghiêm vi phạm”, ông Cường đề xuất.
Theo ông Phạm Quang Huấn, để duy trì hiệu quả đợt cao điểm, với những tuyến đường sau giải tỏa, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở để chống tái phạm. Với những trường hợp tái phạm, sẽ kiên quyết xử lý để răn đe.
Chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND TX Phổ Yên cho hay, để công tác giải tỏa hành lang giao thông đạt kết quả tốt, công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân là giải pháp mấu chốt; sau đó là giải tỏa đến đâu quản lý chặt đến đó.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận