TTGT đặt Trạm KTTT lưu động số 53 tại Km 7+250 tỉnh lộ 2, đoạn qua xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk để xử lý xe quá tải |
Quyết dẹp xe quá tải!
Đầu tháng 6, theo chân tổ công tác của Thanh tra Sở GTVT đang bố trí Trạm cân xử lý xe quá tải trên tuyến tỉnh lộ 2, PV Báo Giao thông ghi nhận, lần lượt các xe chở gạch và cát BKS 47C-017.12, 47C-112.23 theo hướng huyện Krông Ana ra đường Hồ Chí Minh (QL14 cũ) được lực lượng TTGT yêu cầu kiểm tra tải trọng. Nhận giấy tờ từ nhân viên trạm cân, tài xế Nguyễn Văn Minh cho biết: “Tụi em ý thức được việc chở quá tải, thêm chút hàng có lời được bao nhiêu đâu anh. Lỡ bị TTGT cân thì tốn tiền triệu, bị tước GPLX thì lỗ nặng và hết đường làm ăn nên tụi em không dám”.
Một đêm tháng 6, PV cùng tổ công tác gồm TTGT, PC64 do ông Nguyễn Xuân Thủy, Đội trưởng Đội Thanh tra số 2 làm tổ trưởng, tiến hành truy quét xe quá tải bằng cân xách tay. Chuyến kiểm tra kéo đến 2h30 sáng hôm sau, đi qua các tuyến QL27 (huyện Cư Kiun), xuyên qua tỉnh lộ 9 (huyện Krông Bông, Krông Pắk) ra QL26. Tại đây, TTGT kiểm tra và không bắt gặp một chiếc xe quá tải nào, duy nhất chỉ có xe tải BKS 47C- 072.26 chở mì nhưng chở đúng tải.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó chánh Thanh tra (Sở GTVT), Trạm trưởng Trạm KTTT lưu động số 53 cho biết, sau khi kết thúc đợt phối hợp cân tải trọng xe giữa TTGT và CSGT, tình trạng xe chở vật liệu xây dựng có dấu hiệu quay trở lại. Sau đó, Chánh TTGT đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo Sở GTVT thực hiện đặt trạm cân để kiểm soát tải trọng ngay đầu mối tập kết cát và gạch tại bãi cát Quỳnh Ngọc và các nhà máy gạch tại xã Ea Bông để xử lý. “Từ khi có trạm cân, tình trạng chở quá tải giảm hẳn, ý thức lái xe và chủ doanh nghiệp cũng được nâng lên. Trước đó, từ đầu năm, TTGT đã tổ chức kí cam kết về tải trọng đối với các doanh nghiệp, tài xế chở vật liệu xây dựng”, ông Toàn chia sẻ.
Xử lý xe quá tải còn gian nan
Cũng theo ông Toàn, thời gian trước đây, khi còn sự phối hợp với lực lượng PC67 thì đơn vị dựng 4 trạm cân tại QL26, QL27, QL14 và tỉnh lộ 2. Nhưng hiện nay, trạm cân chỉ được dựng tại địa điểm là QL27 và tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 8 còn QL14, 26 do Bộ GTVT quản lý nên khó xử lý. Thanh tra của Sở GTVT chỉ có quyền dừng phương tiện vi phạm khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Sở GTVT hiện nay rất mỏng, thiếu phương tiện. Thực tế trong thời gian qua khi không có lực lượng công an phối hợp, khi lực lượng TTGT phát hiện xe tải có dấu hiệu vi phạm và yêu cầu các xe này vào trạm để kiểm tra tải trọng thì đa số các xe đều không chấp hành. Đơn vị cũng đã nhiều lần đề xuất lên UBND tỉnh về quy chế phối hợp giữa Thanh tra Sở và lực lượng Công an”.
Ông Trần Thủ, Chánh TTGT (Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Hiện, tình trạng xe quá tải trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 92%, nhưng còn diễn biến phức tạp. Các xe còn chở quá tải hoạt động rất tinh vi và cho “cò” theo dõi lực lượng chức năng nên không thể xử được. Ngoài xử lý bằng cân xách tay, TTGT đặt trạm cân số 53 trên các tuyến tỉnh lộ 2, QL27 để xử lý. Tuy nhiên, sau khi rút trạm cân đi tuyến khác thì xe chở vật liệu xây dựng có dấu hiệu quá tải lại bùng phát. “Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và lãnh đạo Sở GTVT, TTGT kiên quyết bố trí lực lượng xử lý, quyết tâm dẹp tình trạng xe chở quá tải, chở hàng vượt kích thước thành thùng; Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm tải trọng. Ngoài việc kiểm tra tải trọng xe từ Trạm KTTT lưu động số 53 và tăng cường sử dụng cân xách tay kiểm tra trên tuyến tỉnh lộ 2, TTGT tổ chức thanh tra tại nơi bốc xếp hàng hóa tại khu vực khai thác cát, xử lý nghiêm đơn vị bốc xếp hàng lên xe quá tải trọng cho phép”, ông Thủ cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận