Trung tá Phạm Văn Nhật |
Mô hình đang được Phòng CSGT (PC67 Công an tỉnh Bình Định) triển khai nhân rộng hai năm qua, nhiều tuyến đường giao cắt giữa quốc lộ và đường làng, liên xã được “điện hóa” miễn phí, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, kiềm chế các vụ TNGT.
Đặc thù các tuyến quốc lộ qua Bình Định là có rất nhiều điểm giao cắt khác mức phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Phương tiện lưu thông vào các buổi tối, đêm thường hạn chế tầm quan sát. Không ít vụ TNGT thương tâm đã xảy ra khiến PC67 đề xuất mô hình “thắp sáng quốc lộ” thí điểm đầu tiên tại vị trí Km 1151+500-Km 1153 QL1 (Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn). Hơn 1,5km đoạn tuyến này tại tất cả các trụ điện, PC67 vận động xã hội hóa kêu gọi các DN vận tải trên địa bàn đóng góp, lắp đèn, kéo dây điện miễn phí cho người dân.
Tương tự tại Km 30+800 đến Km 36 (QL19, qua xã Bình Nghi, Tây Sơn, Bình Định) được PC67 triển khai mô hình “thắp sáng đường” hơn năm nay. Trung bình mỗi km cần đến hơn 20 bóng đèn, dây diện với tổng kinh phí hơn 10 triệu đồng. Đường sáng, tầm quan sát thuận lợi nên hầu như số vụ TNGT tại đường làng giao cắt quốc lộ được kéo giảm. Chỉ riêng xã Bình Nghi, trong năm triển khai mô hình “thắp sáng đường” đã không xảy ra vụ TNGT nào, trong khi năm trước đó (15/4/2013-15/4/2014), tại đây xảy ra 8 vụ TNGT, trong đó có ba vụ nghiêm trọng làm chết ba người, 6 người bị thương.
Điện hóa được kéo về thắp sáng các khu vực giao cắt QL và đường làng, giảm thiểu TNGT |
Đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, PC67 đang nhân rộng chương trình này ra nhiều địa điểm khác tại đường làng giao cắt QL19, QL1 để giảm thiểu TNGT, đảm bảo ANTT.
Bên cạnh đó, mô hình “Đường tự quản về ATGT” cũng được PC67 tiến hành đồng thời. Phòng CSGT cắt cử cán bộ chuyên trách, lực lượng thanh niên trực tiếp làm việc với xã Phúc Lộc (Tuy Phước, Bình Định) và các ngành chức năng của huyện, tỉnh để hình thành đội quân “đủ mạnh” triển khai thí điểm mô hình “Đường tự quản về ATGT”. Sự phân cấp giữa các lực lượng liên ngành được tiến hành bài bản, trong đó, Chủ tịch UBND xã được giao thẩm quyền quyết định, chỉ đạo các thành viên phối hợp.
Lực lượng CSGT tăng cường TTKS, xử phạt hành vi vi phạm pháp luật ATGT, tiến hành các chuyên đề xử lý theo kế hoạch; tham mưu ban ATGT tỉnh lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ, pano tuyên truyền, sơn lại vạch kẻ đường, gờ giảm tốc. UBND xã huy động các tổ chức đoàn thể tuyên truyền sâu rộng đến người dân… Những “điểm nóng” về TTATGT và “điểm đen” TNGT trên các tuyến giao thông nông thôn vì thế đã “hạ nhiệt”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận