Xã hội

Những tỷ phú trồng rừng đất Mỏ bỗng chốc trắng tay sau bão dữ

19/09/2024, 14:10

Bão số 3 gây thiệt hại trên 75.500ha rừng trồng ở Quảng Ninh, khiến nhiều người vốn đang là tỷ phú bỗng trắng tay, không có nguồn trả nợ ngân hàng, thuê nhân công khôi phục sản xuất.

Những nỗi đau mất gỗ rừng sau bão 

Hơn một tuần khi bão Yagi đổ bộ, anh Hoàng Văn Thân (ở thôn Đồng Tiến, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả) thẫn thờ nhìn những vạt cây trồng đổ gục, lá úa vàng tại khu rừng của nhà mình trên đồi cao xã Dương Huy, TP Cẩm Phả.

Anh Thân nói như mếu, gia đình anh có 10 anh, chị em. Bình quân mỗi hộ có 20ha rừng. Tất cả đã gần đến ngày thu hoạch thì bão về. Giờ cây bị đổ gãy hết, tính bình quân 70 triệu đồng/ha thì mỗi người thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng. 

Những tỷ phú trồng rừng đất Mỏ bỗng chốc trắng tay sau bão dữ- Ảnh 1.

Bão Yagi đã làm cho trên 7,5 vạn héc ta rừng trồng ở Quảng Ninh đang sinh trưởng tốt bị đốn hạ, khiến nhiều người vốn là tỷ phú bỗng chốc trắng tay.

"Nhiều gia đình vay nợ ngân hàng để mua giống, thuê nhân công, gần đến ngày được thu hoạch thì gãy hết vì bão. Giờ hạn trả tiền ngân hàng sắp đến, chúng tôi không biết làm thế nào?", anh Thân than.

Đứng trên ngọn đồi cao nhìn xuống các cánh rừng trồng ở thôn Đồng Tiến, xã Dương Huy mới thấy được cơn bão Yagi vừa càn qua đã gây hậu quả cho nơi này thật khủng khiếp. 

Những cánh rừng nơi đây trước bão số 3 vốn xanh mơn mởn, chạy tít tắp. Thế mà sau bão, không cây nào còn nguyên vẹn. Từ cây to đến cây nhỏ, cây thì đứt ngọn, cây bật gốc, cây gãy ngang thân... Tất cả đều xác xơ, vàng úa.

Những tỷ phú trồng rừng đất Mỏ bỗng chốc trắng tay sau bão dữ- Ảnh 2.

Anh Hoàng Văn Thân đang cùng với người thân mót nhặt, tận thu một số cây bị gãy đổ còn giá trị.

Trên sườn đồi, chị Hoàng Thị Lâm (ở thôn Tân Hải) đang cùng chồng chặt hạ những cây keo to bị đổ gãy, xót xa kể, gia đình chị có gần 130ha rừng keo đã đến kỳ thu hoạch. 

"Mấy tuần trước bão, có người đến trả 100 triệu đồng/ha thì không bán. Thế rồi bão về quật cho tan tác. 

Giờ vợ chồng tôi đành đi mót lại những cây keo còn tương đối trên đồi nhà mình để chở đi bán. Nhiều người cùng bán nên giá gỗ bị tiểu thương ép xuống rất nhiều. Nếu như trước đây được 100 nghìn đồng/tấn thì sau bão, giá xuống còn 60-70 nghìn đồng. 

Sau bão, thuê nhân công rất khó, vì ai cũng phải khắc phục hậu quả của gia đình mình, nên cả nhà đành phải tự làm", chị Lâm buồn rầu.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Đức Chuyển, Phó chủ tịch UBND xã Dương Huy, TP Cẩm Phả cho biết, bão số 3 làm 1.121,9ha rừng sản xuất của người dân ở địa phương bị thiệt hại.

"Người dân Dương Huy sống chủ yếu dựa vào lâm nghiệp. Thực tế đã có nhiều hộ gia đình giàu lên từ trồng rừng, có tiền tỷ trong tay. Trận bão này đã làm thiệt hại quá lớn cho người dân, nhiều tỷ phú bỗng trở thành con nợ. Chính quyền và bà con rất mong mỏi cơ quan có thẩm quyền sớm có cơ chế hỗ trợ giúp bà con vượt qua khó khăn này", ông Chuyển chia sẻ.

Ở khu 9, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả cũng có nhiều hộ sống chủ yếu bằng nghề trồng rừng. Khi cơn bão số 3 quét qua, hộ ít thì thiệt hại vài tỷ đồng, hộ nhiều thì vài chục tỷ đồng.

Gặp PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Văn Chính ở khu 9 kể, gia đình anh có trên 400ha rừng trồng đã 5 năm. Để có cánh rừng bạt ngàn ấy, anh đã phải vay ngân hàng nhiều tỷ đồng.

Những tỷ phú trồng rừng đất Mỏ bỗng chốc trắng tay sau bão dữ- Ảnh 3.

Hơn 400ha rừng keo 5 năm tuổi của gia đình anh Chính bị xóa sổ sau bão số 3.

"Tiền cây giống, tiền công trồng, chăm sóc 5 năm qua tốn hàng tỷ đồng. Dù nợ nần khá nhiều, nhưng vợ chồng tôi vẫn yên tâm vì cây trồng sắp đến ngày thu hoạch. Thế rồi bão về, cả cánh rừng đang xanh mơn mởn bị đổ rạp hết.

Tính tổng thiệt hại sau vụ bão khoảng 28-30 tỷ đồng, thu hồi lại cũng không đáng bao nhiêu vì cây đổ xuống vài ngày là khô ngay, khó băm được làm dăm gỗ. Giờ gia đình không biết xoay thế nào để có vốn trồng lại rừng, trả nợ", anh Chính thở dài.

Khẩn trương xây dựng cơ chế hỗ trợ người trồng rừng

Theo đánh giá sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, đến ngày 15/9, bão số 3 đã làm thiệt hại 75.567,1ha rừng trồng trên địa bàn. Rừng trồng bị thiệt hại chủ yếu bị gãy ngang thân, đổ rạp hoặc bật gốc. 

Trong đó, diện tích rừng từ 1-5 tuổi bị gãy đổ, người dân sẽ gần như mất trắng, không thể tận thu; đối với diện tích rừng từ 5 tuổi trở lên, có thể tận thu được khoảng 40% giá trị đầu tư.

Những tỷ phú trồng rừng đất Mỏ bỗng chốc trắng tay sau bão dữ- Ảnh 4.

Nhiều hộ trồng rừng ở Quảng Ninh đang bòn nhặt lại những cây có giá trị để thu hồi phần nào vốn sau trận bão số 3.

Điển hình là tại huyện miền núi Ba Chẽ, bão số 3 đã làm trên 18.613ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại, với tổng thiệt hại khoảng 586 tỷ đồng. Trong đó, của các hộ dân là 13.158ha. Diện tích cây lâm nghiệp bị gãy đổ chủ yếu là keo, tuổi từ 2-6 năm tuổi, khiến các chủ rừng gần như mất trắng.

TP Hạ Long cũng là địa phương bị thiệt hại nặng nề về lâm nghiệp do bão số 3. Bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long cho biết, tổng thiệt hại về lâm nghiệp của địa phương ước khoảng 1.155 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về rừng trồng khoảng trên 22.800ha với số tiền 1.140 tỷ đồng, 50ha rừng đặc dụng là rừng tự nhiên khoảng 15 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Trượng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ cho biết, diện tích rừng của doanh nghiệp nằm trải dài trên địa bàn TP Hạ Long và TP Cẩm Phả. Bão số 3 đã làm doanh nghiệp bị thiệt hại trên 4.334ha rừng trồng.

Tổng đầu tư cho diện tích rừng bị thiệt hại là trên 188 tỷ đồng. Nếu tính giá trị thị trường thời điểm hiện tại là 450 tỷ đồng. Hiện, doanh nghiệp không biết phải xử lý thế nào với khoản nợ vay ngân hàng và trả hợp đồng cho đối tác. 

"Do vậy, đông đảo người trồng rừng đều mong mỏi cấp có thẩm quyền sớm có cơ chế hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Bởi nếu chỉ lại ở việc, giãn hoãn vốn vay ngân hàng thì chu kỳ vốn vay, lãi suất vẫn phải trả, trong khi trồng rừng thì không thể đôi ba năm có thể khai thác ngay được.

Trước mắt, chúng tôi kiến nghị tỉnh xem xét cho phép tăng vốn điều lệ cho các công ty lâm nghiệp để vay vốn ngân hàng thương mại có nguồn tái sản xuất; thực hiện giãn nợ từ nguồn vốn ngành than đầu tư trồng rừng; giãn nợ bảo hiểm; miễn giảm một chu kỳ tiền thuế đất", ông Trượng kiến nghị.

Những tỷ phú trồng rừng đất Mỏ bỗng chốc trắng tay sau bão dữ- Ảnh 5.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy lắng nghe kiến nghị của người sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn để triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do bão số 3 gây ra.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Văn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho biết, đơn vị đang bám sát các hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh về việc hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiên tai, dịch bệnh để xây dựng phương án hỗ trợ cho những trường hợp bị thiệt hại sau bão số 3.

"Hiện, Trung ương đã có quy định, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thống kê để hỗ trợ cho người dân theo đúng cơ chế, chính sách", ông Văn cho biết.

Ngày 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản gửi chủ tịch các ngân hàng đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng đang vay vốn chịu ảnh hưởng do cơn bão số 3.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, qua thống kê của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, có 9.683 khách hàng, với tổng dư nợ bị thiệt hại là 10.982,4 tỷ đồng.

Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, khôi phục hoạt động, ổn định đời sống, có nguồn lực để trả nợ cho ngân hàng, hạn chế những ảnh hưởng đến kinh tế và hoạt động của các ngân hàng thương mại, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị chủ tịch hội đồng quản trị các ngân hàng, đề xuất hội đồng thành viên các ngân hàng có các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng bày tỏ mong muốn được làm việc trực tiếp với lãnh đạo các ngân hàng, cùng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng đang vay vốn.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.