Quản lý

Thất thu thuế lớn từ xe trá hình

09/01/2024, 10:12

Việc các nhà xe hợp đồng chạy trá hình tuyến cố định, không vào bến, không xuất vé cho khách, không thông báo chuyến đi với cơ quan quản lý đã khiến Nhà nước thất thu lượng thuế lớn.

Theo quy định, các doanh nghiệp vận tải phải nộp hai loại thuế là thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có lãi). Tuy nhiên, sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, PV Báo Giao thông phát hiện nhiều lỗ hổng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp vận tải trá hình tuyến cố định. Việc này không chỉ gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh thiếu công bằng mà còn khiến ngân sách Nhà nước thất thu rất lớn.

Kỳ 1: Đủ chiêu trò né thuế

Nhiều nhà xe tổ chức thu tiền tươi của khách mà không xuất vé, dùng đủ chiêu trò để qua mặt cơ quan chức năng khiến cơ quan quản lý không thể thu được thuế.

Thu tiền ngay trên xe

Nhiều ngày trực tiếp "mục sở thị" các chuyến xe hợp đồng trá hình của các nhà xe 17 Plus limo, Hà Hải limousine (tuyến Hà Nội - Thái Bình) và Sơn Hải limousine (tuyến Hà Nội - Hải Phòng), Kim Mạnh Hùng (TP.HCM - Đồng Nai), PV ghi nhận điểm chung của những nhà xe này là khoán trắng việc thu tiền vé cho tài xế.

Thất thu thuế lớn từ xe trá hình- Ảnh 1.

Xe Hưng Long chạy trá hình tuyến cố định Hà Nội - Quảng Bình biến đường Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thành bến cóc đón, trả khách. Ảnh: Yến Chi.

Đơn cử, tại TP.HCM, sáng 31/12, PV có mặt văn phòng chi nhánh của nhà xe Kim Mạnh Hùng tại địa chỉ 450L Điện Biên Phủ, phường 21, quận Bình Thạnh. Qua quan sát, cứ khoảng 30 - 40 phút lại có một chuyến xe xuất phát về Đồng Nai.

9h15, PV được nhân viên hối lên xe BKS 50F - 022.11, khách ngồi kín 30 chỗ, đi được một đoạn, tài xế tấp xe vào lề đường, thu tiền trực tiếp khách 120 nghìn/người.

Khi khách hỏi vé, tài xế đưa một mảnh giấy ghi "Kim Mạnh Hùng" và các số điện thoại liên lạc.

11h05 cùng ngày, PV lên xe BKS 50F - 022.34 cũng của nhà xe này từ Xuân An (TP Long Khánh, Đồng Nai) về TP.HCM, nhân viên tiếp tục thu tiền tươi 25 hành khách với giá 110.000 đồng/người.

Thắc mắc sao thu tiền không có vé xe, lái xe hậm hực: "Tiền đã thu anh rồi, anh lấy vé làm gì nữa" rồi liên tục trả khách dọc đường suốt hành trình về điểm cuối tại 34C Nguyễn Duy Dương, phường 8, quận 5.

Ở phía Bắc, sáng 7/11, sau khi đón PV cùng 3 hành khách khác tại 3 điểm ở nội thành Hà Nội, tài xế xe limousine Hà Hải BKS 17B - 021.53 vừa lái xe vừa thu tiền vé từng người với giá 155.000 đồng/người.

Trong khi đó, tài xế xe 17Plus limo BKS 17F – 000.62 lại trực tiếp thu tiền PV và 7 hành khách khác ngay trong sân đỗ xe của văn phòng ở Thái Bình với giá vé 125.000 đồng/người.

Nhà xe Hoàng Long thậm chí còn dùng app để xác nhận đặt chỗ, thu tiền vé trực tuyến khách lẻ với giá 250.000 đồng/ghế. Sau khi thanh toán, PV nhận được một vé điện tử, ghi rõ mã vé, họ tên hành khách, số điện thoại đặt vé, địa chỉ nơi đón và nơi trả, thông tin ngày giờ chuyến xe.

Đáng chú ý, hầu hết các nhà xe hợp đồng trá hình đều có xu hướng lập văn phòng để giao nhận hàng hóa nhưng thực chất là "bến cóc" để đón, trả khách.

Khai khống giá trị hợp đồng vận chuyển

Việc các nhà xe hợp đồng chạy trá hình tuyến cố định, không vào bến, không xuất vé cho khách, không thông báo chuyến đi với cơ quan quản lý đã khiến Nhà nước thất thu lượng thuế lớn.

Thất thu thuế lớn từ xe trá hình- Ảnh 2.

Nhân viên nhà xe Hưng Long thu tiền trực tiếp của người đi xe tại văn phòng ở đường Đình Thôn, Hà Nội.

Ngày 29/12, PV trực tiếp ghi nhận 2 chiều đi/về trên chiếc xe hợp đồng trá hình BKS 60F - 001.55 của nhà xe Trường Thịnh (tỉnh Đồng Nai) chuyên tuyến TP Biên Hòa - sân bay Tân Sơn Nhất và ngược lại. Tuy nhiên, chỉ duy nhất 1 lần tài xế đưa cho hành khách bản hợp đồng để khách tự ghi họ tên, năm sinh hòng qua mặt lực lượng chức năng.

Mỗi chuyến đi có từ 4 - 5 hành khách, nhà xe này thu vé 140.000 đồng/người nhưng mặc định nội dung hợp đồng giữa bên A là Công ty TNHH An Phú Trường Thịnh (địa chỉ phường Tân Mai, Biên Hòa, Đồng Nai) và bên B là hành khách (người đại diện là Ngô Thị Hải Yến - một hành khách có mặt trên chuyến xe); bà Nguyễn Thị Huyền Trang là người đại diện Công ty TNHH An Phú Trường Thịnh ký tên đóng dấu.

Tài xế nhà xe này cho biết trung bình mỗi ngày một tài xế chạy từ 2 - 4 chuyến tùy lượng khách. Các hợp đồng đều do nhà xe làm sẵn, chuyển cho hành khách ghi họ tên để trình bày với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra dọc đường. Hành khách đều là khách lẻ, không phải thuê nguyên chuyến.

Hoạt động rầm rộ, 5 năm không phát sinh thuế, phí

Tại văn phòng Công ty TNHH Vận tải Minh Anh địa chỉ ở hồ Xương Rồng, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, mỗi ngày đều duy trì khoảng 30 chuyến xe vận chuyển khách từ Thái Nguyên đi Hà Nội và ngược lại.

Thất thu thuế lớn từ xe trá hình- Ảnh 3.

Tài xế xe Hà Hải limousine trá hình tuyến cố định Hà Nội - Thái Bình thu tiền trực tiếp hành khách trên xe. Ả̉nh: Yến Chi.

Nhân viên nhà xe cho biết, doanh nghiệp có 12 xe 16 chỗ duy trì hoạt động với tần suất 1h/chuyến, thời gian hoạt động từ 5 - 21h trong ngày.

Ông Phạm Huy Cường, giám đốc công ty cho biết, đơn vị có cung cấp dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng không duy trì tổng đài đặt vé, không sử dụng xe 16 chỗ chở khách mà chỉ có 6 xe 4 chỗ; "là xe cá nhân nên nên không cần được cấp phép" (?!).

Tuy nhiên, theo Sở GTVT Thái Nguyên, tuy sở này không cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải cho Công ty Minh Anh song cá nhân ông Cường đã được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với 13 xe từ 10 - 17 chỗ. Qua trích xuất dữ liệu giám sát hành trình, chỉ có 3 xe còn tín hiệu, số còn lại đã bị ngắt kết nối.

Thực tế theo ghi nhận, trong số 10 xe công ty này đang duy trì vận chuyển khách không có xe nào nằm trong số 13 xe đã được cấp phù hiệu trên.

Với tần suất 30 chuyến/ngày, trung bình mỗi chuyến có từ 5 - 7 khách, nhà xe này có thể thu về 24 - 34 triệu đồng/ngày, khoảng 1 tỷ đồng mỗi tháng và mỗi năm doanh thu cả chục tỷ đồng. Như vậy, nếu tính đúng, tính đủ, mức thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế khoán của hộ kinh doanh trên phải nộp có thể lên đến cả chục triệu đồng mỗi năm.

Ông Đỗ Xuân Tám, Chi cục trưởng Chi cục thuế TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua kiểm tra, Công ty Minh Anh và hộ kinh doanh Phạm Huy Cường đều đã nghỉ kinh doanh, không kê khai nộp thuế từ năm 2018 đến nay. Sau khi nhận được văn bản đề nghị cung cấp thông tin của Báo Giao thông, Chi cục đã nhiều lần mời ông Cường đến làm việc nhưng không được hợp tác. Chỉ có bà Nguyễn Thị Ngọc Châm, vợ ông Cường đại diện cho gia đình đến kê khai, nộp thuế.

Theo đó, năm 2023, bà Châm khai doanh thu chỉ đạt 180,9 triệu đồng, số thuế phải nộp là 8,3 triệu đồng; năm 2022 doanh thu đạt 120,6 triệu đồng, số thuế phải nộp là 4,8 triệu đồng…

Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên khẳng định, bà Châm là hộ kinh doanh độc lập với ông Cường, được Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên cấp phép 6 xe hợp đồng. Song hiện cả bà Châm và ông Cường đều không gửi hợp đồng vận chuyển khách các xe được cấp phù hiệu về email của sở trước khi vận chuyển khách theo quy định.

Thất thu thuế vat bằng "phiếu thông tin"

Ở tuyến Hà Nội - Quảng Bình, theo trang web bán vé xequangbinh.vn của nhà xe Hưng Long ngày 19/11, từ văn phòng ở Đình Thôn (Hà Nội) về Quảng Bình có 11 chuyến (5 chuyến giường truyền thống, 3 chuyến giường luxury và 3 chuyến limousine); tại văn phòng ở Trần Khát Chân và Hà Đông mỗi nơi có 2 chuyến (1 giường truyền thống, 1 limousine). Ở chiều ngược lại, có 9 chuyến xuất phát từ văn phòng Lý Thường Kiệt (Quảng Bình) - Hà Nội.

Dựa trên số giường hành khách đã đặt tới thời điểm 11h45 trưa 19/11, với mức giá 350.000 đồng/vé xe luxury, 300.000 đồng/vé xe truyền thống và 500.000 đồng/vé xe limousine, tổng doanh thu từ bán vé trong ngày của nhà xe này khoảng 232 triệu đồng.

Theo Nghị định số 139/2016, với hoạt động kinh doanh vận tải, hiện các doanh nghiệp phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) theo công thức: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = Số thuế giá trị gia tăng đầu ra (tổng doanh thu bán vé) - Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ (chi phí xăng dầu, cầu đường, lốt bến, văn phòng tại bến, lương nhân viên…). Nếu chi phí đầu vào cao hơn tổng doanh thu bán vé, đơn vị vận tải không phải nộp thuế VAT.

Song, theo kế toán một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, cách tính này chỉ phù hợp và áp dụng chuẩn xác đối với doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định khi doanh thu và các chi phí đầu vào được kê khai một cách minh bạch.

Với các xe hợp đồng trá hình, thu tiền trực tiếp hành khách, không xuất vé, không kê khai chuyến đi đồng nghĩa với không có doanh thu. Thậm chí họ vẫn kê khai chi phí đầu vào dẫn đến chi phí đầu vào thường cao hơn chi phí đầu ra và không phải nộp thuế.

Chỉ tính riêng việc không kê khai chuyến đi, doanh nghiệp nghiễm nhiên không phải đóng thuế VAT từ doanh thu chuyến đi đó, tương đương 8% tổng doanh thu giá vé.

Đối chiếu với xe Hưng Long, với việc không có hợp đồng, chỉ đưa cho hành khách tờ phiếu ghi "mã đoàn" để lên xe rồi thu lại ngay, doanh nghiệp không kê khai vé bán do hoạt động trá hình, ngân sách Nhà nước có thể bị thất thu 18,56 triệu đồng trong ngày 19/11 từ tiền thuế VAT tính trên vé xe (8% tổng doanh thu bán vé trong ngày), chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tương tự, tuyến Hà Nội – Thái Bình, mỗi ngày 17 Plus Limo có từ 30 - 60 chuyến xe đi/về từ 5h sáng đến 20h, trung bình 1 tiếng có 1 - 2 chuyến. Xe limousine nhà xe này sử dụng là xe loại 16 chỗ ngồi, nếu chỉ tính trung bình mỗi chuyến có khoảng 10 hành khách, giá vé 125.000 đồng/người, mỗi chuyến đi thu về 1,25 triệu đồng, tổng tiền thu một ngày khoảng 37,5 – 75 triệu đồng.

Song nhà xe khoán trắng việc thu tiền tươi từng hành khách cho tài xế. Khi PV đề nghị được lấy vé về thanh toán, nhân viên chỉ đưa cho 1 tờ phiếu thu trống để tự ghi thông tin, giá tiền và gần như không có giá trị về thuế.

Với việc không xuất vé, mỗi ngày, Nhà nước có thể thất thu nhiều triệu đồng thuế VAT trên vé từ nhà xe này.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho biết, mỗi ngày có hàng vạn xe hợp đồng chạy trá hình như tuyến cố định khiến quy hoạch vận tải đường bộ của các địa phương bị phá vỡ nghiêm trọng, còn Nhà nước thì mất trắng hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế mỗi năm.

Theo tính toán, mỗi chiếc xe 9 chỗ, trung bình doanh thu tối thiểu phải đạt 40 triệu đồng/tháng; xe từ 9 - 45 chỗ phải đạt 60 triệu đồng/tháng; xe giường nằm phải đạt 150 triệu đồng/tháng mới hòa vốn.

Theo ông Phạm Bá Tuyên, Giám đốc bến xe liên tỉnh Đắk Nông, mỗi chuyến xe kí lệnh xuất bến đóng 45.000 đồng. Nếu nhà xe Hoàng Kim khai thác tối thiểu theo quy định là 70% số nốt tài đăng kí thì mỗi ngày bến thu được 3,78 triệu đồng. Song việc bỏ ra ngoài chạy dù đã khiến bến thất thu khoản này, đồng nghĩa với việc Nhà nước thất thu thuế.

Theo thống kê của Cục Đường bộ VN, hiện cả nước có 240.000 xe kinh doanh vận tải theo loại hình hợp đồng, chiếm đến 70% số lượng xe kinh doanh vận tải trong cả nước. Lấy doanh thu nhân với số lượng phù hiệu cấp cho xe hợp đồng và nhân với 12 tháng/năm thì doanh thu thực tế Nhà nước chưa quản lý được là con số rất lớn.

Thất thu thuế rất lớn

Đại diện một nhà xe tuyến cố định từ Đà Nẵng đi phía Nam cho hay, mỗi xe khách tuyến cố định khi xuất bến sẽ phải đóng phí khoảng 8.300 đồng/khách (đã bao gồm thuế) theo phê duyệt của cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Trịnh Xuân Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch và Vận tải Vân Anh (chuyên tuyến cố định Hà Nội - Thanh Hóa) cũng cho biết, để vào bến, đơn vị vận tải tuyến cố định phải mất chi phí phòng vé, xe ra vào bến, phơi lệnh, tăng thêm phương tiện để trung chuyển khách từ bến xe vào nội thành.

Trong khi đó, các xe hợp đồng trá hình không phải chịu những khoản này, còn giá vé tuyến cố định cũng không cao hơn các loại xe dù, xe trá hình, từ đó tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng.

Tại Hải Phòng, Sở GTVT thành phố cho biết, qua rà soát, xác định có 166 xe limousine đăng ký loại hình xe hợp đồng bao gồm: Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long có 29 xe; Công ty TNHH TMSX&DV Hoàng Phương có 13 xe; Công ty TNHH DL&VT Phương Huy có 14 xe…

Cùng đó, lượng xe limousine từ các tỉnh, thành phố lân cận đưa về Hải Phòng, lập văn phòng "cắm chốt" cũng không dưới 100 xe, đơn cử như Công ty Vận tải Sơn Hải, Anh Huy (ở Hà Nội).

Các nhà xe đều có tổng đài phục vụ, mỗi khi khách có nhu cầu, họ hỏi tên tuổi khách, điền sẵn vào hợp đồng để đối phó; có nhà xe còn lập ra hoặc liên kết với các công ty dịch vụ du lịch để thu gom, bán lại khách cho các nhà xe limousine bằng các hợp đồng vận chuyển để qua mặt lực lượng chức năng.

"Thậm chí, họ còn nhờ chính hành khách nói dối lực lượng chức năng để bảo vệ nhà xe… Đây là những chiêu thức lách luật, biến xe hợp đồng hoạt động như xe tuyến cố định, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý", Sở GTVT Hải Phòng nhìn nhận.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải BUS Hải Phòng, đơn vị quản lý Bến xe khách Vĩnh Niệm, cho biết, do xe hợp đồng trá hình phát triển rầm rộ đã khiến lượng khách vào bến xe chỉ còn 30-40%, nhiều chủ xe đã bỏ bến, bán xe khách, mua xe limousine chạy trá hình cạnh tranh lẫn nhau.

Không chỉ các tuyến dưới 100km Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến trên 150km như Hải Phòng - Móng Cái; Hải Phòng - Lạng Sơn... đến nay cũng nở rộ xe trá hình.

Kẽ hở bị lợi dụng

Đại diện một đơn vị kiểm toán tư nhân cho biết, thực tế, khi doanh thu vận tải hành khách không thể hiện bằng cuống vé và hóa đơn bán hàng, các doanh nghiệp vận tải hoàn toàn có thể khai báo với cơ quan thuế mức doanh thu khác so với thực tế, thậm chí là con số âm về lợi nhuận sau thuế.

"Từ đó, họ né tránh việc nộp thuế, hệ lụy này còn ảnh hưởng đến khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong nhiều năm tài chính sau đó. Bởi mỗi lần kết chuyển các khoản lỗ cũ, năm tài chính tiếp theo của doanh nghiệp lại có nguy cơ rơi vào tình trạng lợi nhuận khiêm tốn hoặc lỗ tiếp", vị này cho biết.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.