Cùng viết nên những điều kỳ diệu
Mới đây, câu chuyện về em Bùi Ngọc Thạch hồi tỉnh sau hơn hai năm hôn mê vì căn bệnh viêm não Nhật Bản nằm điều trị tại phòng Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình khiến nhiều người xúc động. Đằng sau điều kỳ diệu đó, có sự góp mặt của chính sách BHYT. Suốt hai năm qua, sự sống của Thạch vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc hỗ trợ. Cách đây vài tuần, Thạch đã có những dấu hiệu khả quan đầu tiên… Tâm sự về những khó khăn trong suốt hai năm ròng rã chăm con, ông Bùi Văn Diệc (bố em Thạch) nói: “Điều may mắn khi phát hiện mắc bệnh hiểm, Thạch có BHYT học sinh, sau đó vì gia đình thuộc hộ nghèo nên 100% chi phí điều trị cho cháu được quỹ BHYT chi trả hết. Chỉ tính riêng 6 tháng nằm ở Bệnh viện Nhi T.Ư, chi phí đã hơn 400 triệu đồng rồi. Chưa kể thêm hơn một năm ròng nằm điều trị tại bệnh viện tỉnh và còn thời gian sau này nữa… Không có BHYT thì thật lòng gia đình dù có quyết tâm cũng đành đầu hàng số phận”.
Cách đây hơn hai tháng, câu chuyện về chị Nguyễn Thị Liên (28 tuổi, Lý Nhân, Hà Nam) mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối, quyết tâm dành sự sống cho đứa con trong bụng đã gây xúc động mạnh mẽ với hàng triệu người. Trong hành trình đầy sự hy sinh vì con của chị Liên có sự đồng hành của chính sách BHYT… Theo chia sẻ của chị Liên, hiện hàng tuần chị lên Bệnh viện K Tân Triều điều trị 3 - 4 ngày rồi về bên con và gia đình. Chi phí dịch vụ y tế, điều trị mỗi tuần rất tốn kém, trung bình từ 20 - 60 triệu đồng, ngoài khả năng tài chính của gia đình. May mắn là quỹ BHYT chi trả 80% tổng số chi phí đó, còn lại “Quỹ vì ngày mai tươi sáng” hỗ trợ cho gia đình. “Chúng em rất cảm ơn sự đồng hành của BHYT và sự hỗ trợ của cộng đồng nên chi phí gia đình bỏ ra mua thêm thuốc không quá lớn. Nếu không chúng em phải bán đất, vay mượn cũng không đủ tiền đi viện”, chị Liên cho biết.
Tương tự là trường hợp bệnh nhân mắc ung thư vú Thủy Tiên đang điều trị tại Bệnh viện K T.Ư. Trao đổi với PV Báo Giao thông, chị Trần Thị Hà (mẹ của Tiên) cho biết: “Con gái tôi phát hiện mắc căn bệnh ung thư vú cách đây 5 tháng. Con bé đã trải qua một ca phẫu thuật và 10 mũi truyền, dù đã có BHYT và đồng chi trả 20% nhưng mỗi mũi truyền vẫn còn đóng gần 7 triệu đồng. Mà bác sĩ bảo phác đồ điều trị này sẽ còn kéo dài cả năm”. Mới đây, được sự tư vấn của cán bộ y tế, chị Hà đã làm thủ tục với cơ quan BHXH để con gái được hưởng chi trả 100%. “Đỡ được đồng nào hay đồng đó cô ạ. Gia đình tôi, hai vợ chồng cùng làm công chức, thường ngày tằn tiện đủ chi tiêu cho hai con ăn học, giờ con mắc trọng bệnh, khó khăn chồng chất. May còn có BHYT”, chị Hà chia sẻ.
Vừa làm xong thủ tục xuất viện, chị Nguyễn Thị Toan (ở xã Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Ninh) cho hay: “Mẹ tôi mới phẫu thuật thay van tim hai lá tại Bệnh viện Bạch Mai chi phí 115 triệu đồng, nhưng BHYT đã chi trả 95% tổng chi phí khám. Gia đình khó khăn, nên khi mới nghe về chi phí phẫu thuật, mẹ tôi nhất mực từ chối đi viện. Nhưng khi biết được thẻ BHYT do Nhà nước cấp sẽ chi trả gần như toàn bộ số tiền trên, bà mới chấp nhận chữa bệnh”.
BHYT là cứu cánh cho bệnh nhân nghèo
Theo ông Phan Văn Toàn, Vụ BHYT (Bộ Y tế), trên thực tế, nguy cơ bệnh tật đang có chiều hướng gia tăng, trong khi giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng dần theo mức tính đủ các yếu tố, thì việc tham gia BHYT là một lựa chọn sáng suốt. Việc tham gia BHYT không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí khám, chữa bệnh đối với từng người dân.
Cũng theo thống kê của Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam), thời gian qua, nhiều bệnh nhân đã được Quỹ BHYT chi trả tiền khám, chữa bệnh lên tới hàng tỷ đồng. Điển hình như bệnh nhân N. có mã số BHYT: BT286862162XXX, tổng số tiền điều trị được Quỹ BHYT thanh toán lên tới hơn 12,9 tỷ đồng. Dự kiến, số chi phí điều trị cho bệnh nhân này sẽ còn tăng cao; Bệnh nhân Đào Văn H. (Thái Nguyên) có mức chi từ Quỹ BHYT lên tới 4,8 tỷ đồng)… Bên cạnh đó, hàng chục trường hợp bệnh nhân khác khi không may ốm đau, bệnh tật cũng được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị từ 100 triệu đồng trở lên.
Theo Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, thực hiện khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, tai nạn. Hiện nay, ở nước ta, tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025. Đây là kết quả có được từ chính sách BHYT và là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận