Với việc giá thép tăng phi mã, nhà thầu thi công phần cầu (giá trị xây lắp khoảng 400 tỷ đồng) thuộc gói thầu XL-03 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ước tính lỗ khoảng 40 tỷ đồng
Hàng loạt doanh nghiệp (DN) lớn thi công tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang đối mặt nguy cơ thua lỗ nặng khi nguồn vật liệu phục vụ thi công đồng loạt tăng giá, đặc biệt là giá thép tăng đến 70% mức giá tại thời điểm bỏ thầu.
Giá thép “nhảy múa” chóng mặt
Vài tháng qua, các phòng họp tại trụ sở TCT Thăng Long luôn sáng đèn nhằm tìm giải pháp ứng phó “bão” giá thép. Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổng giám đốc TCT Thăng Long cho biết, đang tổ chức thi công 13 cây cầu lớn nhỏ, 22 cống chui dân sinh tại hai gói thầu XL-01 (cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và XL04 (cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) với nhu cầu sử dụng khoảng 2.000 tấn thép.
“Thời điểm đấu thầu, giá thép khoảng 12.600 đồng/kg. Nay nhà cung cấp báo giá 18.000 đồng/kg. Với mức giá này, ước tính nhà thầu sẽ thua lỗ hàng chục tỷ đồng tại hai gói thầu này”, ông Kiên nói.
“Giá thép đang nhảy múa chóng mặt”, ông Hồ Sỹ Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính nói khi mở đầu câu chuyện với PV Báo Giao thông. Theo ông Hòa, chỉ tính riêng thép Hòa Phát từ ngày 3/12/2020 đến nay đã 28 lần tăng giá với biên độ mỗi lần từ 300.000 - 500.000 đồng/tấn.
Cụ thể, giá thép Hòa Phát vào thời điểm ngày 3/12/2020 có giá 11.600 đồng/kg, đến ngày 12/5/2021, giá thép tại nhà máy (chưa VAT) được báo giá 17.250 đồng/kg.
“Tại gói thầu XL-03 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chúng tôi đảm nhiệm thi công phần cầu với giá trị xây lắp khoảng 400 tỷ đồng, ước tính sẽ lỗ khoảng 40 tỷ đồng do thép tăng giá phi mã”, ông Hòa nói.
Nguy cấp nhất là VINACONEX khi đảm nhiệm vai trò nhà thầu đứng đầu liên danh tại 3 gói thầu lớn nhất thuộc 3 dự án đầu tư công cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mai Sơn - QL45. Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc VINACONEX cho biết, khối lượng thép để phục vụ thi công các gói thầu này khoảng 58.316 tấn.
“Giá thép tại thời điểm ký hợp đồng 3 gói thầu dao động từ 11.300 - 12.120 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thép trung bình tháng 5/2021 được các nhà cung cấp báo giá khoảng 17.395 đồng. Trước tình trạng giá thép tăng chóng mặt như hiện nay, chúng tôi ước tính giá trị bù lỗ của các nhà thầu tại 3 gói thầu này khoảng hơn 337 tỷ đồng”, ông Hải chia sẻ.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, tháng 9/2020, khi bỏ thầu gói XL-13 cao tốc Mai Sơn - QL45, giá thép trên thị trường khoảng 11.000 đồng/kg.
Đến tháng 12/2020, nhà thầu bắt đầu triển khai thi công, giá thép mua vào đã tăng lên 12.000 đồng/kg. Gần nhất, ngày 21/5/2021, nhà cung cấp báo giá thép cho Công ty Phương Thành lên tới 19.500 đồng/kg, tăng khoảng 70 - 80% so với giá bỏ thầu.
“Cầu Vĩnh An thuộc gói thầu XL-13 cao tốc Mai Sơn - QL45 có giá trị xây lắp khoảng 212 tỷ đồng, nhưng giá trị thép đã chênh lệch so với giá bỏ thầu khoảng 30 - 40 tỷ đồng, chưa kể các vật liệu khác như xi măng cũng đang tăng thêm khoảng 30.000 đồng/tấn”, ông Khôi giãi bày.
Đề nghị được bù giá trực tiếp
Một cây cầu thuộc gói thầu XL-01 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang được TCT Thăng Long tổ chức thi công
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) cho biết, tất cả gói thầu xây lắp thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công đều áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá.
Chỉ số giá do các địa phương công bố làm cơ sở để cơ quan chức năng điều chỉnh giá các gói thầu. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhiều tỉnh, thành chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng hoặc có công bố nhưng giá và chỉ số giá không theo kịp giá thị trường.
“Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương đôn đốc việc công bố giá, chỉ số giá và báo cáo về tình hình biến động trượt giá của vật liệu xây dựng. Về phía Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA khẩn trương báo cáo vướng mắc về tình hình biến động giá vật liệu, nhất là giá thép trong quá trình thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam để sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu”, ông Tiến nói.
Ông Hồ Ngọc Loan, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, theo dự toán được duyệt, giá vật liệu thép trung bình tại cao tốc Mai Sơn - QL45 khoảng 11.650 đồng/kg.
Trong khi đó, giá thị trường các nhà thầu mua thực tế trung bình hiện nay khoảng 18.600 đồng/kg. Việc biến động tăng giá thép dẫn tới tăng giá dự toán đối với dự án Mai Sơn - QL45 khoảng 572 tỷ đồng, trong khi tổng chi phí dự phòng của các hợp đồng xây lắp là 726,69 tỷ.
“Biến động giá vật liệu thép chưa vượt chi phí dự phòng của các gói thầu xây lắp, vì vậy chưa ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Mai Sơn - QL45”, ông Loan cho biết.
Tương tự, biến động tăng giá thép dẫn đến tăng giá trị dự toán của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây lên khoảng 203 tỷ đồng, tổng chi phí dự phòng của các hợp đồng xây lắp của dự án là 462,17 tỷ đồng. Do vậy, chưa ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án.
Tuy nhiên, ông Loan nhận định, với đà tăng giá thép có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ, tổng mức đầu tư của các dự án trong thời gian tới khi các công trình hầm, cầu lớn bước vào giai đoạn thi công kết cấu chính như: Vỏ hầm, thân trụ, dầm đúc hẫng, dầm Super-T…
Ban QLDA Thăng Long đề xuất Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Sở xây dựng các tỉnh, thành ban hành công bố giá, chỉ số giá theo tháng sát với thực tế thị trường để ban có cơ sở điều chỉnh giá trong quá trình thi công, kịp thời tháo gỡ một phần khó khăn về tài chính cho các nhà thầu.
“Trường hợp chỉ số giá của các địa phương không phản ảnh kịp thời sự biến động của vật liệu, Ban QLDA Thăng Long kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng hình thức điều chỉnh giá từ chỉ số giá sang phương pháp bù giá trực tiếp”, ông Loan cho hay.
Về phía nhà thầu, ông Phạm Văn Khôi cho biết thêm, năm 2008 cũng xảy ra tình trạng “bão giá”, khi đó, các nhà thầu cũng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh giá từ phương pháp điều chỉnh theo chỉ số giá sang bù giá trực tiếp.
“Hợp đồng các gói thầu dự án cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công quy định điều chỉnh giá theo chỉ số giá. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp trong điều kiện giá vật tư, vật liệu nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Với việc tăng giá thép như hiện nay nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, nên cần thay đổi phương pháp điều chỉnh giá từ phương pháp chỉ số giá sang phương pháp bù giá trực tiếp để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu”, ông Khôi đề xuất.
Triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Bộ Công thương cho biết, giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao đã làm cho giá thép thành phẩm tăng theo, ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất liên quan. Giá thép tăng sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng giá gói thầu và hợp đồng xây dựng, phá vỡ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn của Chính phủ, làm tăng chi ngân sách, ảnh hưởng đến tài khóa năm 2021.
Để từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc bộ nghiên cứu xây dựng hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; Chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế...
Hồng Hạnh
TS. Trần Hồng Mai, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng):
Điều chỉnh giá xây dựng được tính thế nào?
Theo các văn bản quy định pháp luật hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đối với loại hợp đồng xây dựng theo hình thức hợp đồng trọn gói áp dụng đơn giá cố định sẽ không được điều chỉnh giá. Còn đối với hợp đồng xây dựng áp dụng hình thức đơn giá điều chỉnh sẽ có hai phương pháp thực hiện, gồm: Điều chỉnh theo chỉ số giá và điều chỉnh bằng phương pháp bù giá trực tiếp.
Điều chỉnh giá theo phương pháp chỉ số giá sẽ căn cứ vào chỉ số giá do địa phương công bố dựa trên cơ sở biến động giá nguyên vật liệu: Thép, xi măng… Trong dự toán các gói thầu đều có hệ số, chỉ số điều chỉnh từng thành phần chi phí. Khi các địa phương công bố chỉ số giá, chủ đầu tư, nhà thầu sẽ lấy giá trị thanh toán nhân với mức giá điều chỉnh. Đối với phương pháp bù giá trực tiếp, trên cơ sở khối lượng bóc tách khối lượng vật liệu của từng gói thầu, chủ đầu tư, nhà thầu lấy mức giá thực tế trừ đi mức giá tính trong đơn giá dự thầu nhân với khối lượng thực hiện sẽ ra giá trị bù giá.
Đình Quang (Ghi)
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương):
DN thép cần rà soát hệ thống phân phối để ổn định nguồn cung
Giá thép thời gian qua chịu tác động mạnh của thị trường thế giới, đặc biệt là việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, sự phục hồi nhu cầu thép của thị trường Trung Quốc.
Để hạn chế tác động của việc tăng giá thép, các DN thép cần phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức và rà soát hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đưa thép đến tay người tiêu dùng với chi phí hợp lý. Các sản phẩm thép thô (đặc biệt là phôi thép) và thép cuộn cán nóng (HRC) cần ưu tiên đáp ứng cho nhu cầu thị trường trong nước.
Các mặt hàng thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, ống thép hàn, năng lực sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, có thể dành một phần để xuất khẩu.
Hồng Hạnh (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận