Ngày càng nhiều tàu lớn vào khu vực
Là cảng biển lớn nhất miền Bắc, luồng hàng hải Hải Phòng luôn được chú trọng duy tu, nạo vét để đón các tàu vào làm hàng. Trong đó, đoạn kênh Hà Nam được nạo vét thường xuyên để đảm bảo độ sâu chuẩn tắc duy trì -7m, bề rộng luồng đạt 80m. Đây là tuyến luồng hàng hải đặc biệt quan trọng, đưa các tàu vào các cảng biển khu vực Đình Vũ.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết hiện nay, các cảng biển ở thượng lưu kênh Hà Nam (khu vực Bạch Đằng, sông Cấm) chiếm tới 90% sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng. Khu vực Lạch Huyện (với hai bến 1, 2 đang hoạt động) đảm nhận khoảng hơn 10% sản lượng hàng hóa thông qua.
Thế nhưng, một trong những "nút thắt" của hoạt động hàng hải tại khu vực này là luồng hàng hải còn hẹp và nông, điển hình là kênh Hà Nam. Với độ sâu -7m, các tàu có trọng tải khoảng trên 25.000 DWT gặp những khó khăn nhất định khi đi qua luồng.
Theo các chuyên gia, khu bến Đình Vũ (ở thượng lưu kênh Hà Nam) có khoảng 10 bến cảng đang hoạt động tiếp nhận tàu tổng hợp và container, có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất đến 50.000 DWT (tàu phải giảm tải do luồng cạn). 10 năm trở lại đây, cỡ tàu vào khu vực này đã tăng gấp 3 lần so với trước đây. Các trọng tải tàu phổ biến hiện khoảng 30.000 DWT, có mớn nước khoảng 8,5m.
Thực tế, theo Hiệp hội Logistics Hải Phòng, ngoài việc xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Mỹ, châu Âu bằng các tàu mẹ cỡ lớn, phần lớn nguyên vật liệu được chuyển về Việt Nam từ các nước Đông Á và Bắc Á, nên việc khai thác bằng các cỡ tàu 30.000 DWT vẫn phổ biến, không riêng ở khu vực Hải Phòng.
Điển hình, đi vào hoạt động từ năm 2018, cảng Nam Đình Vũ ngày càng đón được nhiều tàu ra vào cảng làm hàng và sản lượng hàng qua cảng cũng liên tục tăng trưởng. Thống kê cho thấy, từ hơn 3 triệu tấn hàng vào năm 2020, sản lượng hàng qua cảng biển này đã đạt hơn 4,6 triệu tấn vào năm 2022. Kích cỡ tàu ra vào càng cũng ngày càng tăng.
Chỉ trong 3 năm từ 2020-2022, tỷ lệ tàu có trọng tải từ 35.000-40.000 DWT ra vào cảng biển này đã tăng từ 0% (năm 2020) lên 11,8% (năm 2022).
Bởi thế, luồng kênh Hà Nam duy trì độ sâu -7m và có nhiều thời điểm luồng bị cạn hơn (trước khi nạo vét duy tu) đã khiến các tàu có mớn nước trên 8,5m phải neo chờ thủy triều ở ngoài phao số "0" trung bình khoảng 8 giờ và phải giảm tải hàng hóa.
Xã hội hóa nâng cấp luồng hàng hải
Ông Phạm Quốc Long, Phó tổng giám đốc Công ty CP Gemadept cho biết thời gian qua, nhiều tàu chạy tuyến TP.HCM - Hải Phòng không xếp hàng được đầy tải. Cụ thể ở khu vực phía Nam, luồng vào các cảng trên sông Sài Gòn đều đạt -8,5m, trong khi tại Hải Phòng đang được quy hoạch -7m.
Sự mất cân đối trong độ sâu luồng dẫn tới mất cân đối về cỡ tàu khai thác cho các đầu bến Bắc - Nam, làm tăng chi phí logistics. Các chủ tàu thường phải giảm tải khoảng 20% và phải chờ thủy triều để hành hải trên luồng.
"Thủy triều lên, nước dâng thêm 3m làm mớn nước tăng được tối đa -10m. Trong khi, các tàu đóng mới hiện có trọng tải chở khoảng 1.700 -2000 Teu, cần mớn nước khoảng -11,5m", ông Long nói và cho rằng nếu luồng kênh Hà Nam được nâng cấp, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực có thể tăng trưởng thêm khoảng 10-15%.
Một doanh nghiệp cảng biển nhận định, tuyến luồng hàng hải Hải Phòng hiện có mật độ tàu hành hải trên luồng cao. Thời gian chờ đủ con nước để tàu hành hải ngắn (trung bình 1 ngày có khoảng 5 giờ), luồng lại hành hải theo chế độ 1 làn. Do đó, việc nạo vét sâu hơn là cần thiết.
Được biết, Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất chủ trương nâng cấp luồng Hải Phòng đoạn từ vũng quay tàu bến cảng container quốc tế Hải Phòng đến khu vực cảng Đình Vũ.
Dự án nâng cấp luồng sẽ do Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ (công ty con của Công ty CP Gemadept) làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp sẽ thực hiện nâng để tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 DWT có mớn nước 8,5m hành hải.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục để khởi công. Dự kiến, dự án có kinh phí khoảng 115 tỷ đồng (nguồn vốn do doanh nghiệp huy động) nhằm nạo vét luồng kênh Hà Nam xuống độ sâu -8.5m và thực hiện từ tháng 2/2024, hoàn thành trong tháng 7/2024.
Đại diện Cục Hàng hải VN thông tin, cơ quan này đã có văn bản thỏa thuận vị trí, thông số kỹ thuật đoạn luồng hàng hải (tổng chiều dài 10,54km) với chủ đầu tư. Chủ đầu tư sẽ có nhiệm vụ lập kế hoạch chi tiết về việc thực hiện, phối hợp với các cơ quan liên quan trước khi triển khai.
Theo Cục Hàng hải VN, luồng hàng hải Hải Phòng thuộc luồng hàng hải công cộng nên sau khi hoàn thành việc nâng cấp, doanh nghiệp phải bàn giao đoạn luồng cho cơ quan quản lý Nhà nước để tổ chức quản lý khai thác đoạn luồng theo quy định. Đồng thời, thực hiện công tác duy tu theo khả năng sắp xếp, bố trí các nguồn lực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận