Hoàn thành công tác xây lắp chậm nhất vào tháng 6/2024
Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) vừa có văn bản gửi Ban QLDA 2 thể hiện sự thống nhất về chủ trương gia hạn tiến độ hợp đồng các gói thầu thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo phương án đề xuất, gói thầu XL-01 cơ bản hoàn thành trước ngày 31/3/2024 và hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 30/6/2024.
Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên tiến hành thành nâng cấp khoảng 127km quốc lộ 19 và xây dựng mới khoảng 27-35km tuyến tránh với tổng vốn đầu tư gần 156 triệu USD.
Trong tổng vốn đầu tư của dự án, vốn vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu USD; vốn đối ứng tương đương 3,7 triệu USD; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu USD.
Gói thầu XL-02 cơ bản hoàn thành trước ngày 31/12/2023 và hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 31/3/2024.
Gói thầu XL-03 cơ bản hoàn thành trước ngày 30/9/2023 và hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 31/12/2023.
Gói thầu XL-04A cơ bản hoàn thành trước ngày 31/3/2024 và hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 30/6/2024.
Gói thầu XL-04B cơ bản hoàn thành trước ngày 30/9/2023 và hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 31/12/2023.
Gói thầu XL-06 hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 31/12/2023.
Gói thầu XL-07 cơ bản hoàn thành trước ngày 30/11/2023 và hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 31/12/2023.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng thống nhất điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu tư vấn giám sát thi công đến ngày 31/12/2024 đảm bảo phù hợp với thời gian thực hiện dự án và thời gian kết thúc hiệp định.
Đảm bảm tiến độ thi công dự án, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị Ban QLDA 2 căn cứ vào khối lượng còn lại, điều kiện thi công thực tế để xem xét, quyết định việc gia hạn và thực hiện các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện theo quy định.
Đồng thời, xin ý kiến của nhà tài trợ trước khi xem xét, quyết định việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng của các gói thầu; chủ trì cùng nhà thầu, tư vấn giám sát lập tiến độ thi công chi tiết, ký cam kết hoàn thành toàn bộ khối lượng còn lại của hợp đồng theo các mốc tiến độ được chấp thuận.
"Đơn vị quản lý dự án cũng cần kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể các nguyên nhân khách quan, chủ quan làm chậm tiến độ hợp đồng; xử lý các nội dung tiếp theo tuân thủ các quy định của hợp đồng đã ký kết và các quy định pháp luật có liên quan. Trong đó, lưu ý xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan đối với các chi phí phát sinh (nếu có) do gia hạn tiến độ thực hiện hợp đồng gây ra", Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị.
Trông chờ vật liệu để tăng tốc
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện ban điều hành dự án cho biết, tính đến nay, sản lượng thi công dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đã đạt hơn 74% giá trị hợp đồng. Trong đó, gói thầu có tiến độ thi công chậm nhất là XL4A, gói thầu có tiến độ nhanh nhất là XL06.
Theo vị lãnh đạo này, vướng mắc lớn nhất của dự án hiện nay là vật liệu. Khối lượng đất đắp còn thiếu tập trung trên khoảng gần 1km chiều dài tại gói thầu XL02 và hơn 1km tại gói thầu XL04A (chủ yếu là các khu vực cầu).
Giải quyết khó khăn này, chủ đầu tư đã đề xuất 3 mỏ. Trong đó, 1 mỏ phục vụ thi công gói thầu XL04A và 2 mỏ phục vụ gói thầu XL02 nhưng hồ sơ đã bị cấp có thẩm quyền địa phương trả lại và thông báo chưa giải quyết vấn đề này.
Mốc thời gian cụ thể về việc cấp phép các mỏ đất cho dự án cũng chưa được xác định.
"Để đáp ứng tiến độ hoàn thành đồng bộ dự án theo yêu cầu, vật liệu đất đắp cho gói thầu XL02 cần thiết có càng sớm càng tốt. Với gói thầu XL04A, chậm nhất trong tháng 10/2023, vướng mắc vật liệu cần được khơi thông", lãnh đạo ban điều hành dự án chia sẻ.
Liên quan đến nguyên nhân khiến dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên chưa đáp ứng tiến độ về đích trong năm 2023, thông tin trước đó Bộ GTVT đã đề cập đến hàng loạt yếu tố tác động.
Cụ thể, do thời gian đầu triển khai thực hiện dự án là thời điểm cao trào bùng phát dịch Covid-19, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tối đa di chuyển nên việc huy động thiết bị, nhân sự gặp nhiều khó khăn; Công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc và chậm bàn giao cho nhà thầu thi công.
Mùa mưa khu vực Tây Nguyên thường kéo dài từ 5-6 tháng/năm. Riêng năm 2022, khu vực Tây Nguyên có mưa lớn kéo dài, liên tục (khoảng 6-7 tháng), nhiều đoạn tuyến đã thi công hoàn thành lớp móng đường cấp phối đá dăm bị mưa lũ cuốn trôi, phải làm đi làm lại nhiều lần.
Từ khoảng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 địa phương hạn chế cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp nền đường.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Gia Lai không có các mỏ đất thương mại nên dự án không có nguồn vật liệu đất đắp để thi công nền đường. Việc dừng cấp phép khai thác các mỏ đất lại đúng vào thời điểm mùa khô khu vực khiến dự án không có vật liệu để bứt tốc tiến độ cán đích.
Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện dự án do ảnh hưởng của biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu nên một số nhà thầu thi công cầm chừng, chưa quyết liệt triển khai thi công và có tâm lý chờ bình ổn giá để hạn chế thiệt hại về kinh tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận