Kịch bản cũ vẫn gây tò mò nhờ AI
"Atlas" thuộc thể loại hành động viễn tưởng, do đạo diễn Brad Peyton cầm chịch. Hai tác giả kịch bản là Leo Sardarian và Aron Eli Coleite.
Poster phim "Atlas".
Leo Sardarian trước đó chỉ được biết đến từ series truyền hình "Start-Up" (2016). Còn Aron Coli Coleite, một tác giả sáng tác truyện tranh cũng chỉ được biết đến khi làm việc với Netflix qua series phim "Daybreak".
Brad Peyton (đạo diễn người Canada) chuyên làm phim hành động và đã từng cộng tác với Aron Eli Coleite trong series phim "Daybreak". Hai người có kinh nghiệm làm việc với Netflix và am hiểu thị hiếu của Netflix.
Kịch bản phim "Atlas" theo một motip cũ là nữ anh hùng giải cứu thế giới và nhân loại. Tuy nhiên, motip này vẫn có thể ăn khách nếu biết thêm những tình tiết mới, tạo ra những cú twist hay đơn giản là thêm tính chất hài vào những câu thoại. Bản thân tên phim cũng cho thấy tư duy của hai biên kịch khá đơn giản.
Atlas là tên của một vị thần trong thần thoại Hy Lạp, chịu hình phạt nâng trái đất trên vai.
Nhân vật phản diện Harlan là một tên khủng bố dưới hình dạng con người, nhưng trí tuệ là nhân tạo (AI), vào năm 2043 đã gây ra tội ác khiến 3 triệu người thiệt mạng, khi bị truy nã đã chạy trốn ra ngoài vũ trụ. Harlan là sản phẩm lỗi không kiểm soát được của một nhà khoa học.
28 năm sau, cô con gái Atlas Shepherd của nhà khoa học ấy đã quyết định truy tìm Harlan, lúc đó đang ở dải thiên hà Andromeda với sự giúp sức của một trí tuệ nhân tạo là Smith. Họ muốn chặn đứng ý đồ của Harlan muốn tiêu diệt phần lớn nhân loại, chỉ để lại một số ít người trưởng thành và phát triển theo sự hướng dẫn của AI.
Tờ The Guardian có nhận xét giễu cợt: "Atlas như được làm ra cách đây hai thập kỷ".
Tuy kịch bản bị chê là lỏng lẻo, cũ kỹ, thiếu sáng tạo, song khán giả đại chúng vẫn thích bộ phim vì những câu hỏi: AI có vai trò gì trong cuộc sống của con người? Liệu AI có thể thay thế cho trí tuệ con người hay không? AI có khả năng nổi loạn thống trị con người không? Nếu vậy, con người cần làm gì để chống lại AI?
Bộ phim phần nào giải đáp những thắc mắc, nghi ngờ đó. Chính vì thế dù kịch bản phim "Atlas" không mới, nhưng hợp trend (xu hướng).
Jennifer Lopez "gánh" cả bộ phim
Dù không thật xuất sắc khi diễn xuất nhưng trong bộ phim này, Jennifer Lopez vẫn đóng tốt hơn các diễn viên khác. Ngoài Jennifer Lopez, bộ phim còn có sự tham gia của các diễn viên Simu Liu, Sterling K. Brown và Mark Strong cùng một số diễn viên phụ. Các diễn viên khác trong phim không để lại nhiều dấu ấn, chỉ dừng ở mức tròn vai.
Jennifer Lopez thể hiện tốt vai diễn trong "Atlas".
Vì là nhà sản xuất nên Jennifer Lopez rất chịu khó quảng bá bộ phim "Atlas". Ngoài việc đi cinetour, cô còn tích cực quảng bá trên các trang mạng xã hội của cá nhân mình. Đây cũng là lần đầu Jennifer Lopez nhập vai nữ anh hùng giải cứu thế giới theo kiểu này và cô đã hết sức nỗ lực trong diễn xuất.
Nữ minh tinh tuy có đôi lúc đã lộ dấu hiệu tuổi tác song vẻ cá tính của cô vào vai nữ nhân vật Atlas khá hợp. Jennifer Lopez nói với báo Variety tại buổi ra mắt phim ở Los Angeles: "Tôi nghĩ bộ phim này đã làm rất tốt khi cho thấy AI có thể cực kỳ sai lầm như thế nào".
Được biết, ngân sách sản xuất phim là 100 triệu USD, khá rộng rãi cho một bộ phim hành động thuần túy. Do vậy, kỹ xảo trong phim được đánh giá là mãn nhãn, lấp được những lỗ hổng về kịch bản.
Nhiều đại cảnh hoành tráng, thể hiện khung cảnh vũ trụ, dải thiên hà khiến khán giả thích thú. Việc trí tuệ nhân tạo cũng phân thành hai phe thiện - ác, chính - tà thông qua hai nhân vật Smith và Harlan cũng cho khán giả thấy AI cũng có tình cảm, cảm xúc, khát vọng như con người.
Điểm dưới trung bình
Bộ phim cũng tận dụng tối đa những điểm mạnh thường thấy ở các bộ phim hành động mang tính chất khoa học viễn tưởng. Ngoài kỹ xảo, còn là ở trang phục, máy móc thiết bị công nghệ. Những câu thoại không nhiều, chủ yếu tập trung vào hành động nhân vật.
Một cảnh trong phim "Atlas".
Việc chọn lựa phát hành phim trên Netflix cũng là một quyết định khôn ngoan của nhà đầu tư sản xuất phim. Lượng khán giả ổn định của Netflix cũng tạo điều kiện cho phim phổ biến rộng rãi. Những con số thống kê về bộ phim "Atlas" đang rất khả quan. "Atlas" đã lọt vào Top 10 bộ phim nhiều người xem nhất của Netflix ở 93 quốc gia trong tuần lễ cuối tháng 5 vừa qua.
Trên chuyên trang tổng hợp đánh giá phim ảnh Rotten Tomatoes, chỉ 19% trong số 86 đánh giá của người xem là khen. Còn lại là chê, với điểm trung bình là 3,9/10. Trang web này nhận định: "Jennifer Lopez đã cố gắng hết sức để gánh vác mọi khía cạnh của bộ phim "Atlas" một cách đáng ngưỡng mộ".
Chuyên trang đánh giá phim ảnh Metacritic cũng chấm cho bộ phim số điểm 37/100. Khán giả của Netflix tuy rất tích cực xem phim nhưng chỉ chấm cho bộ phim 51% số điểm đạt.
Có thể thấy, việc lọt top đông người xem của bộ phim "Atlas" chủ yếu xuất phát từ mức độ phổ biến của Netflix, sự quảng bá rầm rộ của bộ phim, tên tuổi nổi tiếng của Jennifer Lopez và sự tò mò về AI. Và khi xem xong, không ít khán giả phải thất vọng.
"Atlas" không phải bộ phim tệ?
Mặc dù bị chê, nhưng bộ phim vẫn có những điểm đáng xem và lời nhận xét của nhà phê bình điện ảnh Sam Adams trên trang Slate.com được coi là khá công bằng và chính xác: "Atlas chính xác không phải là một bộ phim tệ. Đạo diễn Brad Peyton, là một người có năng lực, biết cách quay những pha hành động mạch lạc và Jennifer Lopez đóng vai khá tốt với nhiều cố gắng. Nhưng bộ phim vẫn thiếu một cái gì đó thú vị và đột phá, bởi vì đây là một bộ phim có nhiều cảnh nhạt nhẽo, dư thừa".
Sau trào lưu về phim đa vũ trụ, thì bộ phim "Atlas" cũng là một trong những bộ phim đi đầu trong việc lấy AI là chủ đề chính. Trước đây cũng đã có một số bộ phim nói đến trí tuệ nhân tạo nhưng chưa nhiều và chưa đặt AI trong thế đối lập cũng như là đối tác cộng sự giúp đỡ con người. Do vậy, nhìn từ một phương diện nào đó, đây là một bộ phim mà khán giả cũng nên xem để tự vấn lại chính mình về vai trò của AI trong đời sống con người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận