Thực tiễn triển khai các dự án Diễn Châu- Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho thấy nhiều bài học quý.
Gỡ nút thắt dòng tiền
Tất tả từ công trường về trụ sở ban điều hành, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó ban điều hành (Ban QLDA 6 - đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) chia sẻ, hơn 4.000 tỷ đồng là giá trị thi công dự án Diễn Châu - Bãi Vọt chỉ trong năm 2023. Con số này rất hiếm dự án giao thông nào đạt được.
Nhớ về giai đoạn khó khăn nhất, ông Nghĩa kể: Hợp đồng thực hiện dự án được ký với nhà đầu tư từ ngày 13/5/2021. Song dịch Covid-19 ập đến, việc tài trợ vốn tín dụng cho dự án có tới 4 ngân hàng tham gia, thời gian đàm phán kéo dài. Mãi đến tháng 2/2022, các bên mới ngồi vào bàn ký được hợp đồng.
Thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với dự án PPP giao thông, cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế để gây dựng lại niềm tin đối với các tổ chức tín dụng; có thể nghiên cứu một gói tín dụng phù hợp, hướng đến các dự án PPP.
Cần đặt câu hỏi, tại sao JICA, WB vẫn tin tưởng cho vay phát triển hạ tầng giao thông mà các ngân hàng lớn của Việt Nam không thể ban hành được một cơ chế tín dụng kích hoạt các dự án PPP giao thông?
Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó ban điều hành dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt
Nhưng hợp đồng ký xong mà chưa thể giải ngân do phải chờ hoàn thiện thủ tục. Trong khi đó, quy định trong hợp đồng giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư, 3 nguồn vốn (vốn chủ sở hữu, vốn Nhà nước tham gia (VGF), vốn tín dụng) phải giải ngân song song. Công trường gần như đóng băng do thiếu nguồn vốn.
Xác định có dòng tiền mới tạo ra dòng chảy ở công trường, Ban QLDA 6 đã phối hợp với doanh nghiệp dự án (DNDA) kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi phụ lục hợp đồng, cho phép giải ngân trước nguồn vốn VGF. Tháng 9/2022 vốn về, công trường được kích hoạt.
Khó khăn chưa dừng lại khi ở thời điểm ba gói thầu của dự án đã triển khai, gói thầu XL4 vẫn chưa thể giải ngân do nhà đầu tư là Công ty Vina2 hạn chế về năng lực tài chính. Ban QLDA 6 lại tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo DNDA đôn đốc nhà đầu tư hỗ trợ cho Công ty Vina2 vay tiền; điều chuyển khối lượng do Vina2 đảm nhận để các nhà thầu khác thực hiện. Đến tháng 3/2023, nút thắt dòng tiền mới thực sự được tháo gỡ.
Không có đất cho nhà đầu tư "tay không bắt giặc"
Theo diện Ban QLDA 6, dự án PPP muốn thực hiện hiệu quả, một trong những yếu tố quan trọng là phải thẩm định kỹ lưỡng, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực. "Quyết định tiến độ của dự án là vốn. Cần chọn được nhà đầu tư "mạnh về gạo, bạo về tiền". Bối cảnh hiện nay không có đất cho nhà đầu tư "tay không bắt giặc".
Đại diện Cục Đường cao tốc VN cho biết, tài chính là vấn đề cốt lõi của dự án đầu tư theo phương thức PPP. Nếu nhà đầu tư không có thế mạnh về tài chính, quá trình triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể các phát sinh.
Bài học trước đó của dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, ngay từ đầu khi chưa huy động được vốn tín dụng, chưa giải ngân vốn Nhà nước, nhà đầu tư phải giải ngân trước tới 50% vốn chủ sở hữu.
Hay như dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, bên cạnh tiềm lực sẵn có, nhà đầu tư đã chủ động đề xuất, huy động các nguồn vốn hợp pháp, duy trì ổn định dòng tiền cho công trường hoạt động xuyên suốt, kể cả thời điểm "bão giá" vật tư, vật liệu.
Dự án PPP cần bình đẳng và đồng hành
Để có thêm nhiều nhà đầu tư mạnh dạn vào các dự án PPP giao thông, ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho rằng, hai yếu tố quan trọng nhất là bình đẳng và đồng hành.
"Ở nhiều dự án, trong đó có cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, các hạng mục bổ sung, thay đổi dù nhà thầu đã làm hết, song chưa rõ nguồn tiền từ đâu, có được điều chỉnh phương án tài chính hay không. Có những hạng mục nếu không làm thì không thể đảm bảo điều kiện thông tuyến, vận hành khai thác, nhưng làm xong rồi lại chưa có hành lang pháp lý, công tác nghiệm thu chưa thể thực hiện", ông Thắng nói.
Hiện nay, nhà đầu tư đã chủ động huy động nhiều nguồn lực đầu tư khác thông qua việc tổ chức kết nối các nhà đầu tư giao thông với nhau, kết nối với các nhà đầu tư bất động sản và các loại hình dịch vụ khác… cùng tham gia đầu tư mô hình PPP.
Cơ quan chức năng cần có hình thức khen thưởng để động viên các doanh nhân, doanh nghiệp vượt khó đã đóng góp nhiều cho sự phát triển giao thông, bất động sản, dịch vụ khác… tổ chức phong trào thi đua cho từng công việc, từng dự án, từng mục tiêu để có nhiều hơn các doanh nghiệp nội tham gia dự án PPP giao thông.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả
Ông kiến nghị, quá trình triển khai các dự án PPP giao thông, cơ quan có thẩm quyền cần phân công đầu mối phối hợp cụ thể, song hành cùng doanh nghiệp dự án đẩy nhanh thủ tục các hạng mục điều chỉnh, phát sinh (nếu có). Các hạng mục điều chỉnh thay đổi so với hợp đồng ký kết cũng cần sớm xác định rõ đâu là trách nhiệm của nhà đầu tư.
"Với hạng mục bổ sung mới, nguồn vốn từ đâu, phương án tài chính sẽ được tính toán lại thế nào để nhà đầu tư yên tâm bứt tốc theo yêu cầu và tránh tâm lý sợ lỗ khi tham gia dự án PPP", ông Thắng nêu quan điểm.
Giao quyền nhiều hơn cho nhà đầu tư
Là một trong hai nhà đầu tư lớn "rót vốn" tham gia dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, ông Nguyễn Văn Ngợi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 cho rằng, trong đầu tư dự án PPP, Nhà nước cần giao quyền nhiều hơn cho các nhà đầu tư, từ khâu nghiên cứu dự án, thiết kế, thi công.
Nói cách khác, Nhà nước chỉ ra đầu bài dự án, tiêu chuẩn kỹ thuật sau đó nghiệm thu theo quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật. Giải pháp thi công thế nào, ứng dụng công nghệ ra sao sẽ do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chủ động. Hạng mục nào phát sinh thì các bên ngồi xem xét thống nhất bổ sung. Như vậy, nhà đầu tư sẽ linh hoạt các giải pháp để tối ưu tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Đại diện Cục Đường cao tốc VN cho biết, thực tế triển khai các dự án thành phần PPP cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy, dù các dự án được đánh giá là hiệu quả về tài chính với mức vốn Nhà nước hỗ trợ trên 50% tổng mức đầu tư, thời gian thu hồi vốn chỉ từ 16 - 17 năm, song vẫn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội chuyển đổi 5/8 dự án thành phần từ phương thức PPP sang đầu tư công.
Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 2/3 dự án thành phần còn lại tiếp tục thực hiện theo phương thức PPP thành công và chuẩn bị thông xe.
Quá trình triển khai các dự án đã rút ra bài học sâu sắc, thành phần trong liên danh nhà đầu tư ít, việc triển khai có phần thuận lợi hơn. Ngay cả trong quá trình thẩm định để cung cấp tín dụng, nếu liên danh có quá nhiều thành viên thì công tác thẩm định của ngân hàng kéo dài đến cả năm, dễ gây chậm tiến độ.
"Nói như vậy không phải là nhiều nhà đầu tư liên danh sẽ bất lợi cho dự án PPP giao thông. Thực tiễn cho thấy, nếu nhiều nhà đầu tư cùng bắt tay nhau "rót tiền" cho dự án, có sự tương hỗ cho nhau, ban quản trị điều hành tốt cũng sẽ huy động được sức mạnh. Dự án PPP giao thông muốn hiệu quả cả về tiến độ và chất lượng, các nhà đầu tư phải có sự đồng điệu và "chia lửa", vị đại diện nêu quan điểm.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 78,5km đi qua địa phận 3 tỉnh: Khánh Hòa (5km), Ninh Thuận (63km), Bình Thuận (12km).
Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m. Các đoạn nền đường đào sâu, đắp cao quy mô 6 làn xe. Vận tốc thiết kế 80km/h.
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 7.985 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước tham gia gần 4.200 tỷ đồng; Nguồn vốn nhà đầu tư hơn 3.786 tỷ đồng.
Cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài hơn 49km đi qua địa bàn hai tỉnh: Nghệ An (hơn 44km), Hà Tĩnh (gần 5km).
Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m. Các đoạn đào sâu đắp cao quy mô 6 làn xe.
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 11.157 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà nước tham gia dự án hơn 6.067 tỷ đồng; Vốn nhà đầu tư hơn 5.090 tỷ đồng.
Dịp 30/4/2024, dự án sẽ được thông xe 30km đầu tiên từ nút giao QL7A đến nút giao QL46B. Đối với đoạn còn lại sẽ được hoàn thành sau khi phạm vi xử lý nền đất yếu được xử lý theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận