Ngày 28/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã chủ trì buổi làm việc với Công ty CP Cảng Sài Gòn.
Cảng Sài Gòn xin giữ lại trụ sở tại số 3 Nguyễn Tất Thành
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn) cho biết, kế hoạch di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (Q.4), khu cảng Tân Thuận (Q.7) đã có từ nhiều năm trước đây và đơn vị sẽ thực hiện theo chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian chưa thực hiện di dời thì "cho phép đơn vị tiếp tục khai thác, đơn vị sẽ không thực hiện đầu tư mới".
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang (giữa) tại buổi làm việc sáng nay với Công ty CP Cảng Sài Gòn. Ảnh: Quang Phương.
Về kế hoạch sản suất, ông Tâm cho biết, dự kiến giai đoạn 2023-2025, công ty sẽ duy trì khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thành cảng du lịch; kết hợp với các đại lý, công ty lữ hành, đổi mới dịch vụ, tạo sản phẩm du lịch dấn dẫn.
Đối với cảng Tân Thuận, từ nay đến năm 2025 sẽ hoạt động ổn định. Từ 2025 trở đi sẽ bàn giao 1 phần diện tích cảng Tân Thuận (dự kiến 40%) để xây cầu Thủ Thiêm 4. Chiều dài cầu cảng dự kiến giảm còn 550m.
Đối với việc di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, đại diện Công ty CP Cảng Sài Gòn kiến nghị các đơn vị liên quan cho phép giữ lại trụ sở làm việc tại số 3 đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) để làm trụ sở làm việc.
Đại diện Công ty Cảng Sài Gòn cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, trong đó có việc bổ sung cảng vào quy hoạch tổng thể phát triển Quốc gia; đề nghị Bộ GTVT ủng hộ để sớm nhanh chóng triển khai đầu tư cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam.
Phát triển cảng Cần Giờ phải gắn với bảo vệ rừng
Công ty CP Cảng Sài Gòn cũng kiến nghị các đơn vị liên quan bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể phát triển Quốc gia.
Đối với vấn đề cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, đại diện Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM cho biết đã lấy ý kiến 16 đơn vị liên quan đến việc đầu tư.
Đại diện đơn vị này cho hay, vấn đề được nhiều đơn vị quan tâm đối với dự án cảng này là môi trường, bởi khu vực này có hơn 400ha là đất mặt biển, rừng ngập mặn (93ha là rừng phòng hộ). Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến quốc phòng an ninh, kết nối hạ tầng giao thông, điện, nước hiện nay chưa đảm bảo...
Tòa nhà tại số 3 đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) là trụ sở làm việc của Công ty CP Cảng Sài Gòn. Đơn vị này kiến nghị được giữ lại trụ sở làm việc này khi thực hiện di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để trả đất cho Nhà nước. Ảnh: Quang Phương.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhận định: Cảng Sài Gòn là cảng có bề dày lịch sử và trước đây có quy mô lớn nhất cả nước. Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến hoạt động của Cảng Sài Gòn.
Theo Thứ trưởng Sang, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất của Cảng Sài Gòn, trong thời gian chưa thu hồi khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Tân Thuận thì tiếp tục khai thác.
"Đối với khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, đề nghị Cảng Sài Gòn có đề xuất bằng văn bản và phương thức khai thác cho phù hợp tình hình thực tế. Cảng Sài Gòn không được đầu tư mới vào đây. Khai thác cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, cảng Tân Thuận cần bám vào kế hoạch sử dụng đất của TP.HCM”, Thứ trưởng lưu ý.
Đối với dự án Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, Thứ trưởng Sang nhận định đây là cơ hội để đột phá, tuy nhiên phải làm theo trình tự.
“Chúng ta sẽ tiến hành đưa quy hoạch cảng vào quy hoạch Quốc gia theo trình tự, thủ tục, theo quy định hiện hành. Dự án cảng Cần Giờ có liên quan đến đất rừng phòng hộ nên vừa phát triển cảng phải vừa bảo vệ rừng phòng hộ, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên”, ông Sang nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận