Ma men dẫn lối sau những lần “vào ba ra bảy”
Hiện còn rất nhiều những tay nhậu xưng danh chuyên nghiệp, chỉ cần vài trái hoa quả, một con cá khô hoặc miếng mắm cùng vài chai rượu đế là có thể “chén chú, chén anh” chìm trong men say từ sáng đến tối.
Người này vào ba thì người kia ra bảy, rồi những chén rượu cứ nâng đầy đặt cạn đến khi “ma men” dẫn lối, từ người yếu ớt đến những người lực lưỡng, vạm vỡ đều bị “đánh gục” bởi rượu, bước ra đường là không biết đi đâu, về đâu. Hậu quả là tai nạn chồng tai nạn, những người bình thường vốn rất cẩn thận cũng trở nên mê muội, mất kiểm soát, đưa bản thân vào vòng nguy hiểm, thậm chí là không có ngày về.
Cái tâm vốn tồn tại sẵn trong mỗi con người, nhưng do sự khà khịa của bạn bè và men say của rượu đã làm nhiều người chủ quan, phớt lờ sự an toàn, quy chuẩn xã hội. Nhiều cuộc nhậu trôi qua, sự chủ quan đó dần già trở thành thói quen, người ta đánh mất mình và vô tình cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình khác khi để xảy ra tai nạn.
Tuyên truyền tâm lý để đẩy lùi những cơn say
Thực tế, mỗi ngày trôi qua, không biết có bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra do người điều khiển phương tiện chủ quan cầm lái sau khi uống rượu, bia. Dù công tác kiểm tra nồng độ cồn, xử phạt “ma men” lái xe vẫn được lực lượng chức năng tiến hành thường xuyên, song, lượng phương tiện trên đường quá lớn, khó ai có thể khẳng định được tất cả người tham gia giao thông đều được kiểm tra và trong vòng kiểm soát.
Tôi cho rằng, để đẩy lùi vấn nạn rượu bia khi tham gia giao thông, việc đánh mạnh vào lương tâm và ý thức của mỗi người là rất quan trọng. Người xưa từng nói: “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng”, tâm lý người ta sống sao thì mình sống vậy đã và đang tồn tại ở rất nhiều địa phương, làng xã.
Vì vậy, để ngăn chặn sự nguy hại của rượu bia, sự chủ quan của người tham gia giao thông, ngay bây giờ, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: qua băng rôn, khẩu hiệu đánh thẳng vào tâm lý như: “Hãy nói không với rượu, bia”; “Mỗi cốc rượu cho đi là lấy lại một mạng sống của con người”; qua những hình ảnh tai nạn thực tiễn kèm theo những câu chuyện xúc động của những người trong cuộc. Việc vận động cũng cần thường xuyên hơn thông qua diễu hành trên các tuyến đường đô thị, kể cả là đường liên thôn, liên xã.
Thiết nghĩ, sự quan trọng của việc tuyên truyền tâm lý cũng không kém gì sức ảnh hưởng của công tác xử phạt, răn đe. Khuyết danh có câu: “Chinh phục lòng người bằng sự hiền dịu chứ không phải bạo lực”. Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ có một môi trường giao thông “sạch bóng” ma men, văn minh, an toàn hơn nếu các cơ quan chức năng có sự điều phối hợp lý giữa tuyên truyền và cưỡng chế trong công cuộc ngăn chặn người tham gia giao thông say xỉn lái xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận