Xã hội

Tiếp vụ giao đất nuôi thủy sản cho 35 cơ quan: Cả nghìn người dân mất kế sinh nhai

Trong khi 250ha đất đầm giao cho 35 cơ quan, đoàn thể để họ sang tay cho thuê, thì hàng nghìn người dân xã Nam Phú (huyện Tiền Hải, Thái Bình) không có kế sinh nhai. Nghịch lý đó tồn tại suốt 20 năm qua tại vùng cửa biển Thái Bình.

Chật vật mưu sinh

Con đường bê tông nối từ trung tâm xã Nam Phú ra khu du lịch Cồn Vành cắt ngang qua những đầm nuôi trồng thủy sản. Bên phải con đường này là khu đầm nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh còn lác đác những bụi cây sú, vẹt rừng ngập mặn.

Phía bên trái, tại khu vực mà người dân gọi là "khu đầm cơ quan" - (bởi 250ha đầm được UBND huyện Tiền Hải cắt giao cho 35 cơ quan, đơn vị) đã được cải tạo thành đầm nuôi tôm công nghiệp, nuôi ngao với những đoạn đường nội bộ, nhà xưởng, ô lồng.

photo-1695047534745

Không còn rừng ngập mặn, ông Nguyễn Văn Phượng đành sống qua ngày bằng nghề kéo lưới.

Chỉ vào cả một vùng rộng lớn mênh mông trước mặt, ông Bùi Đức Hiền (thôn Hợp Phú, xã Nam Phú, từng nhiều năm là cán bộ xã Nam Phú) kể, giai đoạn trước năm 2000, toàn bộ vùng đất này là một khu rừng ngập mặn rộng mênh mông, là nơi hàng nghìn hộ dân ở xã Nam Phú và các địa phương lân cận bám vào mưu sinh.

Dưới những tầng rừng ấy, tôm, cua, cá nhiều vô kể. Chỉ cần mang theo chiếc thuổng, tay lưới hay chiếc cần câu len lỏi dưới những tán rừng, mỗi người dân khi trở về đều có vài cân tôm, cua và đủ các sản vật khác để ăn, đem bán.

Ông Nguyễn Văn Phượng (60 tuổi, thôn Thúy Lạc, xã Nam Phú) nhớ lại: "Rừng sú, vẹt không tự nhiên mà có. Ngay từ thời kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm thanh niên, bộ đội, người dân đã phải ra đây trồng rừng. Sau này một số tổ chức quốc tế tiếp tục tài trợ trồng rừng. Bãi bồi ra đến đâu thì người dân trồng thêm rừng đến đó để hình thành những rừng sú, vẹt ngày càng rộng lớn".

Những năm 2000, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định cho phép thuê đất bãi triều để làm đầm nuôi trồng thủy sản. Từ quyết định này, UBND huyện Tiền Hải cắt 250ha đất bãi vốn là rừng ngập mặn để chia cho 35 cơ quan, tổ chức để rồi đại diện của các cơ quan này "sang tay" cho người có nhu cầu, thu về hàng chục tỷ đồng.

Những ngày trung tuần tháng 9/2023, khu vực cống 7 (xã Nam Phú) có hơn 20 con thuyền của bà con ngư dân xã Nam Phú đang neo đậu.

Ngồi trên thuyền khâu lưới bắt tép, ông Nguyễn Văn Phượng (60 tuổi, thôn Thúy Lạc, xã Nam Phú) chia sẻ: "Từ khi có "khu đầm cơ quan", chúng tôi mất đi một nguồn sống, đành loanh quanh đánh bắt tại vùng biển ven bờ kiếm kế sinh nhai. Chúng tôi xin cấp thì đâu có được. Mấy cơ quan được cấp đất thì cho thuê lại tới vài triệu đồng/ha, bắt nộp tiền một lần (20 năm) lên tới vài trăm triệu, chúng tôi lấy tiền đâu mà thuê?".

Sự im lặng khó hiểu

photo-1695047535370

Sau khi UBND huyện Tiền Hải giao 250ha đầm cho 35 cơ quan, rừng ngập mặn đã biến mất.

Trong quá trình tìm hiểu để thực hiện bài viết này, PV Báo Giao thông đã tìm gặp nhiều cựu cán bộ giai đoạn những năm 2000, đảng viên và nhân dân. Mỗi khi nhắc tới cụm từ "khu đầm cơ quan", người nào cũng bức xúc.

Ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Phú cho biết: Nam Phú là một xã thuần nông của tỉnh Thái Bình, cách trung tâm huyện khoảng 15km, diện tích trên 2.570ha, dân số hiện nay khoảng gần 5.000 người, nghề nghiệp chủ yếu là làm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nam Phú có khoảng 890ha đầm, thì "khu đầm cơ quan" đã chiếm tới 250ha.

Trước câu hỏi chính quyền địa phương, các đảng viên và người dân có ý kiến gì khi UBND huyện Tiền Hải lấy 250ha đất giao cho các cơ quan, ông Khương bộc bạch: "Huyện Tiền Hải trong giai đoạn 2002 – 2004 có nhiều quyết định giao đầm cho 35 cơ quan. Thời gian đó, tôi làm ở đảng bộ xã nên cũng nắm được thông tin nhiều ý kiến thắc mắc, kiến nghị. Tuy vậy, đó là các quyết định của huyện, chúng tôi ở cấp địa phương nên chỉ biết thực hiện".

Một cán bộ địa chính xã Nam Phú giai đoạn đó bộc bạch: "Tôi làm địa chính xã, chính tay tôi đi đo vẽ, cắm mốc giới cho các cơ quan đó. Bản thân tôi cũng bức xúc vì mình và người thân là người địa phương chẳng được giao đầm trong khi đó huyện lại giao đầm cho hàng loạt các cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới huyện".

Ông Bùi Đức Hiền, đảng viên ở thôn Hợp Phố, xã Nam Phú cho biết: "Giai đoạn 2005, có một số đảng viên bức xúc đã viết đơn khiếu nại gửi tới cơ quan chức năng các cấp. Tuy nhiên, những đơn từ khiếu nại ấy cứ đi rồi lại về, không xử lý đến nơi đến chốn, có lẽ bởi vì bản thân nhiều cơ quan có chức năng xử lý đơn thư ấy cũng là… chủ đầm".

Theo xác nhận của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Nam Phú, khoảng năm 2007, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Bình đã về kiểm tra những dấu hiệu sai phạm trong việc UBND huyện Tiền Hải cấp 250ha đầm cho 35 cơ quan.

Sau quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã công bố kết luận, cũng có một số người bị kỷ luật. "Việc này lâu quá rồi, chúng tôi khi đó chưa đảm nhiệm vị trí công tác nên cũng không nắm rõ", ông Hiền cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thức (sinh năm 1940, Đảng viên chi bộ thôn Hợp Phố, xã Nam Phú) cho biết: "Việc giao đầm cho 35 cơ quan, ngay thời điểm đó chúng tôi đã phát hiện là sai với văn bản chỉ đạo của tỉnh. Tôi đã cùng 2 đảng viên có đơn gửi Trung ương và lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiến nghị giải quyết.

Năm 2007, các cơ quan chức năng của tỉnh đã vào cuộc kiểm tra và đã có kết luận công bố tại Đảng bộ. Tôi và 2 đảng viên có ý kiến được mời gặp để thông báo kết luận. Kết luận đã xử lý kỷ luật đấy nhưng quá nhẹ, 250ha đầm mà các cơ quan này đã sang nhượng cho người dân cũng không thu hồi về được. Số tiền sang tay này lớn lắm".

Điều lạ lùng là sau khi Ủy ban Kiểm tra, Tỉnh ủy Thái Bình ban hành kết luận, vụ việc UBND huyện Tiền Hải giao 250ha đầm cho 35 cơ quan lại một lần nữa rơi vào im lặng. Suốt từ năm 2007 tới nay, "khu đầm cơ quan" vẫn ngang nhiên tồn tại, số tiền hàng chục tỷ đồng các cán bộ nhận "sang tay" không thu hồi về được, thậm chí rất nhiều năm qua ngân sách nhà nước cũng không thu được đồng thuế nào từ 250ha đầm này.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.