Xã hội

Tiếp vụ giao đất nuôi thủy sản cho 35 cơ quan: Hàng chục tỷ đồng vào túi những ai?

Sai phạm khi cấp 250ha đầm cho 35 cơ quan, đơn vị trong tỉnh Thái Bình đã khá rõ ràng. Nhưng số tiền cho thuê rất lớn đã vào túi ai thì chưa rõ, bởi chính lãnh đạo nhiều cơ quan còn không biết đơn vị mình có đất đang cho thuê.

Quyết định chưa ráo mực đã sang tay thu tiền

photo-1694713325

Hàng trăm hécta bãi bồi, rừng ngập mặn biến thành đầm tôm sau khi UBND huyện Tiền Hải giao chủ đầm cho 35 cơ quan, đơn vị.

Ngày 12/9, Báo Giao thông đăng bài: "Thái Bình: Kỳ lạ danh sách hàng chục cơ quan được giao đất nuôi thủy sản", phản ánh việc UBND huyện Tiền Hải giao đầm cho các cơ quan của tỉnh Thái Bình và huyện Tiền Hải thực hiện mô hình ao nuôi sinh thái (nuôi trồng thủy sản).

Theo danh sách thì hàng loạt cơ quan, đơn vị được cấp đầm với diện tích khác nhau, trong đó đầm của các cơ quan thuộc huyện Tiền Hải gồm: Tòa án huyện 6ha; Văn phòng Huyện ủy 6ha; Đội Công an Kinh tế huyện 4ha; Phòng Tài nguyên môi trường huyện 3,5ha; Phòng Tư pháp 2,5ha; Liên đoàn Lao động huyện 10ha; Ban Tuyên giáo huyện ủy 5ha; Phòng LĐ-TB&XH 4ha; Hội Luật gia 3ha; Hội Nông dân 4ha; Hội Cựu chiến binh 3ha…

Đầm giao cho các cơ quan tỉnh Thái Bình gồm: Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh 4,5ha; Hội Cựu chiến binh tỉnh 5ha; Phòng giao dịch Ngân hàng công thương tỉnh 3ha; Sở Thủy sản 5ha; Sở TN&MT tỉnh 4ha…

Theo tài liệu được cung cấp và xác nhận thực tế, trong số 250ha được giao cho 35 cơ quan, tổ chức, đến nay đều đã sang tên, đổi chủ từ lâu. Khoảng 100ha được người dân thuê lại, san gạt để nuôi tôm công nghệ cao, nuôi ngao giống; khoảng 150ha còn lại được các chủ đầm nuôi trồng thủy sản theo mô hình quảng canh sinh thái.

Một diện tích lớn rừng ngập mặn đã biến mất, nhường chỗ cho đầm tôm, nhà xưởng, đường nội bộ dẫn tới các đầm.

Một trong những điều bất ngờ là khi các quyết định cấp phép của UBND huyện Tiền Hải cho các cơ quan, đơn vị chưa ráo mực thì 35 cơ quan đã lập tức "sang tay" cho người dân có nhu cầu để thu về số tiền rất lớn.

Ông Phạm Văn Th (trú xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) cho biết, ông cùng 4 hộ dân khác trong xã mua lại đầm của Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải (10ha), Ban Tuyên giáo huyện ủy Tiền Hải (5ha) tại thời điểm năm 2002 với giá 2 triệu đồng/ha/năm trong thời hạn 20 năm. Ông phải nộp tiền mặt cho 2 cơ quan này một lần là 600 triệu đồng.

Còn ông Phạm Văn V hiện đang sở hữu đầm của Phòng kinh tế biển cho biết, quyết định đầm của cơ quan này có 4ha, nhưng thực tế hiện trạng lên tới 9,3ha, bản thân ông phải nộp tới 6,6 triệu đồng/ha/năm.

"Tôi thuê lại đầm của cơ quan này thời gian 13 năm, giá 6,6 triệu/ha/năm. Tổng cộng tôi nộp tiền trực tiếp cho người đại diện của cơ quan Phòng Kinh tế biển là hơn 790 triệu đồng", ông V xác nhận.

Đối với đầm của Văn Phòng Huyện ủy Tiền Hải thể hiện ngày 14/12/2001 UBND huyện cấp cho Văn phòng huyện ủy 6ha. 

Sau khi nhận quyết định, ngày 2/6/2002, Văn phòng Huyện ủy Tiền Hải có văn bản ủy quyền lại cho ông Phạm Hoài N (trú tỉnh Nam Định) sử dụng để thực hiện việc nuôi trồng thủy sản với giá 40 triệu đồng/năm (sang nhượng 20 năm là 800 triệu đồng). 

Sau thời gian làm đầm, ông N bán lại cho ông K (cùng ở Nam Định) để ông K sử dụng tới nay.

Ngơ ngác vì biết đơn vị được giao đầm (!?)

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Phú cho biết: "35 ô đầm mà huyện Tiền Hải đã cấp, hiện các cơ quan, đơn vị này đã ủy quyền hoặc nhượng lại cho người dân canh tác.

Cụ thể số tiền họ thu từ người dân và dùng vào việc gì chúng tôi không nắm được. Hiện, chúng tôi chỉ được thông báo danh sách các cơ quan có đầm trên địa bàn, phần diện tích trên do huyện ra quyết định giao các cơ quan quản lý".

Vụ việc Báo Giao thông phản ánh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có chỉ đạo, UBND huyện đã giao cho các ngành chức năng, cơ quan liên quan có báo cáo cụ thể. Trên cơ sở, các cơ quan này rà soát phối hợp với các chủ đầm hiện đang sử dụng đầm bãi và UBND xã Nam Phú để có tổng hợp báo cáo và đề ra phương án xử lý.

Việc UBND huyện Tiền Hải giai đoạn 2001 giao đầm cho các cơ quan là sai với đối tượng được quy định tại Quyết định 1605 ngày 6/12/2000 của UBND tỉnh Thái Bình về việc ban hành quy định cho thuê đất vùng triều, đầm nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển. Sau đây chúng tôi sẽ vào cuộc, làm rõ, báo cáo UBND tỉnh để xử lý vấn đề tồn tại này.

Ông Bùi Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

Khi PV đặt vấn đề về việc Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải sở hữu 10ha đầm ở xã Nam Phú, tiền cho thuê đầm sử dụng vào việc gì, ông Vũ Thái Học, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải ngỡ ngàng: "Tôi không biết, thực sự là tôi không biết cũng như không nghe việc đơn vị mình có đầm. Tôi về công tác tại đây từ năm 2007 nhưng tuyệt nhiên không nghe ai nói tới việc này.

Thế hệ trước tôi, các anh ấy khi bàn giao giấy tờ, sổ sách không hề có việc đơn vị sở hữu 10ha đầm, cũng không bàn giao lại kinh phí từ việc cho thuê đầm này".

Còn ông Phạm Đình Tô, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tiền Hải cũng bất ngờ không kém. Khi nhắc đến đầm của Hội có trong danh sách các cơ quan được huyện Tiền Hải giao đất, ông mới vỡ nhẽ và giao cán bộ hội lục tìm hồ sơ.

"Chúng tôi sẽ hỏi lại cán bộ nhiệm kỳ trước xem thực hư thế nào, hiện tại tôi không được bàn giao lại hồ sơ về đầm và quả thực không biết gì về việc này", ông Tô cho hay.

Không chỉ có 2 đơn vị trên mà khi trao đổi với lãnh đạo của các cơ quan như: Huyện đoàn Tiền Hải; Thanh tra huyện; Hội Phụ nữ huyện Tiền Hải… các cơ quan này đều lắc đầu, ngơ ngác vì từ khi họ nhận nhiệm vụ đều không được bàn giao cũng như nghe thông tin cơ quan mình được huyện giao đầm.

Để làm rõ các nội dung liên quan, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Tiền Hải. Tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Hồng, Trưởng phòng TN&MT huyện Tiền Hải cho biết: Sau khi Báo Giao thông phản ánh, UBND huyện đã có văn bản gửi tới các cơ quan liên quan yêu cầu báo cáo.

Đồng thời, Phòng cũng đã rà soát lại các văn bản liên quan đến quyết định giao đất cho 35 cơ quan này nhưng hiện nay chưa cơ quan nào cung cấp được thông tin vì sự việc đã quá lâu, qua nhiều nhiệm kỳ, còn cán bộ chủ chốt của các cơ quan đều là những người trẻ, không nắm rõ được sự việc.

"Phòng hiện có trong danh sách 3,5ha nhưng khi tôi giữ vị trí trưởng phòng cũng không nắm được việc hồ sơ đầm của cơ quan mình đang ở đâu vì tôi không được bàn giao lại từ lãnh đạo tiền nhiệm", bà Hồng cho biết.

Theo hồ sơ, tư liệu mà PV Báo Giao thông thu thập được, các cơ quan, đơn vị sau khi được UBND huyện Tiền Hải công nhận là chủ đầm đã cho người dân thuê lại với các mức giá khác nhau, trung bình từ 2-6 triệu đồng/ha/năm.

Nếu tính trung bình giá cho thuê lại là 4 triệu đồng/ha/năm thì với 250ha đất đã được cấp, thời hạn cho thuê 20 năm, các cơ quan, đơn vị trên đã thu về số tiền "sang tay" hàng chục tỷ đồng.

Hàng chục tỷ đồng đến từ việc sang nhượng 250ha đất đầm đã đi đâu, vào túi ai? Đó là câu hỏi mà dư luận quan tâm, cần sớm có câu trả lời từ các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Thái Bình.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.