Mỗi ngày có hơn 1.200 hồ sơ đổi GPLX trực tuyến
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị sơ kết Đề án 06/2022 của Thủ tướng về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Cục Đường bộ VN tổ chức vào hôm nay (7/12).
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho hay, Cục Đường bộ VN được giao thực hiện 2 nhiệm vụ tại đề án đó là kết nối cơ sở dữ liệu GPLX và cơ sở dữ liệu dân cư. Thứ 2 là đổi GPLX cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
GPLX cấp độ 4 là 1 trong 25 dịch vụ công thiết yếu và được chấm điểm đánh giá mức độ thực hiện Chính phủ điện tử. Xác định được tầm quan trọng đó Cục Đường bộ VN đã quyết liệt thực hiện. Đến nay đã kết nối được hơn 33/34 triệu GPLX với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tính đến ngày 5/12, cả nước đã tiếp nhận trên 99.000 hồ sơ đổi GPLX. Bình quân mỗi ngày hiện có hơn 1.200 hồ sơ GPLX thực hiện đổi trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Tính trung bình cho việc ăn nghỉ, đi lại của người dân ở các xã vùng xa có khảng cách đến trung tâm thành phố khoảng 300km, mỗi hồ sơ cấp đổi GPLX thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700 nghìn đồng. Trong năm qua, nhờ đổi GPLX trực tuyến đã tiết kiệm cho người dân và xã hội hơn 70 tỷ đồng.
Bổ sung thêm, ông Tô Nam Toàn, trưởng Phòng Khoa học công nghệ môi trường và hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ VN cho hay, đến ngày 24/10, đã tích hợp thành công gần 10 triệu hồ sơ GPLX lên VneID.
Thông tin giấy tờ trên tài khoản định danh điện tử VNeID sẽ có giá trị như bản giấy. Người dân xuất trình giấy tờ trên VNeID thay thế cho bản giấy khi CSGT kiểm tra; kiểm soát đúng người; tránh giả mạo giấy tờ. Đồng thời người dân có thể tiến hành nộp phạt trực tiếp qua ứng dụng VNeID, tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại.
Tuy nhiên, ông Toàn cũng cho biết, hiện còn một số vướng mắc như dữ liệu GPLX không hiển thị trên ứng dụng VneID. Nguyên nhân do nhiều GPLX không thời hạn, được cấp từ trước năm 1995, dữ liệu của người lái xe không đầy đủ hoặc không có hoặc thiếu thông tin dẫn đến việc không thể hiển thị hoặc hiển thị không chính xác. Bên cạnh đó, chưa đối khớp được 1,23 triệu bản ghi GPLX với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, tuy đã có dữ liệu sức khỏe từ các cơ sở khám chữa bệnh nhưng thời gian để đồng bộ dữ liệu phải chờ sau 4 tiếng mới có dữ liệu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; hệ thống đôi lúc còn lỗi gây khó khăn cho công dân khi nộp hồ sơ.
Thêm nữa, dữ liệu GPLX vi phạm toàn quốc của Cục CSGT trên Cổng dịch vụ công Quốc gia chưa đồng bộ; một số trường hợp công dân chưa được gỡ thông báo vi phạm, dẫn đến cán bộ nghiệp vụ phải tra cứu trên phần mềm quản lý vi phạm của Cục CSGT.
Phấn đấu tiết kiệm gấp đôi cho người dân
Ông Đào Duy Phong, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, sở đã tích cực tuyên truyền đến người dân tích cực sử dụng dịch vụ đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công, đến nay đã tiếp nhận trên 12.000 hồ sơ đổi GPLX, đath tỷ lệ 13% trong tổng số GPLX được cấp đổi.
Tuy nhiên, ông Phong cũng cho biết, khi người dân tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công còn nhiều vướng mắc, người dân chưa biết được tình trạng hồ sơ đã thực hiện các thế nào. Nhiều nội dung trong thành phần hồ sơ đổi GPLX đã có trên cơ sở dữ liệu cũng cần được đơn giản hóa, giảm thủ tục cho người dân.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục triển khai việc nộp phạt vi phạm giao thông thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông trên ứng dụng VneID.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cục CSGT để hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ xác thực, cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch triển khai giải pháp ứng dụng căn cước công dân trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe toàn trình từ đăng ký học, theo dõi quá trình học đến lúc thi cấp bằng bảo đảm định danh chính xác công dân.
Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết và thấy được lợi ích của việc ứng dụng căn cước công dân trong hoạt động đào tạo sát hạch lái xe.
Trước hết, Cục Đường bộ VN đề xuất tổ công tác triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử hỗ trợ Cục làm sạch 1,23 triệu bản ghi dữ liệu GPLX chưa trùng khớp với dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cục CSGT, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cập nhật thường xuyên, kịp thời dữ liệu GPLX vi phạm trên toàn quốc vào phần mềm quản lý và chia sẻ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và gỡ thông báo vi phạm của công dân.
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám sức khỏe người lái xe thực hiện cập nhật dữ liệu khám sức khỏe ngay sau khi khám để người dân sử dụng đăng ký dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
"Năm 2024, Cục Đường bộ VN sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu gấp đôi con số đã tiết kiệm được cho người dân trong năm qua với mục tiêu phấn đấu khoảng 140 tỷ đồng", ông Cường cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận