Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 10/5: Những ca mắc Covid-19 gây chấn động Nhà Trắng

10/05/2020, 14:12

Cập nhật tin thế giới mới nhất 10/5: Những ca mắc Covid-19 chấn động Nhà Trắng; 3 trẻ chết ở New York vì hội chứng khó hiểu liên quan Covid-19.

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Tổng thống Donald Trump (phải) và Phó Tổng thống Mike Pence. Ảnh: Reuters

Những ca mắc Covid-19 gây chấn động Nhà Trắng

Nhà Trắng tuần này thông báo một trong số những người phục vụ thân cận của Tổng thống Donald Trump đã có có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) hôm 7/5, sau khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh trước đó một ngày.

Tổng thống Trump nói rằng ông không có “tiếp xúc cá nhân” thường xuyên với nhân viên quân sự này. Tuy nhiên ông chủ Nhà Trắng được cho là cảm thấy lo lắng trước thông tin ai đó ở gần ông bị mắc Covid-19.

Mối lo ngại về sự xuất hiện của Covid-19 tại Nhà Trắng tăng lên vào ngày 8/5, khi một nhân viên của Phó Tổng thống Mike Pence cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Người này sau đó được xác nhận là Katie Miller, thư ký báo chí của Phó Tổng thống Mỹ và là vợ của cố vấn cấp cao Nhà Trắng Stephen Miller.

Việc bà Miller mắc Covid-19 buộc Phó Tổng thống Pence phải hủy chuyến bay tới bang Iowa. 6 nhân viên Nhà Trắng từng tiếp xúc với bà cũng phải hủy chuyến bay. Toàn bộ 6 người này có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Các ca mắc Covid-19 liên tiếp đã cho thấy mức độ nguy hiểm của việc lây nhiễm virus trong Nhà Trắng, từ đó đặt ra câu hỏi về các biện pháp đang được triển khai để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho 2 quan chức cấp cao nhất của chính phủ Mỹ.

Máy bay cứu trợ Covid-19 bị bắn rơi ở Ethiopia

Quân đội Ethiopia thừa nhận bắn rơi một máy bay chở hàng cứu trợ từ Kenya tới Somali hồi đầu tuần vì nhầm lẫn phi cơ đang "tấn công tự sát".

img
Hiện trường vụ rơi máy bay. Ảnh: Reuters

Chiếc máy bay chở hàng bị bắn rơi hôm 4/5 bởi các binh sĩ Ethiopia đang bảo vệ một trại quân sự ở thị trấn Bardale, phía tây nam Somali, quân đội Ethiopia ngày 9/5 cho biết trong thông báo gửi lên Liên minh châu Phi (AU).

Máy bay lúc bấy giờ đang chở hàng cứu trợ nhân đạo và y tế tới giúp Somali chiến đấu chống Covid-19. Binh sĩ Ethiopia tưởng nhầm rằng chiếc máy bay đang "thực hiện một nhiệm vụ tấn công tự sát" vì họ không nhận được báo cáo từ trước về bất kỳ chuyến bay bất thường nào và phi cơ khi đó bay tương đối thấp.

"Vì thiếu liên lạc và thông tin, máy bay đã bị bắn rơi", quân đội Ethiopia cho hay. "Sự việc sẽ cần tới hợp tác điều tra từ cả Somali, Ethiopia và Kenya".

Kenya cho biết họ cảm thấy sốc trước vụ rơi máy bay, khẳng định phi cơ đang trong sứ mệnh hỗ trợ Somali đối phó Covid-19.

Vụ bắn rơi máy bay xảy ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Kenya và Somali đang căng thẳng. Tháng trước, Kenya cáo buộc các binh sĩ Somali thực hiện một "cuộc tấn công không chính đáng" qua biên giới nước này và gọi sự việc là một hành động khiêu khích.

Trong khi đó, Somali từ lâu cáo buộc Kenya can thiệp vào công việc nội bộ nước mình, song Kenya bác bỏ.

Ba chuyên gia chống Covid-19 hàng đầu của Mỹ phải tự cách ly

Hãng Reuters ngày 10/5 đưa tin 3 quan chức phòng chống Covid-19 hàng đầu của Mỹ đang tự cách ly sau khi tiếp xúc với người xét nghiệm dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19.

img
Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci (trái) trong một cuộc họp báo về Covid-19 ở Nhà Trắng

Một quan chức đại diện Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) cho hay viện trưởng Anthony Fauci, chuyên gia kỳ cựu về dịch tễ và thành viên nhóm chuyên trách phòng chống dịch tại Nhà Trắng, tự cách ly từ ngày 9/5 dù ông được xếp vào diện có nguy cơ khá thấp.

Chuyên gia 80 tuổi này đã xét nghiệm âm tính nhưng sẽ tiếp tục xét nghiệm lại.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (USCDC) xác nhận giám đốc cơ quan này là ông Robert Redfield (69 tuổi) “sẽ làm việc từ xa trong 2 tuần sau khi phơi nhiễm nguy cơ thấp” hôm 6/5 với một người nhiễm bệnh tại Nhà Trắng.

Quan chức thứ 3 cách ly tại nhà là ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Stephen Hahn (60 tuổi), sau khi tiếp xúc với người mắc Covid-19.

Trước đó, cả 3 quan chức này dự kiến sẽ điều trần trước Thượng viện vào ngày 12/5 về các bước chính quyền liên bang và các tiểu bang đang tiến hành nhằm nới lỏng các quy định phòng chống Covid-19.

Ba trẻ tử vong ở New York vì hội chứng khó hiểu liên quan Covid-19

Ba trẻ em ở bang New York vừa tử vong vì một hội chứng viêm hiếm gặp có thể có liên quan tới virus Corona, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết ngày 9/5, nêu lo ngại mới về Covid-19.

img
Không phải tất cả trẻ em có bệnh Kawasaki đều dương tính với virus Corona. Ảnh: Reuters

Trong buổi họp báo hàng ngày, ông Cuomo cho biết ngày càng lo ngại về một hội chứng có cùng triệu chứng với sốc độc và bệnh Kawasaki. Các triệu chứng bao gồm viêm mạch máu và tổn thương ở tim.

Ba trẻ em vừa tử vong nói trên cũng dương tính với Covid-19 hoặc các kháng thể liên quan tới Covid-19, cho thấy có thể có mối liên hệ, nhưng mối liên hệ này chưa được hiểu rõ.

Ông Cuomo nhiều tuần qua đã trở thành tiếng nói hàng đầu ở Mỹ đại diện cho các tiểu bang (trước chính phủ liên bang) trong phòng chống dịch, cho biết bang New York đang xem xét lại 73 trường hợp tương tự. Điều này đang làm lung lay giả thiết rằng trẻ em đa phần không bị ảnh hưởng bởi virus Corona chủng mới.

Các nhà khoa học vẫn đang cố xác định mối liên hệ, vì không phải tất cả trẻ em có bệnh Kawasaki đều dương tính với virus Corona.

Trước đó, cuối tháng 4, Anh và Australia đã cảnh báo đang theo dõi mối liên hệ có thể giữa bệnh này và Covid-19, theo Guardian.

Nhiều nhân viên mật vụ Mỹ nhiễm Covid-19

Một số tài liệu thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ tính tới hôm 7/5 cho thấy, vẫn còn 11 nhân viên mật vụ Mỹ nhiễm Covid-19 đang được điều trị, 23 người đã khỏi bệnh và khoảng 60 người khác đang được cách ly, theo dõi sức khỏe. Chưa rõ các nhân viên mắc bệnh trên có làm việc tại Nhà Trắng, hoặc có tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Donald Trump hay Phó Tổng thống Mike Pence hay không.

img
Nhân viên Cơ quan Mật vụ Mỹ. Ảnh: Reuters

“Để bảo vệ quyền riêng tư về tình trạng sức khỏe của các nhân viên và những hoạt động an ninh, cơ quan Mật vụ Mỹ sẽ không nêu rõ có bao nhiêu ca dương tính Covid-19 được phát hiện, hay còn bao nhiêu nhân viên mật vụ đang được cách ly”, The Hill trích lời phát ngôn viên cơ quan Mật vụ Mỹ Justine Whelan nói.

Những tin tức về các nhân viên làm việc tại Nhà Trắng nhiễm bệnh đang rộ lên gần đây, khi Katie Miller - Thư ký báo chí của Phó Tổng thống Mỹ đã dương tính với virus corona, hay như trợ lý của Ivanka Trump - con gái của Tổng thống Mỹ nhiễm Covid-19, đang khiến nhiều quan chức Chính phủ Mỹ cảm thấy lo lắng.

Seoul lại đóng cửa các quán bar, truy dấu 1.500 ca F1

Vừa nới lỏng giãn cách xã hội vào ngày 6/5, giới chức trách Hàn Quốc bỗng hoang mang và lo ngại do một ổ dịch mới bùng phát liên quan đến các quán bar ở thủ đô Seoul, theo Hãng tin Yonhap.

img
Khu phố sầm uất Itaewon, thủ đô Seoul vào tối 8/5. Ảnh: Yonhap News

Trước đó, vào khuya ngày 1/5 đến rạng sáng ngày 2/5, một thanh niên 29 tuổi đã đến tổng cộng 5 quán bar tại khu phố sầm uất nổi tiếng Itaewon, thuộc quận Yongsan, thành phố Seoul.

Người này sau đó được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Tính đến tối 9/5, giới chức trách thành phố Seoul xác nhận đã có 41 ca nhiễm Covid-19 liên quan đến quán bar ở Itaewon. Trong đó gồm có 27 người ở Seoul, 7 người ở Gyeonggi, 5 người ở Incheon, 1 người ở Busan và 1 người ở Đảo Jeju.

Theo Hãng tin Yonhap, số lượng bệnh nhân dự kiến sẽ còn tăng lên. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) cho biết vào hôm xảy ra vụ việc ước tính có hơn 1.500 người đến các quán bar có liên quan và nếu những người này đến từ khắp nơi trên Hàn Quốc thì nguy cơ lây lan dịch trên toàn quốc có thể xảy ra.

Hiện cơ quan y tế Hàn Quốc chưa xác định được nguồn lây nhiễm đối với bệnh nhân 29 tuổi này do đối tượng không có tiền sử đi du lịch nước ngoài và vẫn chưa được xác nhận có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 nào hay không.

Lý do Mỹ bất ngờ chặn nghị quyết ngừng bắn toàn cầu giữa đại dịch

Hơn 6 tuần, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 nước thành viên đã ra sức để đạt được đồng thuận về dự thảo nghị quyết nhằm ủng hộ lời kêu gọi hôm 23/3 của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về một lệnh ngừng bắn toàn cầu để tập trung ứng phó đại dịch Covid-19.

img
Mỹ bất ngờ chặn nghị quyết ngừng bắn toàn cầu giữa đại dịch. Ảnh minh họa: EPA

Nỗ lực này đổ bể vào phút chót do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vì việc đề cập hay không đề cập đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong khi Mỹ không muốn đưa vào dự thảo nghị quyết nội dung gián tiếp ủng hộ WHO, Trung Quốc muốn đưa nội dung này vào.

"Ban đầu phía Mỹ đồng ý với dự thảo sửa đổi, những rồi bất ngờ và đáng tiếc là Mỹ thay đổi quan điểm", Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao Trung Quốc bình luận.

Theo giới chức ngoại giao, trong quá trình đàm phán, Mỹ và Trung Quốc đều cho thấy sẵn sàng phủ quyết dự thảo nghị quyết vì vấn đề nhắc đến hay không nhắc đến WHO. Dự thảo nghị quyết chỉ được thông qua khi có 9/15 phiếu ủng hộ và không bị bất cứ thành viên nào trong 5 thành viên thường trực (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc) phủ quyết.

Diễn biến này một lần nữa cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và WHO sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Mỹ đã ngừng tài trợ cho WHO sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc WHO "thiên vị" Trung Quốc và chậm trễ ứng phó đại dịch. Tháng trước, Mỹ cũng ngăn hội nghị thượng đỉnh G20 ra tuyên bố chung do văn bản này có nội dung ủng hộ WHO.

Thảm cảnh kinh hoàng do dịch Covid-19 gây ra ở Ecuador

Chỉ trong vòng vài tuần, kể từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3, hệ thống y tế ở Guayaquil, thành phố lớn thứ hai của Ecuador đã sụp đổ.

Theo CNN, Guayaquil là một trong những nơi bị đại dịch Covid-19 tấn công mạnh nhất thế giới.

img
Thi thể người chết vì Covid-19 bị bỏ ngoài đường. Ảnh: CNN

Tháng trước, thành phố cảng với gần 3 triệu dân này đã trở nên nổi tiếng toàn cầu khi xuất hiện các đoạn video ghi lại cảnh những thi thể bị bỏ trên đường phố do nhà xác, nhà tang lễ quá tải. Nhiều gia đình buộc phải để xác người thân ngoài đường vì sợ lây nhiễm và bốc mùi.

Ba bác sĩ làm việc ở các bệnh viện khác nhau tại Guayaquil cho CNN biết, các bệnh viện bị quá tải do hệ thống y tế chưa được chuẩn bị, không thể cung cấp cho người bệnh mức chăm sóc cơ bản. Các bác sĩ này đều đề nghị giấu tên vì sợ mất việc.

“Mọi người đều sợ hãi”, một bác sĩ nói về những ngày tồi tệ nhất. “Những người ốm thật sự tới bệnh viện và chết dần. Có thời điểm, có hàng chục thi thể nằm đó để chờ được nhân viên nhà xác đưa đi. Không còn túi đựng xác nào”.

Số người chết vượt quá khả năng của các nhà tang lễ và nhà xác trong thành phố. Một bác sĩ kể, ông thường thấy 3-4 thi thể nằm trên sàn bệnh viện mỗi ngày. “Chúng tôi không còn nơi nào để đặt xác”.

Trong một video, một gia đình đưa thi thể người thân ra khỏi ô tô, đặt xuống khu đỗ xe của bệnh viện và không biết phải làm gì tiếp theo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.