Tình yêu cho bạn sức mạnh khiến cả thế giới ngờ vực, nhưng tình yêu không bất biến, nó là thứ mong manh dễ rơi vỡ nhất. Nhất là khi bạn một mình chống chọi với cơm áo gạo tiền, một mình gánh cả hai vai cha và mẹ, như bà Jane Wilde, người vợ đầu của giáo sư vật lý Stephen Hawking.
Tôi follow trang Facebook của Nhà vật lý Stephen Hawking (có hơn 4 triệu người theo dõi) rất lâu trước khi ông mất.
Tôi không hiểu gì mấy chữ tiếng Anh chuyên ngành vật lý, không hứng thú với các sách báo, công trình nghiên cứu khoa học cao siêu, nhưng tôi cũng như vô vàn người hâm mộ khác theo dõi ông để thêm niềm tin vào cuộc đời này.
Ông chính biểu tượng của sự sống, biểu tượng của trí tuệ, của niềm tin “những điều tốt đẹp sẽ được hoàn trả bằng sự tốt đẹp”.
Hơn hết, ông là một chứng lý cho câu hỏi nhiều người còn nghi hoặc: tình yêu có thể tái sinh sự sống hay không?
Ở tuổi 21 ngời ngời hoài bão về cuộc đời, ngùn ngụt ý chí cống hiến khoa học, cậu trai trẻ Stephen Hawking được chẩn đoán sẽ chết vì một bệnh về thần kinh vận động. Không có hi vọng cứu chữa, và tuyệt vọng nhìn chứng teo cơ tiến triển rất nhanh, Stephen Hawking suy sụp trước án tử mà bác sĩ “phán”: anh chỉ sống thêm được 2 năm.
Nhưng phép nhiệm màu đã cứu chàng trai, đó là tình yêu của nữ sinh cùng trường, một cô gái đẹp trong veo, duyên dáng. Bất chấp hết những trở ngại, Jane Wilde quyết ở bên người mình yêu.
Một ngày nào đó đôi chân chàng không còn vững? Một ngày nào đó đôi tay không thể cử động, hay thậm chí trước mặt là cái chết? Hẳn Jane Wilde đã hình dung. Nên khi chàng trai Stephen Hawking trốn tránh, chối từ, cô quyết không bỏ cuộc.
Tình yêu giúp ông sống qua án tử 2 năm, và sáng tạo không ngừng cho thế giới để có ngành vật lý thiên văn vĩ đại ngày nay.
Tình yêu nảy mầm để ba đứa con ra đời và người đàn ông dần dà mất hết khả năng vận động ấy sống sót một cách kỳ lạ tới tận tuổi 76, trên chiếc xe lăn. Thứ duy nhất ông có thể ngọ ngoạy là một bàn tay.
Ngày 14/3/2018, Stephen Hawking ngừng thở. Sách báo nói về Jane Wilde không nhiều, hầu như bài nào viết về bà cũng nhấn mạnh hai điểm: đam mê văn chương và sùng đạo.
Nếu từng ở gần một phụ nữ yêu văn học, có thể bạn sẽ hiểu hơn, vì sao họ có thể biến mọi vất vả, bi kịch quanh mình thành những điều sáng tươi, lãng mạn. Chúng ta hay nói "yêu như thế chỉ có trong sách vở" vì những chuyện tình trong văn chương hầu hết là thứ tình yêu duy mỹ và tuyệt đối.
Đã yêu, thì dù anh ấy/ cô ấy thế nào, cũng được chiếu trong lăng kính đẹp đẽ, tốt lành, làm bền chặt niềm tin tưởng, làm ngân dài cảm xúc thân thương.
Nhưng hạnh phúc vốn là bản nhạc khó viết toàn vẹn. Nỗi cô đơn gồng gánh gia đình và những buồn tủi đàn bà bên người chồng suy kiệt sức khỏe đã đẩy trái tim bà Jane Wilde Hawking - lúc này đã ở tuổi trung niên, tới với một người đàn ông khác - cũng là bạn thân của gia đình.
Song Jane Wilde hẳn đã vật vã đấu tranh giữa quyền sống hạnh phúc của mình bên người đàn ông khác và bổn phận với người chồng tàn tật. Cuối cùng, bà chọn ở lại bên chiếc xe lăn của chồng, chỉ giữ quan hệ bạn bè với người đàn ông nọ.
Bổn phận và trách nhiệm khiến người ta sống bên nhau tốt đẹp, nhưng không thể khiến trái tim an ổn. Nhà khoa học với cái đầu bất động, toàn thân bất động, chỉ còn ngón tay ngọ ngoạy điều khiến máy đọc suy nghĩ, vẫn nảy sinh tình yêu với cô y tá thân cận và ông kiên quyết ly hôn để bắt đầu một đoạn đời mới.
Ông ra ngoài ở riêng, rồi kết hôn với người vợ sau. Tiếc là cuộc hôn nhân này không êm đẹp như mong ước. Họ chia tay nhau.
Bộ phim The Theory of Everything (Thuyết yêu thương) được Hollywood dựng năm 2014 (chuyển thể từ hồi ký Travelling to Infinity: My Life With Stephen của bà Jane) đã tái hiện lại tình yêu của họ. Phim khiến khán giả khắp thế giới thổn thức.
Một điểm nhấn lung linh của câu chuyện tình yêu được phim khái thác là sự quay lại của bà Jane Wilde với nhà khoa học sau 11 năm xa cách, lúc ông vô cùng già yếu.
Ông sống tiếp 12 năm cuối đời trong hạnh phúc. Một cái kết “happy end” khiến cả thế giới ngưỡng mộ.
Bà Jane Wilde đã phát biểu với báo giới: "Cuộc sống với Stephen nhiều lúc khiến tôi muốn tự sát, nhưng sau cùng, tôi vẫn yêu ông”. Bản tình ca của ông bà chứng minh rằng: chỉ tình yêu mới đáp trả được tình yêu và tái sinh những điều tốt đẹp.
Tôi tin chỉ tình yêu mới đáp trả được tình yêu, còn bạn?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận