Vì sao vẫn thi công chậm?
Thông tin về tình hình thi công cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, tiến độ đoạn dự án này đến nay đạt hơn 20% giá trị hợp đồng, chậm 3,2% so với kế hoạch.
Trong đó, đoạn Cần Thơ - Cà Mau đạt hơn 23%, đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt hơn 18%.
Theo chủ đầu tư, các nhà thầu đã huy động hơn 1.000 kỹ sư, công nhân cùng hàng trăm thiết bị triển khai 167 mũi thi công trên toàn dự án. Tuy nhiên tiến độ của dự án vẫn bị chậm do nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên còn vướng 67 trường hợp. Ngoài ra, đoạn tuyến nối từ nút giao IC2 – quốc lộ 1A còn khoảng 200m vướng bãi rác chưa di dời; việc di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt 7 vị trí điện cao thế nhìn chung còn chậm.
Bên cạnh đó, nguồn vật liệu cát đắp cho dự án gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã quan tâm bố trí cho dự án được 16/18,5 triệu m3.
Nhưng đến nay các nhà thầu mới hoàn thiện thủ tục để khai thác 8 mỏ mới và tăng công suất các mỏ đang khai thác với trữ lượng là 9 triệu m3 cát. Còn lại 7 mỏ, trong đó An Giang 5 mỏ, Vĩnh Long 2 mỏ vẫn đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong tháng 2/2024.
"Thực tế các nhà thầu đang khai thác 5 mỏ tại Đồng Tháp và 1 tại An Giang, bình quân 14.000m3/ngày. Trường hợp đồng loạt khai thác toàn bộ 16 mỏ bắt đầu từ tháng 2/2024 với trữ lượng khoảng 11,5 triệu, thì công suất khai thác bình quân đạt 34.000m3/ngày.
Với công suất này đến tháng 10/2024 là thời gian dự kiến đắp xong gia tải thì chỉ đưa về công trường được khoảng 9 triệu m3 .
Với công suất khai thác theo ngày như hiện nay, đến tháng 10/2024 còn thiếu khoảng 5 triệu m3 mới đáp ứng yêu cầu", Ban quản lý dự án Mỹ Thuận phân tích.
Nỗ lực thi công xuyên Tết
Cũng theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, song song với việc phối hợp cùng với các địa phương hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ cát phục vụ cho dự án, Ban cũng đã đề ra các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian chậm tiến độ của dự án.
Theo đó, Ban chỉ đạo các nhà thầu tổ chức phân chia công địa thi công theo thứ tự ưu tiên những đoạn có thời gian chờ lún lâu triển khai thi công trước. Đồng thời thi công dứt điểm từng phân đoạn đến cao độ gia tải để tổ chức theo dõi quan trắc. Trong đó, ưu tiên đường cao tốc và tuyến nối từ IC2 - Nam Sông Hậu.
"Kế hoạch năm 2024, dự án phải đạt tối thiểu 60% giá trị hợp đồng. Trong đó, hoàn thành toàn bộ đường công vụ; thi công đồng loạt cầu và xong đến bê tông bản mặt cầu cho 100% cầu trên tuyến; Đắp xong 100% cát gia tải", Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết thêm.
Trước tình hình trên, các nhà thầu đã tập trung thi công cầu trên tuyến và đường công vụ. Đồng thời huy động nhân lực tăng ca, tăng kíp, làm ngày làm đêm để bù đắp tiến độ.
Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, các nhà thầu thi công cũng đã có kế hoạch thi công xuyên tết Nguyên đán.
"Để đảm bảo bù đắp tiến độ của dự án, kỳ nghỉ Tết này, các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch, phân công công lực lượng kỹ sư và công nhân duy trì các mũi thi công", ông Tuân nói.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km, tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận