Theo ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc như hiện nay thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, ngành Giao thông và không thể tách rời sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chọn lĩnh vực đột phá để tăng trưởng bền vững
Trong gần 3 nhiệm kỳ giữ cương vị cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại khối lượng đồ sộ về thể chế. Riêng với phát triển hạ tầng - một trong ba đột phá chiến lược, dấu ấn của Tổng Bí thư được thể hiện qua những điểm nào, thưa ông?
Để có được cơ sở hạ tầng giao thông như ngày hôm nay chính là nhờ suốt 13 năm qua, ngay từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định, một trong những đột phá chiến lược là phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.
Đến Đại hội XII, XIII, các Nghị quyết tiếp tục kế thừa và xác định xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược.Đại hội XI ghi dấu ấn đặc biệt khi năm đó Đảng thông qua Cương lĩnh sửa đổi Cương lĩnh 1991, hay còn gọi là Cương lĩnh 2011.
Trên cơ sở của Cương lĩnh 2011, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chọn ra những lĩnh vực đột phá để đất nước có thể tăng trưởng nhanh, bền vững. Một trong số đó là hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Nếu cơ sở hạ tầng không phát triển tốt thì sẽ cản trở kinh tế xã hội phát triển.
Khi đã có nghị quyết, nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị là phải triển khai bằng các nghị quyết chuyên đề.
Và trong nhiệm kỳ Đại hội này, trong chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư đã đưa vào chuyên đề về phát triển cơ sở hạ tầng.
Từ đây, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 12 về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bao gồm hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, dầu khí… Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định 15 để triển khai thực hiện.
Điểm đột phá của Nghị quyết 12 về cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải chính là tiến hành cải tạo lại toàn bộ hệ thống quốc lộ 1 dọc trục Bắc - Nam và bắt đầu nghiên cứu, triển khai tuyến đường bộ cao tốc.
Trong giai đoạn từ 2011-2015, chúng ta huy động được nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế khác để đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông.
Tầm nhìn chiến lược qua mỗi kỳ Đại hội
Qua ba nghị quyết của Đại hội Đảng gần đây, các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng đã được kế thừa, bổ sung như thế nào và cho thấy tầm nhìn chiến lược ra sao thưa ông?
Qua mỗi kỳ đại hội, dựa vào tiềm lực kinh tế của từng thời điểm, chúng ta biết mình biết người, chọn được vấn đề mấu chốt để khi đầu tư sẽ tạo được hiệu quả, lan tỏa tới nền kinh tế lớn nhất.
Ở giai đoạn Đại hội XI, do nguồn lực kinh tế hạn chế, chúng ta mới chỉ tập trung vào đường bộ và một phần hàng hải.
Đến Đại hội XII, chúng ta hoàn thiện hệ thống hàng hải và bắt đầu tập trung cho hàng không.
Sau đó, từ cuối nhiệm kỳ Đại hội XII, đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, chúng ta bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng không rơi vào khủng hoảng và vận tải đường thủy, hàng hải và vận tải đường sắt dần lên ngôi.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vấn đề đường sắt tốc độ cao một lần nữa được đẩy mạnh và sắp tới sẽ trình Trung ương. Hy vọng, từ nay đến cuối năm, nghị quyết về phát triển đường sắt tốc độ cao sẽ được thông qua.
Cú hích cho "cỗ xe kinh tế"
Theo ông, nhờ đâu các nghị quyết của Đảng được nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả cụ thể, có thể cân, đo, đong, đếm được như hiện nay trong lĩnh vực hạ tầng giao thông?
Từ khi thực hiện Cương lĩnh 2011 đến nay, các nhiệm vụ đột phá hạ tầng giao thông có được thành công chính là nhờ Ban chấp hành Trung ương của các nhiệm kỳ Đại hội đã triển khai rất sáng tạo, chủ động tinh thần của Cương lĩnh và các vấn đề đột phá mà nghị quyết các kỳ đại hội đưa ra.
Những người làm công tác nghiên cứu như chúng tôi hay ví von rằng, những đột phá này là cú hích để "cỗ xe kinh tế" có đà phát triển.
Theo cá nhân tôi, dấu ấn đậm nét của Tổng Bí thư cùng với Thường trực Ban Bí thư và lãnh đạo chủ chốt của Đảng nằm ở việc chọn vấn đề, chọn chủ đề và tổng hợp để xây dựng nghị quyết trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định.
Ngoài những chỉ đạo mang tính tổng thể, đưa ra chủ trương mang tính chất vĩ mô khi họp Trung ương hoặc dự họp chuyên đề cùng Chính phủ, theo ông, dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn được thể hiện qua những điểm nào?
Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Tổng Bí thư có thông lệ rất đặc biệt, đó là dự cuộc họp tổng kết cuối năm cùng tập thể Chính phủ và 63 địa phương. Ba năm liền (năm 2021, 2022, và 2023), Tổng Bí thư đều đến chỉ đạo tại các buổi tổng kết của Chính phủ.
Những phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư ở các cuộc họp vừa có tính chất nhắc lại các định hướng chiến lược phát triển trong nghị quyết của Đảng, vừa gợi mở những vấn đề đang phát sinh cần giải quyết.
Trong các chỉ đạo hàng năm, Tổng Bí thư bao giờ cũng nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện bằng được ba đột phá chiến lược nhưng đồng thời phải đánh giá lại để làm sao tốc độ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư, trong ba năm trở lại đây số km đường bộ cao tốc của Việt Nam được đưa vào khai thác rất lớn, gấp bốn lần so với các nhiệm kỳ trước. Dù đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhưng không thể tách rời sự chỉ đạo sát sao của Tổng bí thư.
Sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông đã góp phần quan trọng ra sao đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước thời gian qua, thưa ông?
Từ Đại hội XI đến nay, việc chúng ta huy động tổng lực nguồn lực của Nhà nước, của các thành phần kinh tế khác vào phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn.
Đến nay, sơ bộ huy động hơn 400 nghìn tỉ từ các thành phần kinh tế khác và thêm khoảng 250 nghìn tỷ vốn đầu tư công trong ba năm của nhiệm kỳ vào các dự án giao thông. Như vậy, riêng để phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, chúng ta đã dồn nguồn lực cỡ 650 nghìn tỷ đồng, tương đương thu ngân sách quốc gia của cả năm 2015.
Thực tế, khi hạ tầng giao thông thông suốt đã mang lại nhiều lợi ích, trong đó cảm nhận rõ nhất là giúp rút ngắn được thời gian lưu thông của hàng hóa, hành khách ở mọi vùng, mọi miền của đất nước, kết nối giao thương, thúc đẩy đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu…
Với sự phát triển nhanh của hệ thống đường cao tốc, nâng cấp đường sắt và hàng không, hàng hải, chi phí logistics trong nước ngày một giảm xuống.
Việc tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có cơ sở hạ tầng giao thông là một điều kiện tiên quyết nếu muốn trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sáng 8/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị và có bài phát biểu bế mạc quan trọng.
Trong đó ông nhấn mạnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm tăng gần 5% với khoảng 110.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, góp phần đưa 659km đường bộ cao tốc Bắc - Nam vào sử dụng và đang tiếp tục hoàn thành, khởi công nhiều dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho đất nước... Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đây là một kết quả rất tốt mà chúng ta cũng cần tham khảo, rút kinh nghiệm. Đã làm gì thì làm tập trung dứt điểm, xong việc này mới làm việc khác".
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông:
Vai trò người đứng đầu trong xây dựng chiến lược
Có thể nhận thấy rõ, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Có được kết quả này, trước hết là nhờ đường lối đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Từ Nghị quyết Đại hội lần thứ X đến Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đều xác định các đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó giao thông có vai trò quan trọng.
Đặc biệt, Nghị quyết XIII có những nội dung cụ thể hơn, là động lực cho kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ hơn. Theo đó, xác định rõ các đầu công việc về phát triển hạ tầng giao thông quan trọng cần phải thực hiện, cụ thể đến dự án, công trình. Ví dụ, Nghị quyết XIII nêu cụ thể: Phát triển đường bộ cao tốc và xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến 2030 phải hoàn thành 5.000km trên cả nước; Quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, làm công tác chuẩn bị với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để có thể khởi công trước năm 2030; Năm 2025, đưa cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác…
Từ các chủ trương, định hướng cụ thể này của Đảng, các cấp, các ngành ban hành các chương trình, kế hoạch hành động, triển khai thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là đã tập trung bố trí được nguồn lực để thực hiện các mục tiêu về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; trong khi trước đây nêu chung chung là huy động các nguồn lực.
Cùng đó, vì xác định mục tiêu cụ thể như vậy nên trong tổ chức triển khai, từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều xác định trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện. Do vậy, tạo sức bật cho phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn này, đưa việc thực hiện các mục tiêu này đã và đang về đích theo đúng Nghị quyết XIII đã hoạch định.
Riêng đường sắt, các chủ trương của Đảng về phát triển lĩnh vực này, thể hiện tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Kết luận 49 của Bộ Chính trị và các văn kiện khác đã tạo nên bước ngoặt, đột phá ttrong hay đổi về nhận thức của các cấp, các ngành, của xã hội nói chung là: Giai đoạn này phải tập trung đầu tư cho đường sắt vì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng đã định hướng phát triển các vùng miền, các vùng kinh tế như Đồng bằng Bắc bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, các đô thị như Hà Nội, TP.HCM… Trong đó, chú trọng rất cao giao thông kết nối, vận tải kết nối liên vùng.
Từ các chủ trương, định hướng này, các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu cụ thể, tạo nên các bước ngoặt trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN:
Hạ tầng giao thông lột xác nhờ được quan tâm đặc biệt
Đại hội Đảng XI, XII, XIII đều đưa phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược để đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ngay sau Đại hội Đảng XI, đến đầu năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết đặc biệt là Nghị quyết 13, đề cập riêng về vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng. Điều này thể hiện sự quan tâm và sự quyết tâm rất lớn của Đảng.
Tuy nhiên, những năm đầu Đại hội XI gặp phải rất nhiều trắc trở trong phương pháp triển khai nên tiến độ đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông chưa đạt được như đúng kỳ vọng.
Song, phải khẳng định, với sự quan tâm, định hướng cụ thể của Đảng, 15 năm qua, hạ tầng giao thông đã có sự lột xác mạnh mẽ. Minh chứng là kết quả phát triển hệ thống đường bộ cao tốc - mạch máu chính của nền kinh tế trong những năm gần đây.
Dấu ấn phải kể đến là sự đột phá hạ tầng giao thông sau Đại hội Đảng XIII. Trong 3 năm gần đây, chúng ta đã có hơn 800km đường bộ cao tốc và tự tin hướng tới đạt mốc 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025, góp phần rút ngắn thời gian lưu thông, thu hút đầu tư nước ngoài, kết nối các vùng trung tâm đô thị, phát triển kinh tế.
Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các khó khăn trong thực tiễn triển khai dự án giao thông lớn đã nhận được sự vào cuộc chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Quốc hội. Cách thức triển khai không ngừng được cải tiến, cải tạo.
Chiến lược đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông của Đảng đã kích hoạt sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương, địa phương, các cơ quan quản lý đến doanh nghiệp xây lắp.
Định hướng đột phá ấy đã hình thành một đội ngũ xây dựng ngành giao thông Việt Nam trưởng thành về năng lực thực hiện, chuyên môn sâu, chuyên nghiệp hoá.
Có thể nói, hiện tại, ngành Giao thông đang là một trong những ngành có lực lượng từ khảo sát, thiết kế, thi công tiệm cận với công nghệ thi công hiện đại bậc nhất thế giới.
Sự lớn mạnh của ngành Giao thông nói chung, doanh nghiệp giao thông nói riêng cũng còn nhờ vào sự hiện diện khích lệ kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Năm 2016, hầm đường bộ Đèo Cả - công trình hầm đường bộ đầu tiên do doanh nghiệp giao thông Việt thực hiện đã vinh dự được đón Tổng Bí thư đến thăm. Với sự ân cần thăm hỏi từng kỹ sư, công nhân, chuyến đi ấy của Tổng Bí thư không chỉ khích lệ tinh thần hăng say thi đua lao động mà còn thắp lên những khát vọng lớn, trí tuệ và sự quyết tâm của những người làm giao thông.
Thoát khỏi việc phụ thuộc vào tư vấn, nhà thầu ngoại, giờ đây, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại đã tạo nền tảng, động lực để nhà thầu, kỹ sư Việt tìm tòi, sáng tạo, làm chủ công nghệ từ khảo sát, thiết kế, thi công những công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp như: đường bộ cao tốc, hầm xuyên núi, cầu dây văng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận