Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất cùng với việc công bố lựa chọn TP.HCM là thành phố sáng tạo trong điện ảnh cùng với việc tiếp thu các ý kiến đóng góp và đề ra các giải pháp hỗ trợ đầu tư, là bước đi đầu tiên để điện ảnh TP.HCM vươn đến một tầm cao mới, xứng tầm là một trong hai trung tâm điện ảnh hàng đầu cả nước.
TP cho vay tối đa 200 tỷ đồng trong 7 năm không tính lãi
Tiềm năng phát triển điện ảnh của TP.HCM là rất lớn. GS.TS Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông bày tỏ, hy vọng TP.HCM sẽ có một cơ chế đặc thù để phát triển ngành điện ảnh như là ngành công nghiệp mũi nhọn.
Theo nguồn số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển và Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, năm 2020, tổng số lao động ngành điện ảnh tại TP.HCM là 8.499 người, trong lao động có trình độ đại học chiếm chủ yếu với 3.210 người; cao đẳng, cao đẳng nghề có 1.211 người.
TP.HCM có khoảng 819 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh, trong đó, chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân với 817 cơ sở (chiếm 99,75%). Hai hãng phim Nhà nước thực hiện cổ phần hóa là Công ty cổ phần Phim Giải Phóng (tiền thân là Hãng phim Giải Phóng) và Công ty TNHH MTV phim Nguyễn Đình Chiểu (Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu).
Điều đáng chú ý là quy mô của các cơ sở hoạt động trong ngành điện ảnh tại TP.HCM chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những con số cụ thể cho thấy quy mô lao động của các cơ sở chủ yếu ở nhóm dưới 10 lao động chiếm trên 86,57%), cơ sở trên 200 lao động chỉ chiếm 0,49%.
Quy mô vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành điện ảnh đa số dưới hoặc bằng 100 tỷ chiếm 98,04%, doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ chỉ chiếm 1,95% tổng số cơ sở điện ảnh. Chỉ có một số ít doanh nghiệp điện ảnh có quy mô và vốn đầu tư khủng.
Vấn đề đặt ra là vốn đầu tư cho điện ảnh là một bài toán giải quyết hết sức khó khăn.
Bản thân TP.HCM cũng chưa thu hút được chú ý sự đầu tư của các tập đoàn giải trí lớn của nước ngoài trong việc hợp tác phát triển thị trường điện ảnh.
Nhà sản xuất Will Vũ - CEO của Muse Films có nói về tỉ lệ vốn đầu tư trong một bộ phim với sự kêu gọi góp vốn từ nhiều nguồn và những khó khăn trong quá trình huy động vốn.
Câu trả lời của ông Nguyễn Quang Thanh - Phó giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) cho biết, thành phố sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp lĩnh vực điện ảnh vay tối đa 200 tỷ đồng trong 7 năm và không tính lãi suất. Nếu vay cao hơn 200 tỷ thì mới phải tính lãi suất và có một bộ phận chuyên trách để phục vụ cho việc vay vốn này.
Trong đề án phát triển công nghiệp văn hóa tại TP.HCM đã được UBND TP.HCM phê duyệt, ngành công nghiệp điện ảnh của thành phố là một trong 8 ngành trọng điểm phát triển đến năm 2030.
Theo đề xuất của dự án, tổng nhu cầu vốn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030 là hơn 14.600 tỷ đồng.
Giản tiện thủ tục xin giấy phép ở nhiều cửa
Nữ diễn viên kiêm nhà đầu tư Mai Thu Huyền đặt ra vấn đề TP.HCM cần phải có những phim trường rộng lớn, không chỉ để phục vụ việc quay phim, mà còn để phát triển du lịch.
Bà Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cũng cho biết định hướng của TP.HCM là biến bán đảo Thanh Đa thành nơi xây dựng phim trường trong tương lai.
Gợi ý thêm về việc phát triển điện ảnh với nguồn đầu tư từ quỹ, bà Joanne Gon - Chủ tịch Liên hoan phim MIFFest ở Malaysia giới thiệu mô hình quỹ hỗ trợ các nhà làm phim của chính phủ Malaysia và cho rằng ở Việt Nam chưa có quỹ hỗ trợ này là một thiệt thòi lớn. Đây cũng là một gợi ý để cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung xem xét.
Khi nhà đầu tư kiêm nữ diễn viên Mai Thu Huyền lên tiếng phản ánh về tình hình xin giấy phép nhiều cửa rất phiền phức và mất thời gian khi quay một bộ phim tại TP.HCM, thì ý kiến trước đó của bà Emmanuelle Pavillon-Grosser Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM là một gợi ý tốt cho trường hợp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser cho biết, tại Pháp, khi xin giấy phép để thực hiện một bộ phim thì tất cả đều là thủ tục tập trung tại một cơ quan, một cửa, dẫu cho bộ phim có nội dung gì đi chăng nữa.
TP.HCM có thể trở thành thương hiệu điện ảnh
Trả lời cho câu hỏi của bà Ngô Bích Hạnh, người sáng lập kiêm Phó chủ tịch cấp cao của tập đoàn BHD về việc TP.HCM cần phải làm gì để có một thương hiệu điện ảnh riêng thì ông Marc E. Knapper Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết, các bộ phim của Mỹ đã làm New York và Los Angeles trở thành các địa điểm vô cùng quen thuộc với khán giả toàn cầu.
Như vậy thì các bộ phim với nội dung và cảnh quay tại một quốc gia/địa phương có thể ảnh hưởng như một “quyền lực mềm” đến việc hình ảnh và thương hiệu của đất nước, địa phương đó.
TP.HCM có nhiều lợi thế về mặt văn hóa, lịch sử, xã hội, kinh tế, nhân lực và hoàn toàn có thể trở thành một thương hiệu điện ảnh nếu biết tận dụng thế mạnh này.
Ông Kim Donghyun - Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) cho biết, điện ảnh Hàn Quốc không chỉ thực sự giúp xây dựng thương hiệu quốc gia mà còn có thể giúp công nghiệp thời trang, các sản phẩm làm đẹp các sản phẩm công nghệ của Samsung, LG cũng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Ông cũng nhấn mạnh, TP.HCM cần có thời gian, song quan trọng nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Điện ảnh Hàn Quốc thành công ở bình diện quốc tế, cần phải mất đến 30-40 năm. Chính phủ đã nới lỏng kiểm duyệt nội dung phim, bỏ bớt các giấy phép, nhằm tự do hóa sản xuất phim, thành lập Học viện điện ảnh Hàn Quốc (KAPA) là nơi đào tạo ra những đạo diễn nổi tiếng như Bong Joon Ho (đạo diễn phim Parasite), Im Sang So (phim The Housemaid), Kim Tae Yong (phim Late Autumn)… thành lập Tổng Công ty Xúc tiến điện ảnh, Hội đồng điện ảnh. Chính phủ Hàn Quốc cũng thông qua tỉ lệ phân bổ hạn ngạch phim nước ngoài để bảo vệ điện ảnh nội…
Về cơ chế hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực phim ảnh, ông Kim Dong Hyun mong mỏi sau Liên hoan phim quốc tế TP.HCM sẽ tạo ra một mạng lưới để hỗ trợ các nhà sản xuất phim ở Việt Nam trong mối quan hệ với các đối tác nước ngoài.
Bà Manijeh Fata - Giám đốc điều hành Ủy ban phim San Francisco đưa ra ý tưởng một mô hình liên kết các thành phố kết nghĩa để hỗ trợ cho nhau về giao lưu văn hóa nói chung và hợp tác điện ảnh nói riêng.
Bà Manijeh Fata bày tỏ hy vọng trong tương lai TP.HCM có thể kết nghĩa với thành phố San Francisco và nhiều thành phố khác để tận dụng các mối quan hệ, thúc đẩy điện ảnh phát triển.
Về cơ hội đưa phim Việt Nam ra thị trường nước ngoài, ông Thiên A Phạm - đại diện 3388 Films là đơn vị đang phát hành nhiều dự án phim Việt tại một số nước cho biết, việc thăm dò thị hiếu của thị trường mỗi nước là rất quan trọng và hiện nay phim Việt ra với thế giới chủ yếu vẫn dựa vào lượng khán giả là kiều bào ở xa tổ quốc rồi mới tính đến việc thu hút khán giả nước ngoài.
Tuy vậy, bằng kinh nghiệm thực tế, ông Thiên A Phạm khẳng định việc đưa phim Việt ra nước ngoài không khó khăn vì cơ chế, thủ tục đã tương đối dễ dàng. Vấn đề quan trọng nhất là chọn phim cho phù hợp với đối tượng khán giả mà phim hướng tới.
TS. Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM thì đưa ra 4 đề nghị:
Xúc tiến nhanh việc hoàn chỉnh đề án để TP.HCM trở thành thành phố sáng tạo điện ảnh; Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực mang tính dẫn dắt trên lĩnh vực điện ảnh từ đội ngũ sáng tác, đạo diễn, diễn viên, kinh doanh điện ảnh; Mở rộng hợp tác đầu tư nước ngoài và có chính sách dùng quỹ đất để phục vụ cho công nghiệp điện ảnh;
Cần thiết phải áp dụng Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong đó tại khoản 5 Điều 4 quy định: "Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa…" nhằm xây dựng và khai thác có hiệu quả các thiết chế, cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ cho sự phát triển của ngành điện ảnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận