Tại hội thảo nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia bàn về giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt |
Đó là ý kiến của các đại biểu trong hội thảo “Giải pháp phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP HCM” được tổ chức sáng 4/12 do Sở GTVT TPHCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải phóng.
Người dân phàn nàn về "tính đúng giờ" của xe buýt
Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm QL&ĐH VTHKCC TP HCM cho biết, hiện TP có 136 tuyến xe buýt, 56 tuyến vận chyển công nhân… đã ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân TP. Tuy nhiên từ năm 2013 đến nay khối lượng vận chuyển có chiều hướng giảm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm chuyến xe buýt theo ông Phúc là chưa có chính sách ưu tiên cho xe buýt lưu thông, vẫn phải lưu thông chung với phương tiện cá nhân. Vì vậy xe buýt chưa phải là lựa chọn của người dân vì vẫn chưa đảm bảo tính chính xác về hành trình và thời gian. Điều kiện hạ tầng cho xe buýt còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thiếu các điểm trung chuyển nên mạng lưới xe buýt không đảm bảo tính liên thông. Đây cũng là nguyên nhân gây trùng tuyến. Ngoài ra văn hóa ứng xử của một bộ phận không nhỏ đội ngũ lái xe, tiếp viên và nhân viên điều hành tại các nhà ga hành khách.
Nhiều ý kiến cho rằng cần có làn đường dành riêng cho xe buýt |
Để thu hút người dân đi lại bằng xe buýt, Trung tâm đã tiến hành các cuộc khảo sát nhằm xem xét lý do hành khách không sử dụng xe buýt. Kết quả cho thấy nhiều nguyên nhân dẫn đến hành khách không hài lòng về xe buýt như thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt chưa tốt, tiện nghi xe buýt chưa đảm bảo…
“Tuy nhiên nội dung khiến chúng tôi hết sức quan tâm là hành khách phàn nàn về “tính đúng giờ” của xe buýt và kiến nghị cần nâng cao tính đúng giờ thì sẽ thu hút được người dân”, ông Phúc nói.
Cụ thể, qua tiến hành khảo sát của Trung tâm, 963 hành khách có 116 hành khách không hài lòng về tính đúng giờ của xe buýt, kết quả khảo sát trên website cũng cho thấy trong tổng số 2.761 lượt bình chọn, trong đó có 241 lượt không hài lòng về tính đúng giờ.
Trước thực trạng trên, Trung tâm đã đề xuất nghiên cứu xây dựng làn đường dành riêng và làn đường ưu tiên cho xe buýt (đối với tuyến đường có bề mặt rộng mặt đường phù hợp bố trí tối thiểu 3 làn xe). Tùy đặc thù cụ thể của từng tuyến đường mà áp dụng các mô hình cho phù hợp đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách và người dân.
Cần dành đường ưu tiên cho xe buýt
TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ ngành Chính sách công và giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, xe buýt có chiều hướng giảm chuyến bởi nguy cơ người dân sẽ chuyển phương tiện xe gắn máy sang ô tô. Nếu nhà nước hạn chế xe máy nên theo lộ trình và chỉ lên thực hiện khi hệ thống vận tải công cộng tiện lợi cho người dân. TP cũng cần nghiên cứu ưu tiên đặt tuyến đường dành riêng cho xe buýt.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt - Đức phát biểu tại hội thảo |
Cùng quan điểm, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt - Đức nhận định, TP HCM nên nghiên cứu các tuyến đường xe ưu tiên dành cho xe buýt, phát triển xe buýt vì đáp ứng được năng lực thông hành, đảm bảo an toàn và môi trường. Trước mắt không nên hạn chế xe cá nhân mà phải có chiến lược sửa đổi về quy hoạch, lấy vận tải công cộng làm nền tảng cơ sở cho đô thị hạ tầng.
Trong khi đó, TS Phạm Sanh, chuyên gia ngành GTVT tại TP HCM cho rằng đã có quá nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng nhưng vẫn chưa xác định được đúng nguyên nhân người dân thờ ơ với xe buýt. Cần phải xác định xe buýt là phương tiện vận tải chính phục vụ người dân, do vậy giải quyết bài toán này thì cần lấy dân làm gốc.
Đồng thời Sở GTVT cũng nên coi lại năng lực các tư vấn, chuyên gia. Tránh tình trạng có quá nhiều “thầy bói” rốt cuộc, khối lượng vận chyển xe buýt vẫn ngày một giảm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận