Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu trong hội thảo sáng 29/3 tại TP.HCM |
Sáng 29/3, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo bàn giải pháp giảm ùn tắc giao thông (UTGT), giảm TNGT giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP, do Sở GTVT TP.HCM phối hợp trường Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức.
TNGT giảm, ùn tắc GT ở mức báo động
Nội dung buổi tọa đàm bàn về 7 giải pháp giảm ùn tắc GT giai đoạn 2016-2020 gồm: Khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng GT hiện hữu; Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng GT; Nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, kiểm soát phương tiện GT cá nhân; Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Luật GT Đường bộ; Tăng cường công tác kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm; Điều phối các lực lượng trong công tác điều tiết giao thông; Kiên quyết lập lại trật tự lòng lề đường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định: Trong những năm qua TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu ùn tắc GT, kiềm chế TNGT và đã có những chuyển biến tích cực về số vụ, số người chết và bị thương. Tuy nhiên tình trạng ùn tắc GT vẫn còn mức báo động bởi một số nguyên nhân, chẳng hạn như quy hoạch sử dụng đất tại TP.HCM đang có những bất cập làm phát sinh nhu cầu đi lại, điều này tạo sức ép rất lớn hạ tầng TP.
Thứ trưởng Đông cho rằng, việc giảm ùn tắc GT là bài toán tổng thể đòi hỏi nhiều giải pháp và sự quyết liệt hơn nữa của Trung ương, địa phương, cần tận dụng tối đa nguồn lực. Đồng thời, cần bố trí vốn giải quyết các vấn đề cấp bách về hạ tầng, tổ chức và quản lý tốt hạ tầng vốn có và có những phương hướng lâu dài để giảm ùn tắc GT trên địa bàn TP.
Tại TP.HCM, vẫn còn nhiều điểm kẹt xe trầm trọng vào giờ cao điểm |
Tạo sự đột phá về chính sách
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia là các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành GTVT phát biểu và đóng góp các ý kiến bổ sung về các giải pháp trên. TS. Võ Kim Cương, nguyên phó giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc TP.HCM, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, để triển khai tốt các chương trình giảm ùn tắc GT và TNGT, cần đổi mới quan điểm và tư duy, từ đó tạo đột phá về chính sách, trước hết là chính sách tài chính.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đã dẫn ra hàng loạt các nguyên nhân gây ra UTGT, TNGT như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, vỉa hè bị chiếm dụng, xe gắn máy quá nhiều… Ông Hiệp đề nghị, TP tăng thuế lưu hành xe 4 bánh các loại (trừ xe buýt), dần dần đến tăng thuế lưu hành cả xe 2 bánh. Đây không phải là hình thức tận thu, mà tiến dần đến hạn chế xe cá nhân các loại và tạo điều kiện đẩy mạnh việc phát triển GTCC trong đô thị ngày càng đông dân. Công việc này đòi hỏi các Bộ ngành phải vào cuộc, trình Quốc hội đồng thuận chủ trương để Chính phủ ban hành.
TS. Vũ Anh Tuấn, Trường ĐH Việt Đức, trình bày tham luận |
Ngược với quan điểm của TS. Hiệp, TS. Vũ Anh Tuấn, Trường ĐH Việt Đức cho rằng, phải có cách để quản lý GT toàn diện thay cho tư duy hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân. Khi giải quyết ùn tắc, ô nhiễm và tai nạn, chúng ta thường quan niệm rằng cơ sở hạ tầng GT là phải đầy đủ. Nhưng, không một nước nào trên thế giới có thể mở rộng cơ sở hạ tầng GT để bắt kịp với sự tăng trưởng nhu cầu GTVT.
“Đã đến lúc phải có quan niệm mới, đó là lựa chọn và phát triển cơ sở hạ tầng GT thích hợp, trong đó chú trọng giải pháp quản lý kiểm soát lựa chọn phương tiện và ứng dụng GT thông minh”, TS Tuấn nói.
Ông Lê Văn Thạch, Viện nghiên cứu phát triển TP chia sẻ: “Hiện có nhiều giải pháp, nhưng chưa xác định cái nào cần thiết vậy nên chắt lọc lại theo thứ tự ưu tiên, giải pháp nào cấp bách thì thực hiện trước chẳng hạn như giải bài toán lấn chiếm vỉa hè, hạn chế số lượng xe máy”.
Kết thúc hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng, thống nhất 7 giải pháp của Sở GTVT đề xuất. Tuy nhiên, giải pháp thứ năm (giải pháp về ứng dụng CNTT) không cần nêu ra ở đây như là một giải pháp, mà phải lấy ứng dụng CNTT làm nhiệm vụ giải pháp cho các giải pháp còn lại để xây dựng phát triển vận tải công cộng.
Ngoài ra, cần bổ sung giải pháp hoàn thiện hệ thống quy hoạch phát triển chính sách quản lý GT đô thị, đặc biệt chú trọng yếu tố quy hoạch tổ chức GT. Theo ông Hùng, cần đánh giá hệ thống GT trước khi đầu tư xây dựng. Nếu các công trình mới, cao ốc mới ảnh hưởng đến GT thì cơ quan quản lý cương quyết không cấp phép xây dựng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận