Một căn nhà trong diện thu hồi thuộc dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh). Ảnh: Chí Hùng
Chiều 13/11, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham vấn UBND TP.HCM về vấn đề di dời nhà ven kênh rạch trên địa bàn. Đây là một trong những chương trình đặt ra từ hơn thập kỷ trước của thành phố, nhưng kết quả thực hiện quá khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.
Hơn 3 giờ thảo luận, các chuyên gia có chung nhận xét về tiến trình di dời nhà ven kênh của thành phố quá chậm. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa mục tiêu dự kiến và kết quả thời gian qua cũng cho thấy quá lớn bởi gánh nặng về nguồn vốn tái định cư.
Bài toán khó
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Phạm Bình An cho biết giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch.
"Bồi thường, di dời nhà trên, ven kênh rạch là một trong 3 chương trình lớn trên địa bàn còn nhiều thách thức", ông An nêu.
Theo TS Dư Phước Tân, chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, UBND TP rất quyết tâm theo đuổi mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên, ven kênh với vốn trên 19.000 tỷ đồng bằng ngân sách. Tuy nhiên sau khi tính tóan khả năng thực hiện, Sở Xây dựng ước chỉ đạt 41% trong số này trong giai đoạn 2021-2025.
TS Tân cho biết có hai khó khăn lớn nhất khi di dời nhà trên và ven kênh hiện nay là chuẩn bị phương án giải tỏa và nguồn vốn bố trí tái định cư cho người dân.
"Trong thực thi cũng có khó khăn về kinh phí bồi thường. Kinh phí nhỏ giọt hàng năm, khó xử lý nhanh tiến độ", TS Dư Phước Tân nói.
Góp ý giải pháp, chuyên gia cho rằng thông qua Nghị quyết 98 do Quốc hội vừa ban hành, TP.HCM có thể tận dụng 3 điểm mở để khai thác: Thứ nhất, trong quy định về quản lý đầu tư có cho phép sử dụng ngân sách thực hiện bồi thường tái định cư cho những hộ ven kênh rạch. Hai là, trong quy định về tài chính và ngân sách nhà nước, Ngân sách TP.HCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí .
"Đây là khoản có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa di dời cải tạo nhà trên và ven kênh rạch", TS Dư Phước Tân phân tích.
Điểm cuối cùng, theo TS Tân, trong khoản 3, điều 6 của nghị quyết, thành phố có quyền đổi đất khác để xây nhà ở xã hội, hoặc dùng tiền hoán đổi và hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với quỹ đất được hoán đổi trong dự án nhà ở thương mại.
Tham vọng lớn, nguồn lực nhỏ
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận tiến trình di dời nhà trên, ven kênh rạch của TP.HCM hiện rất chậm.
Ông chỉ ra giai đoạn 2016-2020, TP vẽ ra kế hoạch rất lớn với mục tiêu dời 20.000 căn. Tuy nhiên sau đó phải rút lại còn 10.000 căn, song kết quả thực hiện lại chỉ 657 căn.
"Từ dự kiến đến kết quả là khoảng cách rất lớn", TS Nguyên nói.
Chuyên gia cho rằng nút thắt quan trọng nhất hiện nay là vấn đề tài chính. Tuy nhiên thành phố mới chỉ đề cập việc giải quyết vấn đề vốn công hay tư, kêu gọi vốn nhưng chưa cụ thể được khả năng huy động là bao nhiêu tiền.
Để có tính thực thi hơn, chuyên gia gợi ý thành phố có thể chia nhỏ các dự án và thực hiện từng đoạn một. Khi thấy kết quả, dù ít cũng sẽ kích hoạt tâm lý của người dân. Người dân có cái nhìn thiện cảm hơn, muốn cố gắng đóng góp xã hội tốt hơn. Từ đó, công tác thu hồi, bồi thường cũng thuận lợi.
"Không đẩy người dân khỏi nhà trên kênh rạch mà hút họ đi bằng sức hút, lợi ích", ông Nguyên góp ý.
Thạc sĩ Vương Quốc Trung, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển TP.HCM cũng cho rằng nguồn vốn là vấn đề nan giải nhất khi di dời nhà trên, ven kênh rạch hiện nay.
Theo thạc sĩ Trung, để giải quyết bài toán này, thành phố cần khuyến khích doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia, đa dạng hóa nguồn tài chính thông qua phương thức PPP.
Bên cạnh đó là xây dựng cơ chế linh hoạt, vận dụng cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98; cải cách thủ tục pháp lý phức tạp
Mặt khác, thành phố nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản tiềm năng khi tham gia vào dự án di dời nhà ven kênh. Chính quyền cũng cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn lực mới như việc làm, dịch vụ và tiện ích trong khu vực mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận