Trong số này có nhiều xe bỏ ra ngoài chạy dù, nguyên do được cho là khách ít, nhà xe giảm chuyến, không cạnh tranh nổi với xe hợp đồng… Vậy đâu là giải pháp?
Những điểm đón khách quen thuộc
Nhà xe Châu Tuyết chạy tuyến (Sài Gòn - Quảng Bình) xếp xe trong cây xăng Nhơn Hòa tuyến QL13 để đón khách
Ngày 30/10, tại cây xăng số 490 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, ghi nhận của PV cho thấy, nơi đây vẫn là điểm đón khách quen thuộc của các nhà xe.
Trước cửa cây xăng là một quán nước, khách ngồi quán đều là những người chờ xe, mang vác ba lô, đồ đạc lỉnh kỉnh. Chừng 30 phút, có cả chục xe tấp vào quán nước mời gọi khách, nhộn nhịp không khác gì một bến xe.
Trên tuyến QL13 (TP Thủ Đức) hướng ra bến xe Miền Đông mới, nhiều xe khách đón trả khách dọc đường và tại các điểm cây xăng. Đơn cử cây xăng Nhơn Hòa, Tam Bình 2 và 147.
Những cây xăng này bên ngoài bán xăng, nhưng bên trong xe khách đậu chờ. Thậm chí tại cây xăng Nhơn Hòa, nhà xe Minh Huy, Châu Tuyết còn có cả văn phòng đăng ký hành khách. Bên ngoài cây xăng, khách ngồi la liệt chờ xe.
Không chỉ các xe khách lớn vớt khách dọc đường mà những xe chạy tuyến đường ngắn như Vũng Tàu cũng bát nháo không kém.
“Bắt xe ở đây vừa nhanh vừa tiện, có nhiều xe lắm, không có xe này thì có xe khác, chứ đi ra bến vừa xa, tốn thêm tiền xe ôm, taxi”, một hành khách nói.
Ông Đoàn Văn Thanh, chủ nhà xe Phương Nam cho rằng, khu vực bến xe Miền Đông cũ là điểm đón khách quen thuộc xưa nay của các tuyến xe khách đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Nay di dời, hành khách ngại đi xa, xe dù càng có nhiều cơ hội cạnh tranh không lành mạnh với các xe làm ăn chân chính trong bến.
Lý giải xe không vào bến, tài xế xe khách Đỗ Mạnh Duân, chạy tuyến TP.HCM - Phan Thiết cho biết: “Bến xe ở đâu, xe dù mọc lên xung quanh đó.
Còn tình trạng xe hợp đồng trá hình thì xe tuyến cố định làm sao mà sống được. Thành phố phải cương quyết, cấm xe hợp đồng không cho chạy vào thành phố”, tài xế Duẩn nói.
Ông Lê Văn Đào, Giám đốc điều hành hãng xe Hoa Mai hoạt động trên tuyến TP.HCM đi Vũng Tàu cho biết, sau khi dời các tuyến từ bến xe Miền Đông cũ qua bến mới, lượng khách giảm sâu, dù có xe trung chuyển đưa đón.
“Tuyến TP.HCM - Vũng Tàu rất ngắn, chỉ khoảng 2 tiếng di chuyển, thế nhưng khách từ nội thành ra bến xe Miền Đông mới ít nhất cũng mất cả tiếng nên hầu hết khách không ra bến mới mà hẹn đón ở trong nội thành hoặc vị trí nào tiện. Trước đây, bến cũ chúng tôi có khoảng gần 30 xe nhưng qua bến mới chỉ duy trì 10 chiếc, dù vậy vẫn phải giảm chuyến vì ít khách”, ông Đào nói.
Giải pháp nào?
Nhà xe Châu Tuyết chạy tuyến (Sài Gòn - Quảng Bình) xếp xe trong cây xăng Nhơn Hòa tuyến QL13 để đón khách
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô khách du lịch TP.HCM cho rằng, vị trí bến mới chưa thuận tiện với khách cũng như nhà xe.
Theo ông Tính, quy hoạch bến xe ở xa trung tâm phù hợp trong bối cảnh hơn 10 năm trước, khi các loại hình xe công nghệ chưa phát triển. Hiện, các phương thức vận chuyển rất đa dạng, nhu cầu của khách cũng cao hơn nhiều nên người dân sẽ so sánh, chọn cách đi thuận tiện nhất.
“Thành phố nên nghiên cứu phương án bố trí bến bãi nhỏ ở nội thành và tạo mạng lưới trung chuyển như taxi, xe công nghệ... đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. Sở GTVT cùng đơn vị quản lý bến nên rà soát lại và đánh giá nhu cầu, nguyện vọng của các doanh nghiệp vận tải để có giải pháp giúp bến mới hoạt động hiệu quả hơn”, ông Tính nói.
Đại diện Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn TNHH MTV (chủ đầu tư bến xe Miền Đông mới) cho biết, hiện nay việc đi lại của khách từ nội thành đến bến xe mới chưa thuận lợi.
Không phải nhà xe nào cũng đủ khả năng để đầu tư nhiều xe trung chuyển vào nội đô đón khách. Do đó, chủ đầu tư đề xuất thí điểm phương án kết hợp một số đơn vị vận tải trung gian thực hiện chuyển tiếp khách từ nội thành đến bến xe.
Việc này dự tính chia làm 2 giai đoạn, trong đó từ nay đến năm 2025 sẽ phát triển các tuyến trung chuyển qua một khu vực như quận 1, 3, 5, 6 10, Tân Bình, Tân Phú... cùng các bệnh viện, trường học. Sau đó, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trung chuyển để kết nối bến xe với các khu vực còn lại.
Đề cập việc gần 300 xe bỏ bến xe Miền Đông mới, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong số này có khoảng 160 chuyến dời sang bến khác như: Miền Tây, An Sương, Ngã Tư Ga.
Còn lại khoảng 140 chuyến, nhà xe không chấp hành dời từ bến xe Miền Đông cũ qua địa điểm mới mà đón khách ở bãi xe số 397 Đinh Bộ Lĩnh đối diện bến xe Miền Đông cũ, đường Điện Biên Phủ gần cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh), nhiều cây xăng trên QL13, QL1...
“Chúng tôi đã chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm chạy sai lộ trình, bỏ bến chạy dù. Cuối năm nay Sở sẽ hoàn chỉnh phương án cấm ô tô giường nằm vào nội đô để trình UBND TP. Đây được cho là giải pháp tối ưu hạn chế xe dù, bến cóc cũng như giảm ùn tắc ở khu vực trung tâm thành phố”, ông Hưng nói.
Yêu cầu làm rõ thông tin Báo Giao thông phản ánh
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa có ý kiến giao Sở GTVT khẩn trương báo cáo cụ thể các nội dung được Báo Giao thông phản ánh, trình UBND thành phố về tình trạng xe khách bỏ bến Miền Đông mới, ra ngoài chạy dù.
Trước đó, ngày 21/10, Báo Giao thông đăng bài: “TP.HCM: Gần 300 đầu xe bỏ bến Miền Đông mới đi đâu?”, phản ánh việc bến xe Miền Đông mới hiện đã tiếp nhận thêm 79 tuyến xe khách từ bến cũ. Điều bất thường là hiện nay trung bình mỗi ngày tại bến chỉ có 206 lượt xe đến bến với 2.600 hành khách/ngày, không đúng với số di dời là gần 500 xe phải hoạt động. Như vậy, mỗi ngày có khoảng gần 300 chuyến xe đang “mất tích” tại bến mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận