Phương tiện ùn tắc tại nút giao An Sương khi có tai nạn xảy ra sáng 23/6 |
Tắc ở các cửa ngõ
Vòng xoay Mỹ Thủy ở trên đường Vành đai Đông giao với đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định (Q2) chiều 12/7 lại xảy ra ùn ứ khá nghiêm trọng. Dòng phương tiện từ đường Đồng Văn Cống vào cảng Cát Lái và phương tiện từ cầu Phú Mỹ đổ về cao tốc Long Thành tạo nên xung đột ở nút giao này. Hàng trăm chiếc container nối đuôi nhau trên đường Đồng Văn Cống kéo dài hàng km ra gần đến đường Mai Chí Thọ.
Anh Nguyễn Văn Chiến, một tài xế xe ôm ở đây cho biết hầu như ngày nào cũng ùn ứ xe ở đây. “Chỉ cần một vụ va quệt nhỏ, tài xế phải dừng xe lại để giải quyết có thể gây kẹt xe kéo dài đến Xa lộ Hà Nội và cầu Phú Mỹ. Nhiều tài xế phải chờ mấy tiếng đồng hồ mới vào được cảng Cát Lái lấy hàng”, anh Chiến nói.
Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, so với Hà Nội, các tuyến đường kết nối liên vùng của TP HCM hiện rất kém. “Thành phố đã kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án giao thông lớn trên địa bàn như các tuyến đường sắt đô thị; Đường vành đai, trong đó ưu tiên đường Vành đai 3 kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành với QL22; Đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài, cao tốc TP HCM – Chơn Thành, đường trên cao và một số đường hướng tâm quan trọng khác”, ông Khoa nói. |
Trong khi đó ở hướng phía Tây Bắc, nút giao thông An Sương giữa QL1 và QL22 cũng được xem là “điểm nghẽn” của nhiều vụ TNGT chết người và kẹt xe. Chỉ tính sơ bộ trong những ngày cuối tháng 6 đã có 2 vụ tai nạn khiến 3 người tử vong do va chạm giữa xe máy và xe container.
Đây là điểm giao nhau của các tuyến đường quan trọng như: QL22 từ tỉnh Tây Ninh vào QL1; Điểm nối QL22 với đường Trường Chinh dẫn vào trung tâm thành phố. Vì vậy giờ cao điểm từ 7h-9h và từ 17h-19h thường ùn tắc do xe máy, xe buýt. Còn từ 9h - 16h là giờ ùn tắc của các loại xe tải, xe container nối đuôi nhau trên đường.
Chị Trần Thị Kim Anh nhà ở huyện Hóc Môn cho biết, hàng ngày phải đi từ nhà vào quận 3 để làm việc. Mỗi lần đi qua nút giao An Sương như là cực hình. “Rất mệt mỏi. Từ nhà lên tới cơ quan chỉ mất 30 phút nhưng để qua nút giao An Sương có khi gần cả tiếng đồng hồ vì kẹt xe. Có hôm về đến nhà mệt lả người vì hít khói bụi ngoài đường”, chị Kim Anh nói.
Tuyến QL1 đoạn qua huyện Bình Chánh về Long An cũng được xem là nút “thắt cổ chai” khiến xảy ra ùn tắc mỗi dịp lễ, Tết. Mặc dù đã có cao tốc TP.HCM – Trung Lương nhưng mặt đường ở đây khá hẹp, thường xảy ra ùn tắc, kẹt xe.
Khơi thông các cửa ngõ
Đầu tháng 6, Sở GTVT TP.HCM đã khởi công xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (Q2) với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (chủ đầu tư) cho biết, nút giao Mỹ Thủy sẽ được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 với kinh phí 838 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý I/2018. Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh với số tiền khoảng 1.100 tỷ đồng.
Nút giao thông An Sương, ông Võ Khánh Hưng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 cho biết, dự kiến quý III/2016 sẽ khởi công xây dựng. Với nút giao này sẽ tiến hành xây dựng hai hầm chui có tổng chiều dài 850m. Trong đó, phần hầm kín dài 125m/hầm và rộng 9m cho hai làn xe. Đồng thời, cải tạo các nhánh rẽ nhằm tạo thuận lợi cho các hướng xe lưu thông đi thẳng qua hầm chui và hướng lên cầu vượt An Sương.
Tuyến QL1 qua huyện Bình Chánh cũng đã được nhà đầu tư IDICO An Sương – An Lạc đầu tư theo hình thức BOT. Hiện, địa phương đang tiến hành giải phóng mặt bằng để thực hiện.
Ngoài ra, Sở GTVT đã lên danh sách 19 nút giao trọng điểm để có kế hoạch triển khai trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Trong đó, từ nay đến cuối năm sẽ triển khai trước một số dự án như: Đầu tư xây dựng hai nhánh kết nối đường Võ Văn Kiệt với cầu Nguyễn Văn Cừ; Triển khai xây dựng nút giao đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (Q7); Xây hai nhánh kết nối đường Võ Văn Kiệt với cầu Nguyễn Tri Phương…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận