Thời sự

TP.HCM: Lập lại trật tự vỉa hè không thể làm theo kiểu phong trào

06/12/2017, 17:55

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM tại phiên trả lời chất vấn chiều 6/12.

3

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM trong phiên trả lời chấn vấn chiều 6/12.

Chiều 6/12, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu HĐND TP.HCM tại kỳ họp thứ 6. Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đề cập chiến dịch lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè và đánh giá năm nay có thể nói chính quyền ra quân quyết liệt nhất so với những năm trước. Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là dù ra quân quyết liệt nhưng vỉa hè vẫn bị tái chiếm...

"Trong nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND TP cũng nhiều lần khẳng định địa phương nào để tình trạng tái chiếm xảy ra thì xử lý nghiêm người đứng đầu. Một, xin ông đánh giá lại thực trạng này hiện nay như thế nào, có phải thiếu một kế hoạch tổng thể trong chiến dịch lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè? Hai, giải pháp gì giải quyết bền vững, tạo được sự đồng thuận của người dân? Ba, đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu nào chưa khi để vỉa hè bị tái lấn chiếm? ", đại biểu Trâm đặt vấn đề.

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, phải hết sức kiên trì, đeo bám, không thể làm theo kiểu phong trào, chiến dịch dẫn tới tái chiếm thì không hay, ảnh hưởng chủ trương chung của thành phố. Ông Phong cho biết đã giao chủ tịch các quận huyện sắp xếp lại vỉa hè phù hợp tình hình điều kiện từng nơi và biện pháp xử lý các trường hợp tái chiếm.

"Qua báo cáo của các địa phương, tôi chưa thấy xử lý cán bộ nào để xảy ra tái chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, về tinh thần như tôi đã nêu, đối với những cán bộ không riêng lĩnh vực này, mà các lĩnh vực khác, nếu trì trệ không hoàn thành nhiệm vụ phải thay thế", ông Phong khẳng định.

Xe máy qua nhiều, thách thức đối với TP.HCM

Nói về các vấn đề gây bức xúc cho người dân như kẹt xe, ngập nước...  Ông Phong nhìn nhận: TP. HCM đứng vị trí trung tâm kinh tế cả nước, có sức tăng trưởng cao, quy mô dân số đang tăng nhanh, thống kê dân số 8,4 triệu người nhưng dân sinh sống thường xuyên là 13 triệu. Dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến bất cập về hạ tầng đô thị, là điểm nghẽn tác động đến giao thông, ngập nước, môi trường, an toàn thực phẩm.

DSC_3370

TP.HCM có hơn 7,5 triệu xe máy, hơn 700 nghìn ôtô, đây là thách thức giao thông đối với TP.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định tình trạng ngập nước không thể lập tức giải quyết. Vấn đề này phải có lộ trình lâu dài, kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp mới có thể giải quyết triệt để. Với tốc độ phát triển nhanh, tăng dân số cao nên TP cũng đang đối diện với lượng rác thải rất lớn. Hàng ngày, TP có hơn 8.500 tấn rác thải sinh hoạt, chưa kể rác thải ý tế, công nghiệp. Tuy nhiên, công nghệ xử lý rác của TP chỉ mới dừng lại việc chôn lấp và tái chế. Chính biện pháp này dẫn đến tác động đến vấn đề môi trường. Ông Phong cho biết thời gian tới, TP sẽ tìm cách kiểm soát tăng trưởng dân số. Ngoài ra, TP đã mời gọi các doanh nghiệp xử lý rác thành điện để giảm lượng rác thải.

Về ùn tắc giao thông, ông Phong cho biết giao thông TP hiện nay đang đứng trước áp lực do lượng phương tiện tăng lên khá nhanh. Mỗi quý TP có hơn 30.000 phương tiện đăng ký mới nhưng cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp. “Hiện TP có khoảng 7,5 triệu xe máy, hơn 700 nghìn ôtô. Đây chính là thách thức đặt ra cho TP khi hạ tầng giao thông còn hạn chế. Muốn giải quyết vấn đề này, TP cần đòi hỏi nguồn lực rất lớn”, ông Phong nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.