Ghi nhận của PV, những ngày gần đây, sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, tình trạng xe cộ đi lại không tuân thủ quy định về pháp luật ATGT, đặc biệt là người điều khiển xe máy vi phạm giao thông gia tăng.
Tại vòng xoay, giao lộ nhiều xe máy ngang nhiên đi tắt qua đường, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh Đỗ Loan.
Canh cánh nỗi lo bị tai nạn bất ngờ
Tại Quốc lộ 13 (TP.Thủ Đức, TP.HCM), đoạn gần cầu Ông Dầu, hàng ngày có nhiều người đi xe máy lưu thông ngược chiều. Hành vi này gây nguy hiểm cho xe cộ chạy chiều ngược lại.
Tương tự, tại đường Xa Lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh (Q.7)… tình trạng vi phạm giao thông phổ biến. Các lỗi vi phạm như chạy không đúng làn đường, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều… Đặc biệt, tại các tuyến đường đô thị trong khu dân cư, nơi giao nhau của ngã tư, nhiều người điều khiển xe máy phóng nhanh, vượt ẩu.
Chị Nguyễn Thị Hường, ngụ phường Phước Bình, TP. Thủ Đức cho biết: “Sau 3 tháng gần như ở riết trong nhà không được ra đường đến lúc hết giãn cách ai cũng mừng, được đi lại thoải mái. Thế nhưng bây giờ ra đường tôi sợ hơn trước, vì nhiều người chạy ẩu, phóng nhanh nhất là ở các nút giao nhau. Đơn cử, nút giao đường Đại lộ 2, mấy lần đi qua nếu tôi không phanh kịp thì suýt bị xe máy đi theo chiều ngược lại phóng rất nhanh tông phải”.
Vụ tai nạn giữa xe máy và xe tải ở đường D2, TP.Thủ Đức sáng 22/10 khiến người đàn ông điều khiển xe máy bị thương nặng.
Mới đây, sáng 22/10, vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe máy trên đường D2 ở khu công nghệ cao TP. Thủ Đức (gần Công ty SamSung) khiến người đi đường hoảng sợ. Người điều khiển xe máy là nam công nhân làm việc khu công nghệ cao, vượt đèn đỏ va chạm với xe tải. Vụ tai nạn khiến người này ngã đầu đập xuống đường, máu chảy lênh láng, vết thương nặng. Người đi đường ngay lập tức đã gọi cấp cứu để đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Theo thống kê của Công an TP.HCM, ngay sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 18, những ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách xảy ra 32 vụ tai nạn khiến 12 người thiệt mạng chỉ trong 1 tuần.
Đáng nói là số tai nạn tăng cao trong khi đường phố không đông đúc, hầu như không kẹt xe, hơn nữa dân số thành phố giảm mạnh do một lượng lớn người đã về quê tránh dịch. Thế nhưng thay vì yên tâm khi ra đường thì mọi người canh cánh nỗi lo bị tai nạn bất ngờ.
Đường vắng, chủ quan
Phân tích của phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CSGT ĐB-ĐS) Công an TP.HCM cho thấy, trong 32 vụ TNGT làm 12 người chết, nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát (chiếm 50% số vụ); không giữ khoảng cách an toàn (16% số vụ). So với cùng kỳ năm trước tăng 2 vụ, tăng 3 người chết.
Như vậy, cùng một thời điểm, năm 2021 với lưu lượng và mật độ phương tiện tham gia giao thông thấp hơn so với năm 2020, nhưng số vụ và số người chết vì TNGT lại cao hơn. Điều này không những đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan chức năng trong việc tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP, mà còn đặt ra cho người tham gia giao thông yêu cầu cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT đường bộ.
Trung tá Đoàn Văn Qưới, Phó trưởng Phòng CSGT ĐB - ĐS Công an TP.HCM cho biết: “Trong thời gian tới, phòng CSGT ĐB - ĐS dự báo tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp do số lượng người từ các tỉnh về quê qua địa bàn TP.HCM. Đồng thời sự hoạt động trở lại của các cơ sở sản xuất kinh doanh, giao thương hàng hóa giữa các tỉnh, thành dẫn đến mật độ phương tiện lưu thông tăng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT cao. Do đó, để tránh những tai nạn bất ngờ, mỗi người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông”.
Để đảm bảo ATGT trong thời gian tới, ông Qưới cho biết, phòng sẽ tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Đồng thời chủ động phối hợp với công an địa phương, phòng, chống tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép. Bên cạnh đó, đơn vị cũng bố trí các tổ tuần tra kiểm soát lưu động, ghi hình các hành vi vi phạm để xử lý phạt “nguội” qua hình ảnh. Đây cũng là một trong những biện pháp nhằm nâng cao năng lực xử lý vi phạm hành chính của lực lượng CSGT.
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết, trong ngày đầu sau giãn cách, lực lượng CSGT thành phố đã lập biên bản xử lý 3.757 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, có 419 trường hợp chạy xe quá tốc độ quy định, 377 trường hợp dừng đỗ không đúng quy định, 238 trường hợp lưu thông ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh đèn của tín hiệu giao thông; 571 trường hợp lưu thông không đúng phần đường; tạm giữ 9 xe ôtô, 221 xe môtô; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 198 trường hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận