Du lịch

Trải nghiệm du lịch mùa nước nổi đầu nguồn biên giới Tây Nam

12/11/2024, 18:33

Dập dềnh sóng nước trên cánh đồng mênh mông nước nổi, du khách ngồi xuồng ba lá, thư thả xem đánh bắt cá, thưởng thức những món ăn dân dã được chế biến tại chỗ và nghe đờn ca tài tử ở nơi đầu nguồn sông Tiền chảy qua tỉnh Đồng Tháp.

Tận dụng lợi thế từ thiên nhiên

Xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự là địa phương đầu nguồn sông Tiền thuộc tỉnh Đồng Tháp. Mỗi năm, khi "nước nhảy khỏi bờ", nơi này đón những dòng chảy đầu tiên chở nặng phù sa. Tận dụng lợi thế "trời ban", địa phương đã tạo nên tour trải nghiệm thú vị.

Trải nghiệm du lịch mùa nước nổi đầu nguồn biên giới Tây Nam- Ảnh 1.

Du khách thích thú với hoạt động trải nghiệm mùa nước nổi ở Đồng Tháp.

Ông Mai Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết, ý tưởng làm du lịch ăn theo mùa lũ được ông ấp ủ thời gian qua, nhằm tận dụng triệt để lợi thế từ thiên nhiên. Năm nay, nước lũ về nhiều là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện mô hình.

Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào phong cảnh hữu tình mùa nước nổi, nét đặc trưng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt, ngồi trên xuồng ba lá, khách tham quan có thể ngắm nhìn bông điên điển trổ vàng ươm đu đưa theo gió.

Bên cạnh đó là những tràng bông súng, rau muống đồng ngoi lên khỏi mặt nước. Du khách sẽ được trải nghiệm tự tay bắt những sản vật mùa nước nổi từ thượng nguồn trôi về miền châu thổ, cùng với ngư dân.

Theo ông Tuấn, để hiện thực hóa ý tưởng, ông đã vận động các hộ dân làm nghề đánh bắt thủy sản tại địa phương tham gia làm du lịch. Kế đến là lên lịch trình tour tham quan trải nghiệm và thông qua mạng xã hội để giới thiệu đến du khách gần xa.

Dù mới triển khai đón khách từ đầu tháng 9/2024, nhưng đến nay, hoạt động này đã thu hút được 32 đoàn, với gần 700 khách từ Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đà Nẵng, Đà Lạt… đến tham quan, trải nghiệm.

"Chúng tôi cũng đã phối hợp Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước để đơn vị hỗ trợ thuyết minh khi có đoàn đến tham quan cột mốc quốc gia.

Hiện nay, nhóm có khoảng 25 người và được chia thành 3 tổ gồm: Tổ bơi xuồng phục vụ khách tham quan, nấu ăn và phục vụ đờn ca tài tử. Mỗi ngày, những người cùng tham gia mô hình có thu nhập từ 200.000 đồng đến 800.000 đồng/ngày", ông Tuấn cho biết thêm.

Thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm

Cũng theo ông Tuấn, mục đích của hoạt động này là để người dân địa phương có thêm thu nhập. Bởi, khi mùa vàng đã xong và địa phương cho xả lũ (nước nổi) lên đồng, người dân chuyển sang hoạt động đánh bắt cá tự nhiên, kiếm thêm thu nhập.

Trải nghiệm du lịch mùa nước nổi đầu nguồn biên giới Tây Nam- Ảnh 2.

Tận dụng lợi thế từ thiên nhiên, địa phương góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Thông thường, người dân địa phương đánh bắt thủy sản theo kiểu giăng lưới hoặc đặt lờ, đặt lợp, đặt dớn… và bán lại cho thương lái, thu nhập vài trăm ngàn đồng một ngày, đủ trang trải cuộc sống.

Khi tham gia làm du lịch trải nghiệm, nông dân có thêm việc làm và tăng thu nhập nhờ hoạt động chở khách tham quan, chế biến món ăn và phục vụ đờn ca tài tử Nam bộ.

Thường thì 3h hoặc 4h sáng là nông dân ra đồng thu hoạch cá tôm. Tuy nhiên, khi có khách đặt tour, ông Tuấn liên hệ với những đầu mối được giao nhiệm vụ, để lại một ít cá đánh bắt được cho du khách trải nghiệm.

Trải nghiệm du lịch mùa nước nổi đầu nguồn biên giới Tây Nam- Ảnh 3.

Sản vật mùa nước nổi được chế biến thành món ăn đậm chất miền Tây.

Do vậy, tất cả các loại thủy sản du khách bắt được khi tham gia trải nghiệm đều từ thiên nhiên và tươi sống. Sau đó, khách tham quan và đội chế biến cùng nhau làm những món ăn mà du khách yêu cầu.

Dân dã và bình dị nhưng khi đến trải nghiệm, du khách có nhiều kỷ niệm đẹp khi được quây quần bên nhau thưởng thức món ăn đồng quê đậm chất miền Tây. Khách còn được hòa mình vào âm điệu hò, xự, xang, xê, cống của nghệ thuật đờn ca tài tử.

"Chi phí gồm dịch vụ bơi xuồng tham quan chỉ khoảng 100.000 đồng/xuồng cho 5 khách. Dịch vụ ăn uống tùy món có giá dao động từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/món và đờn ca tài tử phục vụ theo nhu cầu của khách tham quan.

Để đảm bảo an toàn, tôi cùng với những nông dân tham gia mô hình cho khách tham quan ở những nơi nước cạn, ngang lưng quần. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn cho khách tham quan", ông Tuấn cho hay.

Trải nghiệm du lịch mùa nước nổi đầu nguồn biên giới Tây Nam- Ảnh 4.

Bữa ăn dân dã nhưng để lại nhiều kỷ niệm đẹp khi du khách đến tham quan, trải nghiệm mùa nước nổi ở Đồng Tháp.

Anh Phan Thanh Nhàn (40 tuổi, du khách đến từ tỉnh Bình Dương) cho biết: "Mùa nước nổi miền Tây rất thú vị khi có các loại cá và rau đồng. Đặc biệt là bông điên điển thiên nhiên, chỉ trổ bông khi nước tràn đồng đã để lại ấn tượng trong lòng nên đã tham gia tour trải nghiệm mùa nước nổi".

"Thông qua mạng xã hội, tôi được biết Đồng Tháp có hoạt động trải nghiệm du lịch mùa nước nổi nên tôi đến tham quan. Tôi thấy ẩm thực tuy dân dã nhưng rất ngon, đặc biệt là món cá lóc nướng trui.

Ngoài ra, khi thưởng thức món ăn và được nghe đờn ca tài tử giữa đồng ruộng mênh mông để lại trong tôi ấn tượng khó quên", chị Đỗ Ngọc Quyên (36 tuổi, du khách đến từ TP.HCM) chia sẻ.

Trải nghiệm du lịch mùa nước nổi đầu nguồn biên giới Tây Nam- Ảnh 5.

Sau mùa nước nổi, địa phương sẽ tổ chức hoạt động khác tương tự nhằm mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa.

Ông Mai Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) tiếp tục thông tin: "Dự kiến ban đầu, mô hình sẽ kết thúc khi hết mùa lũ. Sau đó, chúng tôi sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm để năm sau thực hiện được tốt và chu đáo hơn.

Tuy nhiên, bây giờ, tôi cùng các nông dân thực hiện mô hình phải lên phương án khác và duy trì hoạt động này theo kiểu để khách tham quan, trải nghiệm dỡ chà, đánh bắt cá dưới sông. Vì theo kế hoạch, đến hết tháng 11, chúng tôi sẽ có thêm 7 đoàn khách nữa đến tham quan và trải nghiệm hoạt động này".

Hằng năm, khoảng tháng 8 Âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu làm cho mực nước dâng cao bất thường cho đến tận cuối tháng 11 Âm lịch và người dân miền Tây thường gọi hiện tượng này là mùa nước nổi. Tận dụng lợi thế từ thiên nhiên, người dân địa phương chuyển sang nghề đánh bắt thủy sản tự nhiên để tăng thu nhập.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.