Đất hành lang đường sắt bị lấn chiếm, xây công trình trái phép trên tuyến đường sắt tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Việc ngăn chặn vi phạm không những đảm bảo an toàn, mà còn tránh phát sinh khiếu kiện về giải tỏa mặt bằng khi triển khai các dự án nâng cấp tuyến đường sắt.
Nhiều ngày qua, PV quay trở lại các đoạn tuyến dọc tuyến đường sắt qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), tình trạng xây dựng công trình trình trái phép trong hành lang đường sắt, tồn tại nhiều năm qua vẫn chưa được xử lý triệt để.
Tình trạng các hộ dân xây dựng nhà ở, làm nơi buôn bán, vật liệu xây dựng gây mất ATGT diễn ra nhan nhản diễn ra thời gian dài. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong công tác quản lý?
Công trình vi phạm hành lang đường sắt vẫn xảy ra nhức nhối ở Đồng Nai.
Đường sắt báo cáo, chính quyền xã bó tay?!
Chiều 19/10, chạy dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) tình trạng lấn chiếm đất phạm vi công trình đường sắt vẫn diễn ra phổ biến.
Ghi nhận của PV tại đoạn tuyến qua phường Long Bình (TP Biên Hòa) nhiều vị trí người dân tập kết rác thải, cách ga Hố Nai khoảng 300m hướng về Biên hòa một bãi tập kết gỗ hàng chục mét vuông nằm trong hàng rào hộ lan đường sắt ngang nhiên tồn tại. Tại Km1684 đến Km1687 giáp ranh TP Biên Hòa và huyện Trảng Bom, tình trạng ô tô vẫn đậu tràn lan, buôn bán lấn chiếm trong phạm vi công trình đường sắt.
Cách giao cắt đường Bắc Sơn 2 (huyện Trảng Bom) khoảng 100m hàng chục thanh gỗ đường kính 5 - 10cm nằm ngay trong phạm vi hàng rào hộ lan. Cách vị trí nêu trên khoảng 300m, lý trình Km1682 người dân tự ý xây dựng một công trình đã nộp tôn cách mép ray khoảng 3m, diện tích khoảng 50m2.
Một bãi gỗ nằm trong hàng rào hộ lan gần điểm cắt đường sắt với đường Bắc Sơn (huyện Trảng Bom).
Chúng tôi quay trở lại lý trình Km1632 đoạn qua xã Suối Cao, (huyện Xuân Lộc - đây là điểm nóng vi phạm hành lang đường sắt nhiều năm qua). Tại đây hai công trình nhà xây dựng kiên cố nằm trong phạm vi hành lang đường sắt tồn tại từ lâu nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại.
Quan sát của PV cho thấy khoảng cách từ đường sắt tàu chạy đến phần đuôi căn nhà này chỉ khoảng 3m. Đối chiếu theo quy định của Nghị định 56, công trình này đã xây lấn phạm hành lang đường sắt gần 5m.
Trao đổi với PV một lãnh đạo UBND xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) cho biết, đã nắm thông tin các trường hợp xây công trình vi phạm. Các vi phạm đã có từ tồn tại nhiều năm trước. Vừa qua khi về tiếp nhận đã chỉ đạo cưỡng chế 3 hộ đang xây dụng công trình trong phạm vi hành lang đường sắt.
Riêng còn 2 hộ ông Lê Nguyên Lộc và hộ ông Nguyễn Hoàng Nhật đang trình UBND huyện để xử lý để ban hành quyết định cưỡng chế vì vượt thẩm quyền của xã.
Theo Công ty CP Đường sắt Sài Gòn, một số vị trí người dân còn xây dựng nhà ở, làm nơi buôn bán, vật liệu xây dựng gây mất ATGT. Cụ thể dọc tuyến Km1687+150 - 1688+000, Km1688+300 – 1688+600, Km1691+100 – 1693+325 qua TP Biên Hòa, các hộ dân lấn chiếm, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đã lâu chưa được giải tỏa.
Một công trình xây dựng nhà ở vi phạm bị đình chỉ thi công ở xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc).
Theo ông Hoàng Nghĩa Cường, Trưởng ga đường sắt ga Gia Ray (huyện Xuân Lộc) cho biết, tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt đoạn qua các xã Xuân Thọ, Suối Cao diễn ra nhiều năm qua kéo dài. Thậm chí khi đoàn kiểm tra triển khai cưỡng chế còn xảy ra tình trạng chống đối.
Khi đoàn công tác cưỡng chế các hộ dân xây công trình trái phép ở xã Suối Cao, đoàn công tác bị các hộ dân vây nên tạm dừng cưỡng chế nên công trình vi phạm chưa xử lý xong.
“Qua tuần đường, phát hiện công trình vi phạm, đơn vị đường sắt đều báo cáo địa phương để có biện pháp ngăn chặn xử lý. Chúng tôi chỉ ghi nhận báo cáo xã không có thẩm quyền xử phạt”, ông Cường nói.
Vì sao khó xử lý?
Ông Nguyễn Đình Đảng, PGĐ Công ty CP Đường sắt Sài Gòn cho biết, nhiều năm qua dọc tuyến đường sắt qua Đồng Nai đặc biệt tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) tình trạng xây dựng công trình trình trái phép trong hành lang đường sắt, vẫn chưa được xử lý để tồn tại nhiều năm.
Để giải quyết tình trang tái diễn cần sự giải pháp mạnh vào cuộc quyết liệt của địa phương đặc biệt là xã, huyện. Ông Đảng dẫn chứng về trường hợp một hộ dân xây nhà tôn tại Km1682 (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) đã xây công trình nằm trọn trong phạm vi đường sắt nhưng địa phương thiếu kiên quyết xử lý.
Theo Cục Đường sắt VN trên tuyến đường sắt còn 263 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình tín hiệu đường sắt qua Đồng Nai.
Ngày 18/8, Cung đường sắt Trảng Bom đã trình báo với chính quyền địa phương để xử lý, yêu cầu dừng thi công, tháo dỡ phần xây dựng trái phép. Ngày 22/8, công ty tiếp tục có văn bản gởi UBND huyện Trảng Bom, ngày 6/9 tiếp tục có văn bản gởi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị có biện pháp xử lý.
Mới đây nhất ngày 13/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản gởi tỉnh này đề nghị xử lý nghiêm vi phạm nhưng đến nay công trình vi phạm trên vẫn chưa được xử lý xong. Đến ngày 24/10, trước khi đoàn công tác Cục Đường sắt VN vào kiểm tra 1 ngày thì công trình này mới được tháo dỡ xong.
“Khi phát hiện công trình trái phép phía công ty quản lý tuyến đều ghi nhận báo cáo ngay địa phương nhưng chính quyền sở tại không giải quyết ngay từ đầu để phức tạp. Thực tế cho thấy nếu vụ việc không được giải quyết, công trình tiếp tục hoàn thiện sẽ trở thành tiền lệ xấu cho các vụ vi phạm tiếp theo”, ông Đảng nói.
Ở góc độ địa phương ông Bùi Văn Tuấn, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Đồng Nai xác nhận tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt đã tồn tại nhiều năm qua. Nhiều trường hợp do lịch sử để lại nhưng cũng phát sinh nhiều vị trí phát sinh gần đây, trách nhiệm quản lý thuộc địa phương có tuyến đường sắt đi qua.
Để chấn chỉnh Ban ATGT tỉnh đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở các xã, huyện có biện pháp chấn chỉnh. Tuy nhiên hiện vẫn còn tồn tại nhiều điểm lấn chiếm chưa được xử lý. “Thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh có giải pháp mạnh hơn trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt”, ông Tuấn cho hay.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, tuyến đường sắt qua Đồng Nai còn 25 vị trí vi phạm hành lang đường sắt trải dài từ Km1631 đến Km1643. Ngoài ra còn tồn tại 263 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình tín hiệu đường sắt thuộc 4 huyện và TP Biên Hòa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận