Theo Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam là gần 2,65 triệu tấn, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc chiếm 1,8 triệu tấn, cao gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.
Với riêng sản phẩm thép cán nóng (HRC), 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn, trị giá nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nguồn thép từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2% tổng lượng HRC nhập trong 2 tháng.
Hầu hết các sản phẩm thép nhập về Việt Nam đều tăng so với năm 2022 và 2021. Trong đó, sản phẩm thép được nhập khẩu nhiều nhất là thép cán nóng (HRC) với 10 triệu tấn, tăng 2,84% so với 2022 (gồm thép cán nóng dạng cuộn và dạng tấm), chiếm 73% tổng lượng thép nhập về Việt Nam…
Trước thực trạng nhập khẩu thép ngày càng lớn từ Trung Quốc với giá rẻ có nguy cơ làm mất cân bằng cán cân thương mại, chảy máu ngoại tệ và làm thất thu ngân sách nhà nước… một số doanh nghiệp sản xuất trong nước đã gửi đề nghị điều tra chống bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc, để bảo vệ sản xuất thép trong nước.
Tại họp báo, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại Bộ Công thương cho biết, căn cứ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nhận thấy có hành vi phá giá, có dấu hiệu gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, do vậy các doanh nghiệp có quyền nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông Chu Thắng Trung, ngay sau khi nhận được hồ sơ đề nghị của một số doanh nghiệp, căn cứ theo quy định, quy trình, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ (kéo dài 15 ngày).
"Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đại diện các ngành sản xuất trong nước phải nộp hồ sơ bổ sung. Khi hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ trong vòng 45 ngày", ông Trung cho biết.
Trên cơ sở đó, kiến nghị Bộ Công thương tiến hành khởi xướng hoặc không khởi xướng điều tra chống bán phá giá. Thời hạn điều tra sau khi khởi xướng sẽ kéo dài từ 2-6 tháng (tối đa là 8 tháng).
Theo Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, quá trình điều tra sẽ được thực hiện công khai, minh bạch; tiến hành đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
"Trong quá trình điều tra sẽ thông báo cụ thể để các bên liên quan cung cấp đầy đủ chứng cứ để xem xét một cách toàn diện, công bằng, đảm bảo lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp rồi đưa ra kết luận hợp lý", ông Chu Thắng Trung nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng thông tin thêm, quyền yêu cầu điều tra chống bán phá giá là của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền nộp đơn.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, Bộ luôn thực hiện đúng theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, các nghị định và thông tư hướng dẫn liên quan đến các quy trình thủ tục về phòng vệ thương mại...
Vì vậy, quá trình điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phải luôn được thực hiện chặt chẽ, cần đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận