Những công việc cuối cùng
Theo kế hoạch, dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn sẽ thông xe kỹ thuật vào dịp Quốc khánh mùng 2/9. Thời gian không còn nhiều, các nhà thầu, chủ đầu tư đang tranh thủ từng giờ để làm, đưa dự án về đúng hẹn.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông dọc tuyến cao tốc QL45 - Nghi Sơn, cả 3 gói thầu xây lắp đã cơ bản thảm xong bê tông nhựa mặt đường, mặt cầu. Chỉ còn một số đoạn tại gói XL3 đang thảm lớp 2 bê tông nhựa.
Các nhà thầu đang tiến hành lắp dải phân cách cứng, hộ lan, biển cảnh báo và sơn vạch kẻ đường. Riêng ở nút giao Vạn Thiện và nút giao Nghi Sơn - Bãi Trành, các đơn vị đang thi công nhánh ra, vào cao tốc.
Tại gói XL2, ông Cao Văn Hoá, chỉ huy trưởng công trường thuộc nhà thầu Định An cho biết, đã hoàn tất 98-99% công việc, chỉ còn lại một số hạng mục nhỏ như sơn, lắp hệ thống ATGT.
Ông Nguyễn Trường Tứ, phụ trách gói thầu XL3 (do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung - Vinaconex đảm nhiệm) thông tin tiến độ tại gói thầu hiện đạt khoảng 91%, đáp ứng theo kế hoạch sau khi điều chỉnh khối lượng công việc.
Nguyên nhân chậm ở thời gian qua do khoảng thời gian từ tháng 6 - 11/2022, nguồn đất đắp hầu như không có, phải chờ xin cấp mỏ tận thu để làm. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023, năng lực tài chính của nhà thầu Miền Trung hạn chế đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án.
Ban QLDA 2 sau đó đã họp và quyết định điều chuyển toàn bộ khối lượng móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng và các lớp bê tông nhựa của khoảng 7,68km cho nhà thầu Lizen và nhà thầu 471 thi công tương ứng giá trị khoảng 100 tỷ đồng; bổ sung 2 nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Dolaco và Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ thép Nam Phát để thi công toàn bộ khối lượng còn lại của hệ thống ATGT thuộc phần việc của nhà thầu Miền Trung tại gói thầu XL3.
"Trong giai đoạn nước rút như hiện nay, tại gói thầu XL3, nhà thầu đang huy động 80 máy lu, 20 máy đào với số lượng công nhân, kỹ sư hơn 350 người làm 3 ca 4 kíp. Có thời điểm làm đến tận 5h sáng hôm sau. Ở gói thầu này công tác chỉ đạo điều hành không vướng mà chủ yếu là do năng lực tài chính của nhà thầu dẫn đến việc thi công cầm chừng. Về việc này đã có giải pháp điều chuyển khối lượng công việc rồi nên tiến độ của gói thầu đến ngày 2/9 sẽ đảm bảo thông xe kỹ thuật như kế hoạch đã đề ra", ông Tứ nói.
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, dự án QL45 - Nghi Sơn đã đạt hơn 93,8% khối lượng công việc, cơ bản đáp ứng được theo kế hoạch. Để dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, Ban QLDA 2 luôn yêu cầu TVGS và các nhà thầu báo cáo khối lượng công việc hàng ngày, hàng tuần để theo dõi và xử lý những phát sinh kịp thời.
Tranh thủ từng giờ đẩy tiến độ
2 năm về trước (năm 2021), khi dự án còn chưa triển khai, 43,28km thuộc dự án đi qua địa phận huyện Nông Cống và thị xã Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hoá chỉ là đồng ruộng, ngổn ngang lau sậy, đồi núi.
Nói về công tác GPMB, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc điều hành dự án QL45 - Nghi Sơn cho hay đây là tiểu dự án riêng do địa phương phụ trách.
"Quá trình bàn giao mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc xác định nguồn gốc đất. UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các địa phương có dự án đi qua phải nhanh chóng bàn giao mặt bằng", ông Quỳnh nói và cho biết thêm: Không riêng gì ở dự án QL45 - Nghi Sơn, mà kể cả hai dự án Mai Sơn - QL45 và Nghi Sơn - Diễn Châu, do khối lượng hộ dân bị ảnh hưởng lớn nên ngay từ đầu, tỉnh Thanh Hoá đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo các sở, ban ngành và các địa phương khẩn trương tập trung, quyết liệt thực hiện, bàn giao 100% mặt bằng cho các Ban QLDA và các nhà thầu xong trước ngày 20/10/2021.
Hình ảnh nước ngập trắng công trường cao tốc đoạn QL45 - Nghi Sơn ở nút giao Vạn Thiện và cầu vượt Hồ Yên Mỹ vào tháng 10/2022 và hình hài mới sau gần 1 năm thi công.
Cũng theo ông Quỳnh, về nguồn vật liệu, Ban cũng đã sắn tay cùng làm để sớm được cấp phép mỏ, cung cấp vật liệu cho dự án. Đơn cử như mỏ đất tận thu Đồng Vàng ở xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, Ban QLDA 2 phải đồng hành với nhà thầu, đề nghị chính quyền địa phương chấp thuận mới xong.
"Chúng tôi làm không có ngày nghỉ, buổi tối làm đến 23h đêm. Cả văn phòng điều hành chỉ có 10 người nhưng ai vào việc đó. Chúng tôi phải tranh thủ từng giờ để làm. Tất cả vì mục đích chung, phải đảm bảo tiến độ, đảm bảo chất lượng. Với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, chúng tôi và nhà thầu cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách", ông Quỳnh cho hay.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng QL45 - Nghi Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, có chiều dài tuyến 43,28km (qua địa phận tỉnh Thanh Hóa). Dự án có tổng mức đầu tư 5.534,472 tỷ đồng, được chia làm 3 gói thầu xây lắp. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành trong năm 2023.
Ông Nguyễn Toàn Năng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Định An (nhà thầu Định An), đơn vị thi công gói XL2 cho biết: Ngay từ đầu dự án, nhà thầu đã xác định nguồn vật liệu là vấn đề quan trọng nhất, quyết định đến tiến độ và chất lượng của dự án vì cùng lúc nhiều dự án cao tốc khởi công. Khi tiến hành khảo sát một số mỏ vật liệu không thể đáp ứng được trữ lượng của dự án cao tốc.
Trước tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 tháo gỡ khó khăn trong giải quyết nguồn vật liệu.
Để có nguồn vật liệu đất đắp cho gói thầu XL2 và XL1, nhà thầu Định An đã mạnh dạn cùng với Ban QLDA 2 khảo sát và làm việc với các sở, ban ngành của tỉnh Thanh Hoá xin giấy phép khai thác mỏ đất tại xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh với trữ lượng 3,871 triệu m3.
"Mặc dù thời điểm đó dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để nghiên cứu, nắm chắc các quy định của pháp luật, làm các thủ tục song hành theo cơ chế đặc thù. Chỉ trong vòng 4 tháng chúng tôi đã được cấp mỏ. Có được kết quả này là cả một quá trình đầy gian nan. Từ việc thoả thuận đơn giá đền bù với người dân, đến việc gặp các cơ quan liên quan trình hồ sơ… và được sự đồng thuận của chính quyền tỉnh Thanh Hóa hết sức tạo điều kiện mới hoàn thiện thủ tục, hồ sơ cấp mỏ", ông Năng thông tin.
Cũng theo ông Năng, tại khu vực dự án do Định An đảm nhiệm, có những vị trí chỉ riêng gia tải đã mất 9 tháng trong khi theo kế hoạch là dự án phải hoàn thành trong 2 năm.
"Trước áp lực về tiến độ, chúng tôi buộc phải huy động 13 máy xúc loại PC 450 và 650 túc trực tại mỏ đất phục vụ cho gần 200 phương tiện chở đất từ mỏ đến công trường. Tính đến thời điểm hiện tại khi kết thúc phần đất đắp (khai thác trong hơn 1 năm), mỏ đất đã phục vụ cho 4 nhà thầu ở gói XL2 và XL1 với tổng khối lượng gần 2,4 triệu m3. Công tác nguồn đất đắp rất quan trọng và chúng tôi đã làm được, đã tổ chức một cách khoa học bài bản, đóng góp cho tiến độ hoàn thành dự án", ông Năng cho biết thêm.
Để dự án kịp tiến độ, chủ đầu tư, nhà thầu và TVGS luôn túc trực trên công trường 24/24h xử lý công việc.
Chia sẻ thêm, ông Năng cho hay: Giai đoạn 2021 - 2022, dịch bệnh Covid-19 khiến việc đi lại khó khăn do nhiều nơi bị phong toả, giãn cách. Công tác siết chặt tải trọng dẫn đến nhiều phương tiện hợp đồng không vận chuyển; Chiến tranh giữa Ukraine - Nga khiến giá dầu tăng cao.
"Thời điểm chúng tôi bỏ thầu thì giá dầu chỉ hơn 14.000 đồng/lít nhưng có những thời điểm chúng tôi phải mua với giá từ 31.000 - 33.000 đồng/lít. Trung bình 1 ngày chúng tôi phải bù lỗ khoảng 100 triệu đồng tiền dầu, chưa kể trượt giá các vật liệu khác như sắt, vật tư chính…", ông Năng nói.
Nói về công tác nội nghiệp, nghiệm thu sản lượng công trình để giải ngân dòng vốn cho nhà thầu thực hiện dự án, ông Năng khẳng định: Dòng tiền về nhanh, cách làm rất chuyên nghiệp. Sự phối hợp giữa bên thí nghiệm, tư vấn giám sát, nhà thầu và chủ đầu tư rất bài bản, nhịp nhàng. Hàng ngày chủ đầu tư đốc thúc xuống phải hoàn thiện khối lượng, hoàn thiện hồ sơ để gửi lên tổng hợp.
Liên quan đến vấn đề này, thời gian quan, Văn phòng điều hành dự án QL45 - Nghi Sơn cũng đã chỉ đạo các nhà thầu tăng nhân sự cho công tác nội nghiệp để hoàn thiện các hồ sơ nghiệm thu. Hiện nay đang tăng tốc giải ngân nguồn vốn nên các nhà thầu cũng chạy đua tiến độ hoàn thiện khối lượng lớn công việc. Nếu nhà thầu nào chậm tiến độ thì sẽ có chế tài, hình thức xử lý riêng với các mức độ như: Cảnh báo; Phê bình; Cảnh cáo và sau cùng là điều chuyển khối lượng công việc cho nhà thầu khác vào thay thế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận