Đầu tư 6 dự án hạ tầng sử dụng vốn ngân sách
Trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Khánh Hòa về phát triển đường thủy nội địa, Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2021-2030 có 6 dự án hạ tầng đường thủy sử dụng vốn ngân sách.
Giai đoạn 2021-2030 có 6 dự án hạ tầng lĩnh vực đường thủy sử dụng vốn ngân sách. Ảnh: Phối cảnh dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ
Bộ GTVT cho biết, những năm gần đây, đặc biệt là trong hơn 10 năm qua, sự phát triển nhanh về hệ thống đường bộ trên cả nước đã thỏa mãn tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của xã hội. Tuy nhiên, vận tải hành khách và hàng hóa ở Việt Nam rơi vào tình trạng phụ thuộc quá mức vào đường bộ do tính linh hoạt và tiết kiệm được thời gian so với các phương thức vận tải khác, gây nên áp lực lên hạ tầng giao thông, ảnh hưởng đến ATGT và chất lượng công trình giao thông đường bộ.
Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) có tổng vốn đầu tư dự kiến 1.848 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước trung hạn 2021-2025. Dự án thực hiện nâng tĩnh không thông thuyền cầu, tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để đảm bảo an toàn và tránh ùn tắc. Dự kiến sẽ khởi công xây lắp vào giữa năm 2023.
Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) được Bộ GTVT vừa phê duyệt đầu tư tháng 12/2022. Dự án sẽ xây mới 9 cầu, tổng mức đầu tư hơn 2.155 tỷ đồng bằng vốn NSNN, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025.
Nhận thấy tầm quan trọng của hệ thống giao thông đường thủy để giảm tải cho đường bộ, thời gian qua Bộ GTVT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ 5 Quy hoạch cho các chuyên ngành và được ban hành 4/5 Quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt và đường thủy nội địa.
“Quy hoạch 5 lĩnh vực của ngành GTVT đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó biện pháp mạnh cần thực hiện là điều chỉnh giảm đầu tư công cho đường bộ và tăng cho các lĩnh vực khác. Từng lĩnh vực như đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa đều xác định đầu tư những công trình mang tính đột phá, lan tỏa. Trong quá trình thực hiện sẽ ưu tiên để hình thành hệ thống giao thông kết nối giữa các lĩnh vực, qua đó giúp giảm chi phí logistics”, Bộ GTVT nhấn mạnh.
Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ GTVT cho hay, năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển như: Quyết định số 21/2022/QĐ-TTg ngày 9/11/2022 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa; Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 về Ban hành Kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, có 6 dự án sử dụng vốn ngân sách giai đoạn 2021-2030 gồm: Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống); Dự án WB6 - giai đoạn bổ sung vốn (kênh nối Đáy - Ninh Cơ); Dự án Nâng cấp tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình qua sông Luộc (Hành lang đường thủy số 2); Nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái (sông Hồng); Nâng cấp tuyến vận tải thủy Vạn Gia - Ka Long; Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Bắc).
Triển khai 9 hành lang vận tải thủy, phát triển hệ thống cảng
Bộ GTVT cũng cho biết, để phát triển vận tải thủy, giải pháp đặt ra là phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối với cảng biển cửa ngõ, cảng biển quan trọng của các vùng kinh tế trọng điểm, cảng cạn (ICD), đẩy mạnh phát triển các tuyến vận tải container, tuyến vận tải sông biển (VR-SB), phát triển đội tàu chuyên dùng (container, lái mũi, cabin nâng hạ, sà lan khớp nối mềm…), đưa tàu trọng tải lớn vào sâu trong nội địa.
Để phát triển vận tải thủy, Bộ GTVT sẽ thúc đẩy phát triển các hành lang vận tải thủy và hệ thống cảng, các cụm cảng, ICD. Ảnh: Cảng ICD đường thủy Tân Cảng tại Quế Võ, Bắc Ninh
Bộ GTVT cũng nghiên cứu phát triển phương tiện thủy nội địa chuyên dùng, chở container phù hợp với đặc thù kết cấu hạ tầng (luồng tuyến, tĩnh không cầu…) đường thủy nội địa theo từng khu vực và tuyến vận tải ven biển.
Cùng đó, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cảng theo cụm, kết nối thuận lợi tối đa với đường bộ, cảng cạn, tạo điều kiện hình thành các cảng đầu mối có quy mô lớn có công nghệ bốc xếp hiện đại, tiến tới hình thành các trung tâm logistics đường thủy nội địa và tham gia vận tải đa phương thức.
“Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung triển khai, cụ thể hóa 9 hành lang vận tải thủy trong quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để khai thác lợi thế đường thủy nội địa, đồng thời sẽ ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển vận tải ven bờ biển một cách tốt nhất”, Bộ GTVT cho biết.
Đồng thời, tăng cường kết nối các phương thức vận tải, phát triển hợp lý, phát huy tối đa vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Kêu gọi đầu tư phát triển các cảng thủy nội địa khai thác hàng container có chức năng đầu mối tại khu vực phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long với cơ sở vật chất, trang thiết bị bốc xếp đồng bộ, hiện đại, nhằm gia tăng nhanh thị phần vận tải container bằng đường thủy nội địa.
Trong đó, ưu tiên kết nối đường thủy nội địa với cảng biển trên cơ sở đầu tư xây dựng bến thủy nội địa, bến phao neo trong vùng nước cảng biển như Hải Phòng, Nghi Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM… nhằm khai thác hiệu quả hạ tầng cảng biển tại khu vực, giảm thiểu tình trạng phương tiện thủy nội địa phải chờ làm hàng, bốc xếp hàng hóa do thiếu cảng, bến. Từ đó tạo điều kiện kết nối tốt các cảng biển với các khu vực hậu phương, vùng sản xuất hàng hóa tập trung trong nội địa bằng đường thủy nội địa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận