Thế giới

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ngay trước thềm Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024

05/11/2024, 07:21

Ngày 5/11, quân đội Hàn Quốc tuyên bố Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo hướng về phía vùng biển phía Đông nước này, ngay trước thềm Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.

Hãng tin Yonhap dẫn lời Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, đã phát hiện được vụ phóng nhưng chưa thể cung cấp thêm chi tiết do quá trình phân tích đang được tiến hành.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ngay trước thềm Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024- Ảnh 1.

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: KCNA).

Vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên diễn ra chỉ vài giờ trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 chính thức bắt đầu lúc 0h ngày 5/11 (theo giờ Mỹ tức 12h cùng ngày theo giờ Việt Nam).

Trước đó, ngày 1/11, Triều Tiên xác nhận đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-19 trong ngày 31/10.

Được biết, tên lửa ICBM Hwasong-19 sẽ được triển khai cùng Hwasong-18, từng được phóng thử lần đầu vào cuối năm ngoái và cũng sử dụng nhiên liệu thể rắn. 

Ngay sau vụ phóng thử, KCNA đã công bố hình ảnh tên lửa có kích thước lớn, nhiều tầng phóng đi từ một xe phóng tự hành (TEL). Ngoài ra, KCNA cũng cung cấp hình ảnh từ camera gắn trên tên lửa chụp lại giai đoạn tên lửa rời bệ phóng và bay ra ngoài Trái đất.

Theo KCNA, quả tên lửa bay được khoảng hơn 1.000km trong vòng hơn 5 giây và đạt độ cao tối đa gần 7.700km trước khi rơi vào vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, trong chuyến thị sát các căn cứ tên lửa ngày 23/10, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh năng lực hạt nhân chiến lược của Mỹ là mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với môi trường an ninh của Triều Tiên. Điều này đòi hỏi Bình Nhưỡng cần có các biện pháp đáp trả mạnh mẽ và nghiêm khắc nhằm vào Mỹ.

Trong một gần 1 tháng trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc không ngừng leo thang. Triều Tiên đã thực hiện nhiều vụ thử tên lửa khiêu khích, trong khi Hàn Quốc tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.