Năm 2017, khi dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan triển khai nút giao Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) bất ngờ gặp trở ngại khi người dân vùng dự án liên tục kê khai mộ phần.
Nhiều người lấy lý do gia tộc, mộ cổ…, nhưng điều lạ là số mộ này còn nhiều hơn số thành viên trong… gia phả!
Những công trình vừa được xây dựng trên địa bàn xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nơi đã được xác định hướng tuyến cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ
Để giống với mộ cổ, không ít trường hợp còn lấy cả bia đá rong rêu để khắc thông tin nhưng thực tế tất cả đều còn nguyên dấu vết xây mới, tạm bợ, thậm chí bia mộ để trống tên tuổi…
Thống kê ban đầu của UBND xã Hòa Liên, lúc đó có tới 500 ngôi mộ được người dân kê khai thuộc diện cần di dời, GPMB cho cao tốc La Sơn - Túy Loan.
Số lượng lớn bất thường, đích thân ông Huỳnh Đức Thơ khi đó là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phải khẩn tốc chỉ đạo địa phương, ngành chức năng vào cuộc quyết liệt.
Theo ông Thơ, công an xã không đủ nghiệp vụ thì công an huyện phải điều tra, cần thiết thì phải lấy cả mẫu phẩm dưới mộ để đưa đi giám định. Nếu đúng hài cốt thì địa phương chịu chi phí. Nếu sai, người dân phải bỏ tiền xét nghiệm và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chính nhờ sự quyết liệt này, số mộ thuộc diện GPMB cho dự án giảm xuống hơn 1/3. Hơn 200 ngôi mộ giả “bốc hơi” khỏi danh sách kê khai. Ngành chức năng chỉ đền bù cho những mộ thật, đúng quy định.
Dù chưa có trường hợp nào làm mộ giả bị xử lý hình sự, nhưng thực tế nhiều người “tham 1 mất 10”, mất tiền xây mộ, mất tiền xét nghiệm…
Ngày đó, dư luận Đà Nẵng không khỏi bất ngờ vì mộ giả. Bởi trước nay chủ yếu thấy người dân đua nhau làm nhà tạm, cơi nơi công trình, tường rào, cây cối… để chờ đền bù, song khi đó đã biến tướng.
Ngay dự án La Sơn - Túy Loan, năm 2017 ngành chức năng huyện Hòa Vang đã cưỡng chế, yêu cầu bà Th. (xã Hòa Bắc) dỡ bỏ căn nhà tạm làm ngay trên đất nông nghiệp. Không được đền bù, bà Th. nhận “kết đắng” vì mất thêm tiền tháo dỡ.
Câu chuyện tưởng chừng cũ, nay lại tiếp tục tái diễn ở nhiều địa phương khi cao tốc Bắc – Nam đang được triển khai đồng loạt. Điển hình trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), khi đoàn khảo sát hướng tuyến vừa đi qua, rất nhiều ngôi nhà, công trình tạm được xây dựng “thần tốc”.
Để dựng lên công trình “đón đầu” GPMB, hộ ít tiền cần khoảng 30-40 triệu đồng, hộ nhiều tiền đầu tư đến cả 200 triệu, như thông tin các chủ hộ trao đổi. Tuy nhiên, không khó để phát hiện tất cả đều xây dựng không đúng mục đích, vi phạm.
Như lời Chủ tịch UBND thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh) thì nhà xây trên đất nông nghiệp hoặc vi phạm hành lang đường bộ đã sai chỉ có thể đập bỏ, cưỡng chế xử lý, lấy đâu ra cơ sở để được đền bù. Người dân mất tiền là hiển nhiên!
Theo luật sư Mai Quốc Việt (Công ty Luật FDVN, đoàn Luật sư Đà Nẵng), nếu như trước đây, pháp luật đất đai còn những kẻ hỡ nhất định, việc kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo thì nay các quy định đền bù, GPMB chặt chẽ, quy trình công khai minh bạch. Thậm chí còn có các thiết bị, công cụ hỗ trợ (quay chụp, đo đạc, ghi nhận dấu vết hiện trạng…) nên người dân không dễ để lợi dụng chính sách.
Chỉ cần địa phương vào cuộc quyết liệt, mọi hành vi xây dựng chờ đền bù đều được làm sáng tỏ. Không những không được đền bù, các trường hợp xây trái phép còn mất thêm chi phí để dỡ bỏ.
Việc người dân ồ ạt xây dựng các hạng mục công trình chờ đền bù không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng đến công tác đền bù, GPMB, kéo dài thời gian triển khai dự án. Vì vậy, cần thiết phải ngăn chặn ngay từ đầu.
Xuân Huy
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận