Năm 2015, Trung Quốc đã đầu tư 823,8 tỷ nhân dân tệ xây dựng 9.531km đường sắt mới, trong đó có 3.306km đường sắt cao tốc |
Thua lỗ nặng, nguy cơ nợ xấu
Đường sắt cao tốc Trung Quốc đang thua lỗ nặng. Trong tất cả các tuyến đường sắt cao tốc tại Trung Quốc, chỉ có duy nhất tuyến nối giữa Bắc Kinh - Thượng Hải mang về lợi nhuận. Mặc dù, tuyến đường này đi vào hoạt động từ năm 2011 nhưng mãi đến năm 2015 mới có lợi nhuận nhờ số lượng hành khách đạt trên 100 triệu lượt/năm. Tuyến đường sắt nối TP Gansu (thủ phủ tỉnh Lan Châu) và TP Urumqi (thủ phủ khu tự trị Tân Cương) bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2014. Đến nay, tuyến này hoạt động 5 chuyến/ngày; lợi nhuận chỉ đủ trang trải chi phí điện.
Trong quý I/2016, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRC) thua lỗ 8,7 tỷ nhân dân tệ (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2015), đối mặt với khoản nợ lên tới hơn 4 nghìn tỉ nhân dân tệ, từ lâu phải dựa vào trợ cấp của Chính phủ và vay thêm ngân hàng địa phương để duy trì hoạt động.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Trung Quốc vẫn lên kế hoạch xây dựng thêm đường sắt cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 30.000km trên cả nước tính tới năm 2020. Năm 2015, Trung Quốc đã đầu tư 823,8 tỷ nhân dân tệ để xây dựng 9.531km đường sắt mới bao gồm 3.306km đường sắt cao tốc mặc dù chi phí xây dựng đường sắt cao tốc cao hơn chi phí xây dựng đường sắt thường ít nhất hai lần. Để có tiền đầu tư, Chính phủ sẽ khuyến khích Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc mở rộng phát hành trái phiếu - ông Fei Zhirong, quan chức đến từ Ủy ban Cải cách, Phát triển Quốc gia cho biết.
Các chuyên gia e ngại kế hoạch này tiềm ẩn nhiều rủi ro ùn ứ nợ xấu. Ông Zhao Jian, GS. Đại học Giao thông Bắc Kinh cho biết, chính phủ cần phải phát triển hệ thống đường sắt thông thường và hệ thống vận tải công cộng đô thị thay vì “ném tiền” vào đường sắt cao tốc. Tiếp tục đầu tư lượng tiền lớn vào đường sắt, tàu tốc độ cao trong khi hệ thống đường sắt hiện tại chật vật, không có khách, thua lỗ là quyết định không khôn ngoan - ông Jian trao đổi với tờ Caixin.
Đầu tư quá mức cần thiết
Việc đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông được cho là cách để Trung Quốc tạo động lực phát triển kinh tế trong bối cảnh tốc độ phát triển dần chậm lại. Báo cáo do Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company vừa công bố hồi tháng 7 cho thấy, nhu cầu đầu tư hạ tầng từ các nền kinh tế mới nổi như: Trung Quốc, Đông Âu, châu Mỹ Latinh và Trung Đông chiếm hơn 60% nhu cầu trên toàn cầu.
Chuyên gia Robert Puentes, nghiên cứu sinh chuyên ngành chính sách đô thị tại Viện Tư vấn Brookings (Anh) nhận định: Từ năm 1992 - 2013, Trung Quốc chi 8,6% GDP vào xây dựng đường sá, đường sắt, sân bay, cầu cảng cùng nhiều dự án khác để vận chuyển hành khách và hàng hóa thuận lợi, tạo đà cho kinh tế vững mạnh. Đặc biệt, nước này đã xây dựng 19.000km đường sắt cao tốc - cao gấp đôi tổng km đường sắt mà tất cả các nước trên thế giới xây dựng trong 50 năm qua.
Mặc dù ông Puentes cho rằng, Trung Quốc nên chú trọng chi tiêu vào hạ tầng, tạo thuận lợi cho người dân di chuyển. Song, một số chuyên gia khác đánh giá, Trung Quốc đang chi tiêu quá nhiều so với nhu cầu thực tế. Ông Jan Mischke, nghiên cứu sinh đến từ Học viện Quốc tế McKinsey cho biết: "Thực tế, Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn mức cần thiết. Điều quan trọng là đầu tư nhưng phải hiệu quả và thiết thực cũng như đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu và phát minh”.
Tờ Caixin cho rằng, đường sắt là một phần trong hệ thống giao thông công cộng như đường bộ, hàng không, đường thủy và tàu điện ngầm. Do đó, kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc cần phải được tính toán cẩn thận để tận dụng và phát huy cả các phương tiện vận chuyển khác, tránh lãng phí.
>>>Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận