Chính phủ Trung Quốc âm thầm gửi tới các bệnh viện, công ty và đơn vị Nhà nước một văn bản hướng dẫn về hàm lượng nội địa bắt buộc phải có khi mua sắm hàng trăm trang thiết bị như máy chụp X-quang, thiết bị chụp cộng hưởng từ…
Động thái ngầm từ phía Bắc Kinh khiến giới chức, chuyên gia Mỹ càng thêm quan ngại về hoạt động thương mại của Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ năm 2018
Vì sao văn bản ngầm này đáng ngại với Mỹ?
Ngày 3/8, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ cựu quan chức Chính phủ Mỹ giấu tên cho biết, Bộ Tài chính và Bộ Công nghệ Thông tin, Công nghiệp Trung Quốc (MIIT) đã ra văn bản số 551 vào ngày 14/5 với tiêu đề: “Hướng dẫn kiểm tra hoạt động mua sắm sản phẩm nhập khẩu”.
Văn bản được gửi tới các bệnh viện, công ty và nhiều doanh nghiệp Nhà nước, đưa ra danh mục 315 thiết bị và quy định hàm lượng nội địa bắt buộc phải có trong từng sản phẩm, tương ứng từ 25 - 100%.
Trên thực tế, các nước đang phát triển thường sử dụng hình thức này trong chiến lược chuyển đổi nền sản xuất từ chế tạo các sản phẩm được lắp ráp đơn giản, sử dụng thành phần nhập từ nước ngoài sang sử dụng các linh, phụ kiện chế tạo trong nước.
Biện pháp này cũng được các nước phát triển sử dụng nhằm bảo vệ việc làm của nước mình, cũng như bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài.
Ngay trong tuần đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh “Mua hàng hóa của Mỹ”. Đây là chủ trương người tiền nhiệm Donald Trump cực lực ủng hộ khi còn đương chức.
Sắc lệnh này nhằm khai thác sức mua lớn từ chính quyền liên bang, thúc đẩy ngành sản xuất tại Mỹ. Tuần trước, Mỹ đã công bố quy định mới về hàm lượng nội địa trong các sản phẩm mà chính quyền Mỹ đặt mua.
Tuy nhiên, theo cựu quan chức Mỹ, điểm đáng quan ngại là cách Trung Quốc ra văn bản hướng dẫn. Vì khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bắc Kinh đã đồng ý không phát hành những văn bản nội bộ như vậy.
Ngoài ra, theo cáo buộc của Hoa Kỳ, nội dung hướng dẫn đã vi phạm tinh thần thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 trong đó Mỹ và Trung Quốc thống nhất sẽ hạ bớt rào cản thương mại hai bên.
Bộ Tài chính và Bộ Công nghệ Thông tin, Công nghiệp Trung Quốc chưa phản hồi về các thông tin trên.
Cản trở mục tiêu giải quyết thương chiến với Mỹ
Qua sự việc này, các Nghị sĩ và giới chức trong ngành công nghiệp Mỹ càng lo ngại về sự thiếu minh bạch trong hoạt động thương mại của Trung Quốc.
Ông Doug Barry, phát ngôn viên Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cho biết, tổ chức này đã biết về văn bản hướng dẫn trên nhưng chưa tận mắt nhìn thấy bản sao.
Trước đó, cũng có không ít doanh nghiệp thành viên, đang hoạt động tại Trung Quốc báo cáo tình trạng khó khăn trong cạnh tranh, đấu thầu trên một số lĩnh vực như giao thông.
Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sớm hoàn tất đánh giá các chính sách thương mại Mỹ - Trung và nêu bật những quan ngại trên trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10 tới.
Theo các chuyên gia trong ngành, văn bản hướng dẫn trên có thể làm khó cho chính Trung Quốc. Theo thoả thuận Giai đoạn 1, được ký kết tháng 1/2020 nhằm giải quyết thương chiến khốc liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 triệu USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong 2 năm. Tuy nhiên, đến nay, Trung Quốc còn cách xa mục tiêu này.
Tính đến tháng 6, dữ liệu từ chính phủ Mỹ và Trung Quốc chỉ ra, sức mua của Bắc Kinh mới đạt chưa đến 70% mục tiêu đề ra trong năm.
“Thâm hụt thương mại Trung Quốc với Mỹ - yếu tố quan trọng nhất khiến chính quyền Mỹ áp các lệnh trừng phạt, rào cản kinh tế với Bắc Kinh - vẫn ở mức cao khoảng 32,58 tỷ USD trong tháng 6/2021”, ông Chad Bown, nghiên cứu sinh tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.
Trong bản danh sách hàng hóa bao gồm thiết bị y tế, radar mặt đất, thiết bị quang học; trang biết bị chăn nuôi; thiết bị địa chất, hàng hải, địa vật lý… có nhiều mặt hàng mà Trung Quốc đã đồng ý mua theo thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 với Mỹ. Ví dụ, với thiết bị chụp cộng hưởng từ, vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ, theo quy định mới, hàm lượng nội địa phải là 100%, tức là hoàn toàn sản xuất tại Trung Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận