Hậu trường sao

Tuổi thơ cơ cực của nữ xạ thủ hụt huy chương Olympic

04/08/2024, 06:53

Những ngày qua, người hâm mộ không khỏi tiếc nuối khi xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã để hụt mất huy chương tại Olympic Paris 2024. Ít ai biết, nữ xạ thủ này có tuổi thơ rất gian khó và từng là một động viên điền kinh.

Từ điền kinh bén duyên bắn súng

Chiều 28/7, Trịnh Thu Vinh (SN 2000, quê ở khu phố 1, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) đã mang đến những giây phút vô cùng hồi hộp cho người hâm mộ Việt Nam khi bước vào thi đấu chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nữ ở Olympic Paris 2024.

Tuổi thơ cơ cực của nữ xạ thủ hụt huy chương Olympic- Ảnh 1.

Xạ thủ Trịnh Thu Vinh hụt huy chương Olympic trong lần đầu tham dự.

Đáng tiếc, Thu Vinh phải dừng bước sau phát bắn thứ 20, cô giành tổng cộng 198,6 điểm và xếp thứ 4 chung cuộc.

Người đoạt HCV nội dung này là xạ thủ Hàn Quốc Oh Ye Jin với 243,2 điểm sau 24 loạt bắn (thành tích phá kỷ lục Olympic). Kim Yeji (Hàn Quốc) đoạt HCB, còn Manu (Ấn Độ) giành HCĐ.

Dù không đoạt được huy chương nhưng màn trình diễn của Trịnh Thu Vinh ở kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp là rất đáng khen ngợi. Mặc dù vậy, không nhiều người biết nữ xạ thủ từng là dân điền kinh.

Bà Lê Thị Cường, mẹ xạ thủ Thu Vinh tiết lộ: "Năm lớp 8, Vinh giấu bố mẹ đi thi chạy điền kinh, đến lúc được huyện chọn làm đại diện đi thi đấu cấp tỉnh thì Vinh mới nói cho bố mẹ biết.

Sau đó, các thầy đã đề nghị với gia đình cho cháu tham gia đội thể thao của lực lượng công an. Quá trình về sau, các thầy lại nhận thấy Vinh có thế mạnh về môn bắn súng nên đã chuyển cháu sang bộ môn này để tập luyện".

Tuổi thơ gian khó

Sinh ra ở vùng miền núi phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, từ nhỏ, Trịnh Thu Vinh đã nếm trải bao vất vả để nuôi hy vọng trở thành vận động viên chuyên nghiệp.

Tuổi thơ cơ cực của nữ xạ thủ hụt huy chương Olympic- Ảnh 2.

Ông Ba khoe thành tích của con gái.

Gia cảnh nhà nữ xạ thủ rất khó khăn. Bố mẹ Vinh rời quê hương ở huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) đến vùng núi huyện Thạch Thành lập nghiệp bằng việc đi trồng mía thuê.

Ông Trịnh Văn Ba (58 tuổi, bố Vinh) cho biết, Vinh là con gái thứ hai trong gia đình (trước Vinh có một chị gái bị khuyết tật và sau Vinh có một em gái). Tuổi thơ của Vinh vất vả hơn chúng bạn khi vừa đi học, vừa phải đi chăn trâu, làm việc nhà phụ giúp gia đình.

"Khi biết Vinh thi đấu Olympic ở Pháp và lọt vào vòng chung kết, anh em, hàng xóm ai cũng gọi điện chúc mừng và mong cháu đạt thành tích cao. Sau đó, dù hụt mất huy chương, giành hạng 4 chung cuộc nhưng gia đình vẫn luôn tự hào về thành tích của cháu" bà Cường tâm sự.

Theo vợ chồng ông Ba, bà Cường, trong suốt nhiều năm qua, gia đình luôn đồng hành, dõi theo và cổ vũ Vinh. Đến nay, Vinh đã giành gần 40 giải thưởng cả trong nước và khu vực. Olympic 2024 lần này là giải đấu lớn nhất mà Vinh từng tham gia.

"Việc dự giải mang tầm quốc tế, nơi có rất nhiều vận động viên giỏi đương nhiên khó khăn. Trước khi con thi đấu, ở quê nhà chúng tôi cũng chỉ có thể động viên cháu cố gắng hết mình, giành vị trí cao để mang vinh quang về cho Tổ quốc", ông Ba tự hào về con gái.

Chỉ mong con khỏe

Mặc dù sinh ra trong một gia đình không có truyền thống thể thao, bố mẹ làm nông nghiệp nhưng Thu Vinh lại có niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn bắn súng. Điều này được thể hiện qua ý chí và tính nhẫn nại, xuyên suốt từ thời điểm làm quen các kỹ thuật cơ bản đến giây phút được cầm súng trên tay.

Tuổi thơ cơ cực của nữ xạ thủ hụt huy chương Olympic- Ảnh 3.

Bố mẹ Trịnh Thu Vinh trên nông trường.

"Cháu nó quyết tâm lắm, từ xưa tới nay trong tập luyện hay thi đấu đều đặt mục tiêu rất cao. Có lần thi đấu thành tích không tốt, Vinh gọi về cho mẹ rồi bật khóc, gia đình cũng chỉ biết vỗ về, động viên tiếp tục nỗ lực", bà Cường bộc bạch.

Đến đây, bỗng mẹ nữ xạ thủ mắt nhìn về phía xa. Bà bảo thương con gái một mình nơi đất khách, quanh năm làm bạn với súng, đạn chứ không có những ngày tháng hồn nhiên như bạn bè cùng trang lứa.

"Từ Tết tới giờ Vinh chưa về thăm nhà vì quá bận với các kế hoạch tập huấn. Con gái đi biền biệt như vậy, nhớ lắm chứ", bà Cường mắt rưng rưng rồi lại nói như tự an ủi: "Biết làm sao được, cái nghiệp thể thao nó vận vào người cháu rồi. Chỉ mong cháu luôn có sức khỏe, thành tích thì có hay không với tôi cũng chẳng quan trọng".

Trong hành trình vươn tới đỉnh cao, Thu Vinh được sự dìu dắt, huấn luyện chuyên môn sát sao của chuyên gia Park Chung-gun, cũng là người thầy của nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh. Nữ xạ thủ đã được chuyên gia người Hàn Quốc đưa vào nhóm vận động viên trọng điểm đào tạo chuẩn bị cho Olympic 2024 ở nội dung súng ngắn hơi nữ.

So với những môn thể thao khác, vận động viên bắn súng thường có tuổi nghề lâu hơn. Với một vận động viên mới 24 tuổi như Trịnh Thu Vinh thì hành trình của cô chỉ vừa mới bắt đầu để cố gắng chinh phục giấc mơ đỉnh cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.